“So với một số nước, hiện thủ tục xin phép xây dựng ở ta cũng đơn giản, thời gian ngắn hơn nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Đọc báo vẫn còn thấy người dân kêu về thủ tục xin phép xây dựng” - ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhận xét trong buổi hội thảo về giấy phép xây dựng (GPXD) và quản lý GPXD do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 23-8.
Siết chặt trách nhiệm chủ đầu tư và tư vấn
Ông Tuyến nhận định cấp phép xây dựng là một công tác quan trọng nên việc ban hành một dự thảo nghị định như Bộ Xây dựng đang thực hiện là cần thiết. Sở Xây dựng TP cũng đã gửi bản góp ý gần 20 trang giấy cho dự thảo trên. “Mong muốn nhất là trong nghị định phải thể hiện thật rõ trách nhiệm của ba chủ thể: cơ quan cấp phép (gồm Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc), chủ đầu tư và đơn vị tư vấn” - ông Tuyến kiến nghị. Ông Tuyến giải thích thêm, hiện luật có quy định nhưng trách nhiệm của các chủ thể này vẫn còn khá chung chung. Không ít trường hợp chỉ tiêu quy hoạch đã rõ nhưng chủ đầu tư và tư vấn vẫn làm sai khiến hồ sơ bị trả ra, phải điều chỉnh.
Ngoài ra, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng đưa thêm vào dự thảo quy định về việc trổ cửa sổ, cấp phép trạm BTS cũng như công trình tạm trên đất quy hoạch công trình giao thông và nằm trên lộ giới đường. “Những vấn đề này Sở từng kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được gút lại” - ông Tuyến cho biết.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cũng đồng tình về kiến nghị cho phép xây dựng tạm tại khu vực quy hoạch đường giao thông nhưng đề nghị nên bồi thường cho các công trình này khi thực hiện quy hoạch (quy định hiện hành là không). Ông còn kiến nghị cần phải quay lại việc kiểm tra khi định vị phần móng chứ không giao khoán hết cho chủ đầu tư và nhà thầu như hiện nay, bởi khi có hậu quả xảy ra thì việc khắc phục rất khó khăn.
Tỉ lệ công trình có GPXD ngày càng tăng. Ảnh: HTD |
Có quy hoạch 1/500: Có thể vẫn phải xin GPXD
Vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn là các trường hợp được miễn GPXD. Theo ông Hoàng Thọ Vinh, Vụ phó Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), nhiều địa phương phản ánh khu đô thị mới, dự án nhà ở, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã có quy hoạch chi tiết (QHCT) 1/500 theo quy định hiện hành được miễn GPXD là chưa phù hợp thực tế.
“QHCT 1/500 chưa thể hiện đầy đủ các tiêu chí đáp ứng điều kiện về quản lý như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất từng lô đất, độ cao, hình thức kiến trúc, màu sắc công trình… Nếu miễn giấy phép sẽ không có căn cứ để quản lý việc tuân thủ theo quy hoạch và các quy định khác trong các dự án này” - ông Vinh cho biết. Do đó, trong dự thảo, Vụ đề nghị đưa đối tượng này vào diện phải xin phép xây dựng, chỉ miễn giấy phép đối với công trình hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực này.
Đề xuất trên được nhiều địa phương tán đồng nhưng vẫn còn một số ý kiến khác. “Luật Xây dựng quy định đối tượng này được miễn GPXD, nếu nghị định lại không cho thì có trái luật không?” - một đại biểu góp ý. Ông Nguyễn Hữu Mạnh lại cho rằng đã có QHCT 1/500 được duyệt mà công trình nào cũng phải cấp phép là “đẻ” thêm việc cho nhà nước. “Vấn đề là phải rà soát, đánh giá xem các tiêu chí của QHCT 1/500 đã đủ hay chưa, chỗ nào cần chấn chỉnh để tiếp tục miễn GPXD mà vẫn quản lý tốt” - ông bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo về nghị định cấp phép xây dựng trước khi trình Chính phủ ký ban hành.
CẨM TÚ