Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Nam Định cho biết, từ ngày 18/11 đến nay, một số xã tại địa phương này đã phát sinh dịch cúm gia cầm tại các đàn gà và vịt...
Theo đó, vào ngày 18/11/2010, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 1 hộ gia đình thuộc xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên làm 1.520 con gia cầm mắc bệnh (1.500 con vịt và 20 con gà).
Ngày 21/11/2010, dịch cúm gia cầm cũng xảy ra tại 1 hộ gia đình thuộc xã Yên Hồng, huyện Ý Yên làm 75 con vịt mắc bệnh. Toàn bộ đàn gia cầm của các hộ trên đã bị tiêu hủy vào các ngày 20 và 22/11/2010.
Hiện tại, Chi cục Thú y cùng với chính quyền địa phương đang tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Hiện nay thời tiết chuyển lạnh, có mưa sẽ là điều kiện thuận lợi cho cúm gia cầm phát triển và bùng phát dịch. Trong khi đó, vì đã lâu không có tin gia cầm nhiễm cúm nên tâm lý của người dân rất chú quan. Tại hầu hết các chợ, việc bán gia cầm sống đã trở lại, hoạt động tự do và hết sức sôi nổi mà không gặp bất cứ sự kiểm tra, kiểm soát nào của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, dịch lở mồm long móng (LMLM) cũng đang xuất hiện ở nhiều địa phương. Tại tỉnh Yên Bái, theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, từ ngày 9/11/2010, dịch đã xảy ra tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình làm 6 con trâu mắc bệnh. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với vi rút LMLM type O.
Đến ngày 22/11/2010, dịch đã được phát hiện thêm tại các xã Trung Tâm (huyện Lục Yên), Pú Luông, Dế Xu Pình, La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải).
Như vậy, từ ngày 9/11 đến 22/11/2010, dịch LMLM đã xảy ra tại 5 xã thuộc 3 huyện: Yên Bình, Lục Yên và Mù Cang Chải. Tổng số gia súc mắc bệnh là 194 con trâu, bò và 78 con lợn. Chi cục thú y đã tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Hiện nay, cả nước còn 8 tỉnh là Đăk Lăk, Sơn La, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên, Bắc Ninh và Yên Bái có dịch LMLM chưa qua 21 ngày.
Đối với dịch tai xanh, theo tổng hợp từ các địa phương, hiện nay, cả nước có 9 tỉnh là Khánh Hòa, Đăk Lăk, Tây Ninh, Cà Mau, Trà Vinh, Ninh Thuận, Sơn La, Quảng Ninh và Thanh Hóa có dịch chưa qua 21 ngày.
Càng gần Tết, nhu cầu sử dụng gia cầm, đặc biệt là gà càng tăng mạnh. Để bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng, người dân cần hết sức cảnh giác, tránh mua phải gà ốm, chết hoặc có biểu hiện dịch.
Ngày 18/11 vừa qua, tại Hồng Kông, ca bệnh nhân mắc cúm gia cầm đầu tiên xuất hiện trở lại sau 7 năm nay. Ngay lập tức, Chính quyền Hồng Kông đã nâng cảnh báo cúm gà lên mức “nghiêm trọng”, đồng nghĩa rằng có nguy cơ cao nhiễm phải căn bệnh có khả năng chết người này.
Nguồn: VnMedia