Là giỗ đầu bà nội nên nhà chồng Loan làm đến 30 mâm cỗ. Họ hàng xa gần, thông gia, dâu rể, cháu chắt... toàn người trong làng. Ăn cỗ ở quê nên mọi thứ phải làm từ A đến Z.
4h, vợ chồng Loan đã bị dựng dậy vì mẹ chồng gọi: “Cô bác người ta phải thức đêm để mổ gà, mổ vịt mà hai vợ chồng vẫn ngủ được à”.
Nguyên việc nhặt rồi rửa rau, Loan và vài cô em họ phải xoay sở từ tờ mờ tới tận 8h. Suốt buổi trưa, Loan không được ăn miếng nào vì vừa ngồi xuống mâm là bị mẹ chồng sai, bố chồng gọi lấy cái nọ, thêm cái kia, xào lại rau, hâm lại canh cho nóng... đến chóng cả mặt. May Loan ăn được vài miếng xôi lót dạ.
Ăn xong, nguyên vài chục mâm bát ngổn ngang chờ đến tay Loan rửa. Loan vừa rửa xong chồng bát này đã ồ ạt thêm chồng bát khác tuôn đến. Hì hục rửa bát đến 4-5h chiều khiến Loan muốn gãy lưng. Chồng Loan thương tình lăng xăng phụ giúp vợ. Thế mà mấy bà chị họ nhàn rỗi đi qua còn bảo: “Ôi Loan sướng nhỉ, có chồng làm hết cho thế kia”.
“Mình là dâu mới nên cứ phải ra sức mà làm, mà thể hiện khổ thế đấy. Ăn xong giỗ quê chồng, mình phải xin nghỉ làm mất gần tuần lễ vì ốm” – Loan than thở.
Cũng là dâu mới nên Nga (Đống Đa, Hà Nội) về quê chồng là phải tâm niệm: “làm cật lực để không bị "soi”. Nhà có đám cưới em họ kề bên, vốn không biết nấu nướng nên Nga quyết định làm chân “loăng quăng”.
Khổ nhất là khi Nga vừa khệ nệ khuôn một chồng ghế cất đi cho gọn theo lời bác này thì lại phải ngay lập tức ôm ghế ra, xếp lại theo lời một bà bác khác. Mỗi bác mỗi ý chỉ khổ cho Nga đứng lơ ngơ ở giữa, vừa thu cái này, lại phải bày ra cái khác... vừa mệt mỏi, lại nhức hết cả đầu. Chưa kể, làm không theo đúng ý một ai đó là bị ăn mắng ngay.
Luôn tay dọn dẹp để nhà chồng quý và không bị chê là lười khiến Nga mệt bở hơi. Vừa ngồi xuống ghế nghỉ một lát đã bị nhắc: “Đứng dậy xem nước nôi thế nào còn tiếp khách. Đang bận thế mà còn ngồi được à?”.
Loay hoay cỗ bàn không vất vả bằng lúc rửa bát. Ban đầu còn có họ hàng rửa bát cùng Nga nhưng chỉ một loáng cặm cụi, lúc quay lại, Nga đã thấy không còn ai cả. Lại hì hụi một mình hoàn thành nốt đống bát đũa ngập ngụa dầu mỡ khiến lúc rửa xong, hai bàn tay Nga có cảm giác khô rát hết cả.
“Làm dâu mới khổ lắm vì hay bị để ý mà. Lười thì không được mà thể hiện hết mình thì khốn đốn vô cùng. Chắc nhiều người làm dâu cũng khổ như mình nên phải cố vậy. Thôi thì cũng may vì mỗi năm chỉ làm dâu quê chồng vài bữa thôi. Khi mình làm dâu "quen mặt" thì kiếm cớ nào "chuồn" cũng đỡ sợ” – Nga tâm sự.
Tâm lý “dâu mới phải thể hiện” không hề hiếm. Có nhiều lý do mà chị em đưa ra: sợ mang tiếng chây lười, sợ bị nhà chồng ghét, cười chê... Làm dâu, ai cũng muốn mình được ghi điểm trong mắt nhà chồng hay xa hơn là họ hàng nhà chồng. Nàng dâu mới bao giờ cũng sẵn nhiệt tình, lại được coi là trẻ khỏe, chưa vướng bận con cái chẳng hạn... nên càng dễ bị sai vặt nhiều. Chưa kể, nhiều người còn có tâm lý “nhường việc” cho “kẻ mới đến”.
Chuyện nàng dâu muốn “thể hiện” không phải là xấu. Điều đó chứng tỏ thành ý của con dâu với nhà chồng và rất đáng được trân trọng. Tuy nhiên, nếu phải làm việc quá sức lại không được sự sẻ chia, trao đổi từ chồng hay người nhà chồng thì con dâu có thể nảy sinh tâm lý chán nản và bất bình. Chuyện này tuy không lớn nhưng nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng và tình cảm của con dâu với nhà chồng. Người vợ có thể không thích về quê chồng nữa dễ khiến người chồng bực bội.
Từ đó, thiếu đi không khí hòa thuận trong gia đình. Vì thế tốt nhất, khi mới kết hôn, vợ chồng cần có chia sẻ về cách ứng xử, đối đãi hai bên họ nội và họ ngoại. Vợ chồng nên sắp xếp các kế hoạch về quê nội – ngoại trong những dịp nghỉ lễ dài ngày, giỗ chạp hay Tết nhất.
Nếu con dâu thấy mệt mỏi, quá sức khi đảm nhiệm chuyện bếp núc, nội trợ ở quê chồng thì nên trao đổi thẳng thắn để được hỗ trợ từ các thành viên khác trong nhà.
Dịu Hiền