Đúng ra trước những con đường mới được sửa chữa, nâng cấp, người dân phải vui mừng, nhưng thật ngược đời, nhiều người lại “mếu máo” khi cuộc sống bị đảo lộn từ khi con đường “có bộ mặt mới”!. Chung quanh việc nâng cấp đường nói riêng và nâng cấp đô thị nói chung của thành phố vẫn còn không ít chuyện cười…ra nước mắt.
Sau cơn mưa sáng 10-5, nhiều nhà biến thành ao Ảnh: Giang Chinh
|
Khấn trời…đừng mưa
Số đông người dân có nhà mặt đường ở khu vực chung quanh nút giao thông ngã Sáu (mới) kinh doanh quán ăn, bán cà phê, tiệm bách hóa..., Kể từ khi nút giao thông này được nâng cấp mở rộng, cuộc sống của không ít gia đình bị đảo lộn.
Trước đây, nền nhà cô Trần Thanh Vân, số 36, phố Lê Lai cao hơn mặt đường khoảng 30cm. Từ khi đường Lê Lai được nâng cấp mở rộng , trước cửa gia đình cô và các hộ dân gần đó xuất hiện “con đê”, cao hơn vỉa hè khoảng 40cm. Cô Vân bức xúc: “Bán cà-phê là cần câu cơm của chúng tôi, nay bị một “con đê” chắn ngang và “khóa” cả đường đi khác nào dồn chúng tôi vào chỗ khó khăn”.
Trường hợp nhà cô Vân vẫn được coi “may mắn” so với anh Việt ở đường Nguyễn Trãi. Cửa hàng sửa chữa xe máy Hoàng Việt của anh gần như bị “che khuất” bởi…lòng đường, do nền nhà thấp hơn mặt đường khoảng…1m. Anh Việt buồn rầu cho biết, dạo này cửa hàng của anh vắng khách hẳn do khách hàng không tìm được lối… vào nhà.
Theo phản ánh của người dân, việc nâng cốt đường thiếu khoa học của cơ quan chức năng gây thiệt hại đáng kể cho người dân chung quanh khu vực này. Theo tính toán của cô Vân, muốn nâng cao nền nhà bằng với mặt đường hiện nay tốn ít nhất khoảng 70 triệu đồng để tôn nền, nâng cánh cửa, nâng xà, gạch lát nền…Đây cũng là nỗi lo chung của hàng chục hộ dân sinh sống và buôn bán ở các tuyến đường Đà Nẵng, Lê Lai , Nguyễn Trãi. Trong lúc chưa nâng được nền nhà, những người dân ở khu vực này đều khấn thầm mong trời đừng mưa!, bởi lẽ khu vực này sẽ biến thành “cái ao” khi được “con đê” cao tới 40-50cm bao bọc.
Tránh tư duy… “con đà điểu”
Trong quá trình phát triển của thành phố, mở rộng, nâng cấp đường nói riêng và nâng cấp đô thị nói chung là việc làm cần thiết, tuy nhiên, nâng cấp thế nào để tôn thêm vẻ đẹp của con đường, đừng để tình trạng “lợn lành chữa thành lợn què” với kiểu tư duy “con đà điểu”, tức là chỉ cốt được việc của mình, giống như con đà điểu chúi đầu xuống cát.
Theo các kỹ sư cầu đường, khi cần chỉnh trang nâng cấp những con đường, việc đầu tiên là dùng các loại thiết bị, máy móc bóc dỡ toàn bộ phần đường trước đó. Cho dù vật liệu để làm nên tuyến đường trước đó có là bê tông hay nhựa thì tất cả đều được đào hết đến phần cốt đường. Phần cốt đường cũ này vẫn được lăn, ủi, rải cát, đá, gia cố thêm cho bảo đảm độ bền vững. Cách làm này giúp độ cao những con đường không biến đổi nhiều so với mặt bằng chung. Vì thế các con đường dù có sửa chữa hoặc nâng cấp bao nhiêu lần vẫn không phá vỡ quy hoạch chung hiện có. Đặc biệt là không “nhấn chìm” những ngôi nhà đã xây xuống thấp hơn mặt đường do độ cao của nền đường được đôn lên.
Lý thuyết là vậy, chẳng biết chủ nhà thầu xây dựng có biết hay cố tình phớt lờ hoặc “sáng tạo” để tiết kiệm chi phí, thời gian, mà hiện khi nâng cấp đường rất ít khi đào phần đường cũ đi. Cách làm phổ biến là cứ đổ cát, đá tôn cao nền đường, rồi đổ lớp nhựa đường lên trên. “Công nghệ” này rất nhanh, vì không phải làm lại phần cốt đường, nhiều tuyến đường chỉ sau một đêm đã thấy mới toanh. Tuy nhiên, độ cao của đường được nâng cao chí ít cũng 20 - 30 cm và vô tình con đường trở thành con đê ngăn nước mỗi khi trời mưa. Rất nhiều ngôi nhà khi xây dựng, gia chủ đã cẩn thận trừ hao phòng xa tới vài chục cm độ cao nền nhà so với mặt đường, nhưng chỉ sau vài lần đường nâng cấp là ngôi nhà có nền thấp hơn đường tới cả mét!
Đi trên đường phố Hải Phòng, không khó để nhận ra nền nhà nhiều gia đình ở nhiều tuyến phố thấp hơn lòng đường là do kiểu thi công “ăn xổi” này. Điều này gây phiền toái cho người dân sinh sống ở nơi con đường được nâng cấp, tạo ra cảnh quan lộ cộ trong kiến trúc đô thị, để rồi sau đó lại đổ tiền chữa “vết sẹo”. Hy vọng mọi việc sẽ được thay đổi và có tầm nhìn ngay từ những con đường. Bởi chỉ có như vậy chúng ta mới làm cho diện mạo đô thị bắt kịp với xu thế phát triển nhanh như hiện nay.
Thảo Nguyên