Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, thay đổi hormone trong thai kỳ ảnh hưởng nhiều đến làn da của thai phụ. Trong 9 tháng thai kỳ, da của bà bầu có sự thay đổi rõ rệt, tùy cơ địa mà mỗi người có những biến đổi khác nhau.
Tình trạng khô sần, nổi mụn, lỗ chân lông to, nám sạm khiến bề mặt da thai phụ trở nên xấu xí. Bà bầu có làn da khỏe cũng không tránh khỏi khô rám và xỉn màu, đặc biệt là vùng bụng, ngực, mông. Chính vì vậy cần có biện pháp chăm sóc da phù hợp.
Rạn da là tình trạng không thể tránh khỏi khi mang thai, có thể sử dụng dầu dừa để khắc phục. Loại tinh dầu này rất hữu ích trong ngăn ngừa rạn da. Phụ nữ mang thai nên dùng dầu dừa từ tháng thứ tư trở đi, thoa lên bụng vào mỗi tối sau khi tắm.
Để làn da khỏe đẹp trong suốt thời gian mang thai, bà bầu nên uống nhiều nước. Ngoài ra cần có chế độ ăn lành mạnh với đầy đủ ngũ cốc, các loại rau sậm màu hoặc uống bổ sung axit folic theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng sản xuất collagen và bảo vệ tế bào khỏi sự phá hủy của các gốc tự do.
Các nghiên cứu chứng minh tăng cường vitamin C giúp da tăng khả năng chống lại tổn thương oxy hóa. Vitamin C có nhiều trong trái cây và rau như ớt, cam, bưởi, dâu tây, chanh, bông cải xanh… Chỉ cần bà bầu ăn uống đủ chất, những vệt da sậm màu sẽ tự nhiên biến mất sau khi sinh một vài tháng.
Làn da của phụ nữ mang thai khá yếu và nhạy cảm, vì vậy nên dùng kem chống nắng để bảo vệ da.Tốt nhất nên chọn loại kem có thành phần thiên nhiên hoặc chứa oxit kẽm hay titanium.
Lưu ý: Không nên áp dụng các biện pháp chữa trị nám da trong thời gian mang thai vì sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Hãy chờ đến khi em bé cai sữa xong mới bắt đầu liệu trình phục hồi và chữa trị nám cho mẹ.