Cứ đến bữa ăn, rất nhiều gia đình có con nhỏ lại như “cuộc tập trận” với tiếng van nài, hò hét, khua chiêng, gõ trống với la liệt thức ăn: Cơm, cháo, phở, sữa để... nhồi các cục cưng no bụng. Trong “cuộc chiến” ấy, cả bố mẹ, con cái đều mệt “phờ râu trê” nhưng rốt cục tất cả đều “bại trận” bởi những đứa trẻ vẫn... còi!
Vật vã cho con ăn. Ảnh MH |
1 tháng tuổi, “xơi” 4 loại sữa
3 năm sau ngày cưới, anh chị Việt - Lê (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới sinh được đứa con đầu lòng. Niềm mong mỏi của anh chị bấy lâu được đền đáp nên chị Lê đưa ra cả một “chiến dịch” bồi bổ cho cậu quý tử. Vì điều kiện kinh tế khá giả, chị quyết định nghỉ ở nhà để chăm con. Thay vì cho con uống sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, ngay từ tháng đầu tiên của bé Bo, chị Lê đã mang về 3 loại sữa công thức khác nhau để cho cục cưng thưởng thức. Bữa ăn con trai chưa đầy tháng của chị là: Mỗi ngày, 2 bữa sữa mẹ và 4 bữa sữa ngoài với các nhãn hiệu khác nhau. Theo chị Lê thì cho bé Bo uống nhiều loại sữa để con có nhiều loại chất bổ dưỡng.
Chẳng hiểu bổ dưỡng tới đâu mà bé Bo bị đi ngoài liên tục. Tháng đầu, bé Bo lên có 500 gam (ít hơn một nửa so với trung bình) khiến chị Lê lo lắng. Nhiều người khuyên chị chỉ nên cho con uống sữa mẹ, chị vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến của mình.
Không những vậy, chị Lê còn lên mạng “săn” xem đang có những loại sữa nào ở thế giới mới nhập về Việt Nam để tức tốc mua cho cu cậu. Sữa càng đắt chị Lê càng... mê. Nhưng rồi, con chị vẫn đi ngoài, cơ thể còi cọc, không mấy lên cân. Bước sang tháng thứ 3, chị Lê bắt đầu thay đổi “chiến thuật”. Chẳng hiểu nghe ai, chị ra chợ mua hải sản: Tôm hùm, cua biển, cá đồng về xay để nấu bột cho con trai. Theo chị thì, thằng bé đang thiếu chất, cần bổ sung canxi, bổ sung thức ăn hải sản để người... cứng cáp.
Khổ thân thằng bé, vì quá bé để ăn những thức ăn quá bã, quá nhiều chất bổ nên rất nhiều lần bé bị hóc và trớ rũ người. Thấy con trớ, không “khuất phục”, sau khi xoay vần dọn dẹp chỗ trớ và thay quần áo cho con, chị Lê lại tiếp tục nhồi. Thằng bé khóc ngằn ngặt chị cũng mặc. Mẹ “nhồi” - con khóc. Ngày 4-5 lần cho ăn như vậy, sau một thời gian cho ăn dặm, chị Lê mệt lử người nên đã tìm người giúp việc để hỗ trợ mình tiếp tục cuộc hành trình... “hành” con.
Tiệc “búp phê” mà con chẳng chọn
Không thuê người giúp việc như chị Lê, vợ chồng anh Linh - chị Mai (Gia Lâm, Hà Nội) lại tự tay chăm con. Bé Kiều Trang 4 tuổi, sau khi học trường mầm non về, vợ chồng anh chị Mai lại bắt đầu vào cuộc “đấu sức” nhằm tăng cân cho con. Để bé chơi đồ hàng, anh chị cùng lao vào bếp chế biến bữa cơm chiều. Sở dĩ, căn bếp có sự hiện diện cả 2 vợ chồng bởi lẽ, anh chị không chỉ nấu cơm mà còn nấu rất nhiều món như: cháo, súp, phở... Mỗi món một ít để cho “công chúa” 4 tuổi của mình... tự chọn.
Sau 2 giờ đồng hồ xoay vần với các món ăn, anh chị đã hoàn thành xong nhiệm vụ nấu bếp của mình bước sang giai đoạn căng thẳng hơn đó là... cho con ăn. Dọn mâm với các món ăn được bày xếp thành hàng trên bàn, anh chị gọi con gái xuống thưởng thức. Bữa nào anh chị cũng hí hửng đợi bé Trang chọn món nhưng rồi, đáp lại công sức ấy là sự lắc đầu quầy quậy và tu tu khóc.
Thấy con chẳng chọn gì, anh chị lại phải... chọn thay. Anh xúc cho con cứ một miếng cơm, một miếng súp, rồi đến miếng bún, lại thêm miếng phở. Cứ thế xoay tròn. Anh Linh nịnh con: “Bố mẹ cho con ăn thế để con đủ chất và không bị chán”. Con bé bị bố mẹ cho ăn “thập cẩm” sợ quá nôn lên rồi lại trớ xuống. Còn chị làm nhiệm vụ vừa dọn chỗ trớ của con vừa phải gõ đũa, gõ bát cho bữa ăn thêm phần... khí thế.
Tiếng bát đĩa loảng xoảng cộng tiếng khóc của bé Mai, chưa kể tiếng cãi vã của vợ chồng chị Mai khiến cho bữa cơm gia đình chả khác gì cuộc... “tập trận”. Và cuộc “tập trận” ấy chỉ kết thúc khi kim đồng hồ nhích đến con số 21h.
Nhiều bố mẹ phản khoa học khi cho con ăn uống
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu năm sinh ở Việt Nam mới chỉ đạt 18%. Những bằng chứng khoa học còn cho thấy nếu trẻ không được bú mẹ, đặc biệt trong 6 tháng đầu khi mới sinh sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, chậm phát triển. Vì ít trẻ được bú sữa mẹ 6 tháng đầu đời nên đã phần nào làm tỷ lệ trẻ Việt Nam dinh dưỡng thấp còi vẫn còn chiếm tỷ lệ là 29,3%, năm 2010.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, nếu có điều kiện, các bà mẹ hãy cho con bú sữa mẹ đủ 6 tháng còn thời điểm ăn dặm tốt nhất là khi trẻ được 6 tháng tuổi. Sai lầm của nhiều bà mẹ là cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn so với thời điểm có thể bắt đầu. Nếu cho bé ăn dặm quá sớm, trước 6 tháng tuổi: Do hệ men tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, trẻ sẽ khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn, trẻ sẽ bị khó tiêu, gây nên tình trạng ít bú mẹ, hay nôn trớ. Ngược lại, ăn dặm quá trễ sẽ làm bé bị suy dinh dưỡng, sẽ không chịu ăn gì khác ngoài sữa trong khi sữa vào giai đoạn này không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bé.
Trong mọi trường hợp không nên được bắt buộc trẻ em ăn vì điều này xem ra còn nguy hiểm hơn là sự suy dinh dưỡng nữa. Nhiều cuộc nghiên cứu và thấy rằng bắt buộc trẻ thường không có hiệu quả mà còn làm tổn thương tình cảm bố mẹ - con cái và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của các cháu. Vì vậy, các chuyên gia y tế không bao giờ đưa ra con số về thức ăn cần thiết cho con vì thường khiến các bà mẹ ngộ nhận là phải bắt con ăn đủ số lượng đó. Điều quan trọng là khuyến khích con thèm ăn chứ không phải bắt con ăn đủ số lượng. Nguyên tắc cơ bản của việc cho bé ăn là cha mẹ quyết định 3 vấn đề: khi nào ăn, ăn gì, ăn tại đâu? Còn con sẽ quyết định là ăn bao nhiêu.
TS.BS.Nguyễn Thị Kim Liên (Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương) Ép buộc trẻ ăn, dễ gây tâm lý trẻ coi ăn uống là cực hình Có mấy nguyên tắc khi cho trẻ ăn, đó là tập trung vào bữa ăn, không cho trẻ xem ti vi, đọc truyện tranh, chơi đùa trong khi ăn; bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, dù trẻ ăn chưa hết cũng nên ngưng, đừng sợ trẻ ăn thiếu vì trẻ sẽ ăn bù vào những bữa sau; tránh những thức ăn không thích hợp với lứa tuổi của trẻ như: Thức ăn quá cứng ở những trẻ chưa đủ răng hoặc quá loãng ở trẻ đã lớn; tránh ép buộc trẻ ăn, dễ gây tâm lý trẻ xem việc ăn uống là cực hình; cha mẹ không nên dùng thức ăn làm phần thưởng hay xử phạt trẻ để tránh tâm lý sợ thức ăn. |
Thùy Dương