Mẹ tố bị con trai và em gái bạo hành
Đầu tháng 7/2016, phóng viên Câu chuyện Pháp luật nhận được điện thoại cầu cứu nên tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Minh (66 tuổi, ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Gặp phóng viên, bà Minh khóc nức nở rồi chắp tay nói một hơi dài, đại ý cầu xin báo chí lên tiếng để bà thoát khỏi sự bạo hành của người em gái và cậu con trai ruột. Bà cho biết, mình đã nhiều lần trình báo sự việc lên chính quyền nhưng chẳng ai tin lời bà khiến mọi việc ngày càng trầm trọng.
“Con cái thì không màng tới mẹ, em gái thông đồng với cháu đánh đập chị gái, cứ thế này bà chết mất…”, bà Minh nói. Phải một lúc lâu sau, được sự chia sẻ, động viên của chúng tôi bà Minh mới bình tĩnh mang ra một xấp đơn nét chữ viết nghệch ngoạc với hai màu mực ra trình bày đầu đuôi sự việc.
Bà Minh kể mọi việc với PV |
Bà kể, năm 2009, hai vợ chồng bà cùng con cái từ Lâm Đồng về xã Hiệp Phước lập nghiệp. Vừa thích nghi với nơi ở mới thì người chồng không may bị tai nạn giao thông qua đời. Cũng kể từ đây, cuộc đời bà chìm sâu trong sự đau khổ, tuyệt vọng bởi chính những người con ruột của mình.
Vì người con trai Nguyễn Văn Nghiêm (40 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) tự ý làm thủ tục sang tên ngôi nhà của vợ chồng bà thành tên mình, bà ngăn cản không được nên từ đó hai mẹ con phát sinh mâu thuẫn. Chuyện nọ xọ chuyện kia khiến những chuyện dù chỉ đụng chạm rất nhỏ cũng bị cả hai mẹ con lôi thành chuyện lớn đổ lỗi, chửi bới nhau. Không ít lần, bà đã bị con trai dùng chân, tay để “nói chuyện”.
Bà kể: “Từ năm 2010 đến nay, thằng Nghiêm và con Ngọc (em gái bà Minh) đánh tôi như cơm bữa. Hễ tôi nói gì không ưng bụng là bị chúng đánh, chửi. Từ khi tôi phát hiện giữa hai dì cháu nó có quan hệ tình cảm, chúng còn đánh tôi nhiều hơn….
Mỗi lần bị đánh tôi đều mang đơn lên công an xã tố cáo nhưng bên công an chỉ giải hòa chứ không giải quyết. Cách đây 1 tháng tôi lại bị đánh nên tiếp tục mang đơn ra xã cầu cứu nhưng chú công an bảo tôi về đi, công an không giải quyết cho bà nữa đâu”.
Những lần bạo hành được bà Minh nêu rõ thời gian, địa điểm. “Sáng ngày 23/5, khi tôi ra chợ đi mua ít thịt về nấu ăn nhưng cô bán thịt thấy tôi tội quá nên cho không lấy tiền. Tôi chưa kịp cầm bịch thịt đi thì thằng Nghiêm cùng mấy người nữa chạy tới chửi sao tôi dám ra chợ ăn xin rồi lao vào đánh đập túi bụi.
Mấy người ở chợ chứng kiến đã lao vào can ngăn kéo tôi ra. Vợ chú bảo vệ chợ dúi vào tay tôi 20 ngàn nói bắt xe ôm về nhà. Thật tình tôi không đi ăn xin, là người ta thấy tôi nghèo khổ quá nên giúp đỡ”, bà Minh rưng rưng nước mắt nhớ lại.
Không những thế, bà còn kể ra một loạt địa chỉ từng bị con trai và em gái đánh như cây xăng T.N, quán ăn T. và nhà trọ T.H. (tất cả đều thuộc địa bàn xã Phước Hiệp). Để chứng tỏ nội dung tố cáo là thật, bà Minh dẫn chúng tôi tới những địa điểm trên tìm hiểu.
Tại khu chợ, rất nhiều người khẳng định có việc bà bị em gái đánh vào sáng ngày 23/5. Họ còn cho biết thêm, việc mâu thuẫn gia đình bà Minh xảy ra từ nhiều năm nay nhưng không hiểu sao còn tái diễn đến giờ. Tiếp tục đến quán ăn T., vừa nhìn thấy bà Minh, chủ quán đã xua tay khuyên bà về vì không không thể giúp đỡ, cũng không dám can thiệp vào chuyện gia đình của người khác quá nhiều.
Khi biết có phóng viên, người này thở dài cho biết, chuyện em gái cùng con ruột đánh mà Minh là thật. Ông rất mong báo chí giúp đỡ để bà cụ vào chùa hoặc trại dưỡng lão nào đó để có cuộc sống yên ổn. Tiếp tục đi đến những địa điểm cụ Minh tố cáo bị đánh, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự.
“Hai họ nội, ngoại đều sợ mẹ tôi”
Tuy nhiên, trái với tố cáo của bà Minh và ý kiến của những người chứng kiến vụ việc, anh Nghiêm mệt mỏi cho hay: “Giá mẹ tôi thay đổi tính tình và tư tưởng một chút thì con cái chúng tôi không khổ như thế này đâu. Bà thường xuyên quấy rối con cái làm ăn khiến mọi người vô cùng mệt mỏi”.
Anh kể, gia đình gốc Bắc, di cư vào Lâm Đồng từ năm 1995. 14 năm sau, cả nhà tiếp tục di cư xuống Đồng Nai làm kinh tế mới. Tính bà Minh xưa nay nổi tiếng khó và độc đoán, việc gì cũng muốn phải làm theo ý mình.
“Hồi còn ở ngoài Bắc, vì mẹ tôi hay chửi bới người này người kia nên anh em họ nội – ngoại đều sợ. Cha tôi nhắc nhở hoài không được, ông giận quá đánh bà thì bà đập phá đồ đạc trong nhà. Vì thương vợ con, muốn gia đình êm ấm nên ông đành phải cam chịu. Từ đó, mẹ tôi càng trở nên hung dữ. Sau ngày cha tôi mất, mẹ càng khó tính và đổ hết sự khó chịu lên đầu tôi”, anh Nghiêm giải bày.
Cũng theo anh Nghiêm, do mẹ đã già, các anh em đều có kinh tế ổn định, dư sức phụng dưỡng mẹ già nên đều muốn đón mẹ về sống chung. Song bà không chịu, cứ nhất quyết đòi sống một mình vì sợ con cái lấy mất tài sản. Khi anh sang tên một căn nhà anh ở vốn của cha mẹ thành tên mình để tiện làm ăn thì bà Minh tức giận ra mặt, liên tục chửi bới, đòi lại căn nhà.
Ngôi nhà bà Minh đang ở không còn đồ đạc |
Tiếp đến, một miếng đất khác ở thành phố Biên Hòa được người em út (con trai bà Minh đã chết 2010) đem đi cầm ngân hàng để xây nhà chưa lấy về nhưng bà Minh không hiểu, nghi ngờ anh có ý chiếm đoạt ngôi nhà ấy nên liên tục gây khó dễ. Vì quá giận mẹ không thông cảm cho con cái, đôi lần anh đã lớn tiếng cãi lại.
Theo anh Nghiêm trình bày, nửa đêm ngày 10/6/2016, vì bị mẹ vô cớ chửi mắng, trong lúc tức giận anh đã đập phá hết đồ đạc trong nhà riêng của mẹ (căn nhà mới mua cách nay hơn 1 năm, ở ngay bên nhà anh Nghiêm - PV) với mục đích để bà không có đồ đạc sinh sống buộc phải về ngôi nhà ở Biên Hòa (nhà con trai út mua trước khi chết) sống, hoặc phải về sống cùng vợ chồng anh.
Tuy nhiên, bà Minh vẫn cố chấp, dù chẳng còn vật dụng gì trong nhà nhưng vẫn chẳng chịu đi đâu với mục đích đòi sổ và căn nhà anh đã sang tên.
Về mối quan hệ giữa anh và người dì ruột, theo anh Nghiêm chỉ là những lời bịa đặt lung tung. “Tôi đau lòng với những gì mẹ tôi đã làm, đã nói. Năm nay tôi 40 tuổi, có vợ con đàng hoàng, lẽ nào lại làm những việc không ra gì ấy?.
Có thể vì thấy tôi và dì ruột cùng buôn bán ngoài chợ, thường đi làm chung, khi về nhà hay ngồi cùng nhau bàn tính chuyện làm ăn, với lối suy nghĩ cổ hủ ngày xưa nên mẹ tôi đã nghĩ này nghĩ nọ”.
Khi được hỏi, vợ anh Nghiêm cũng cho rằng, chồng mình là người đàng hoàng, biết lo cho gia đình, vợ con, không có chuyện tình cảm ngoài luồng. Tất cả những mâu thuẫn giữa anh Nghiêm và mẹ chồng chị đều biết nhưng dù biết, cũng biết rõ ai đúng ai sai phần nào nhưng vì phận làm dâu chị không dám can thiệp vì sợ tiếng bênh chồng.
Những hàng xóm ở cạnh nhà cũng khẳng định việc mâu thuẫn giữa mẹ con bà Minh là có thật song họ cũng cho rằng, do bà Minh cả nghĩ và quá khó tính.
Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tân - ấp trưởng ấp 2 cho biết: “Năm ngoái, tôi có xuống làm việc lập biên bản một lần về việc nửa đêm bà Minh cãi nhau với con trai ầm ĩ xong ra rẫy nằm. Cán bộ ấp, xã xuống làm việc, ai cũng cho rằng mình đúng, chúng tôi khuyên bảo mãi mọi chuyện mới êm xuôi. Tưởng rằng như vậy đã xong, nào ngờ sau đó mâu thuẫn mẹ con vẫn tiếp diễn, thật đáng ngại”,
Về những tố cáo bị bạo hành của bà Minh, Trung tá Phạm Văn Rồng – Trưởng công an xã Hiệp Phước cho hay: “Công an xã đã nhận được quá nhiều tờ đơn thư của bà Minh tố cáo em ruột và con trai hành hung. Khi xã cử người xuống xác minh thì không phải như vậy. Thế nhưng bà ấy vẫn cứ gửi đơn tố cáo, còn lên tận xã ăn vạ nữa. Ở đây, ai cũng biết bà Minh thần kinh không ổn định”.
Hai luồng ý kiến trái ngược nhau khiến cho những người xác minh, tìm hiểu vụ việc cũng bối rối. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải viết lên câu chuyện với hi vọng có thêm tiếng nói với hi vọng những người trong cuộc đọc được bài viết này, hãy dừng một phút suy ngẫm để có cách giải quyết êm thấm, hợp đạo lý nhất.
Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.