Mười mấy năm qua, người dân ở khu Thanh Đa (phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã quá quen thuộc với hình dáng nhỏ bé của bà Lê Thị Ngọc Hà (52 tuổi). Bà Hà ngày ngày cặm cụi ở các thùng rác lượm ve chai bán lấy tiền chạy gạo mưu sinh và nuôi đứa con trai ăn học. Dù chịu nhiều sương gió nhọc nhằn, bữa đói bữa no, nhưng với người mẹ, niềm vui lớn nhất chính là từng bước thấy người con của mình trưởng thành, đạt thành tích cao trong học tập.
Lượm ve chai nuôi con
Bà Hà và cậu con trai 17 tuổi ở một phòng trọ nhỏ nằm phía sau khu chung cư Thanh Đa (đường Thanh Đa, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Bà vừa kết thúc buổi sáng lượm ve chai. Căn phòng chỉ chừng 10m2, không có vật gì đáng giá ngoài chiếc vô tuyến và chiếc nệm cũ. Căn phòng vốn chật hẹp nay dường như không còn kẽ hở vì chất đầy các bao ve chai, rác đã được phân loại.
Tay thoăn thoắt mang những bọc ni lông vào phòng, lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, bà Hà cho biết, vì mỗi tuần mới đưa ve chai đi bán một lần, nên căn gác phía trên và phần diện tích nhà ở dưới chủ yếu là “kho” để ve chai.
Tâm sự về cuộc đời mình, bà Hà cho biết, từ nhỏ bà đã là trẻ mồ côi, được một người đàn ông ở phường Thảo Điền (quận 2) nhận về chăm sóc nuôi nấng. Vợ mất sớm, người đàn ông này một mình phải rất khó khăn mới nuôi được bốn người con ruột và thêm bà Hà là con nuôi. Cuộc sống gia đình chật vật, cô bé Hà ngày ấy chỉ được học đến lớp hai, vừa đủ để nhận diện được mặt chữ là phải nghỉ học lao vào con đường mưu sinh.
Duyên phận đến khi năm 19 tuổi, bà Hà về tận Rạch Giá (Kiên Giang) để chữa bệnh. Bà thầy thuốc thấy cô gái dáng vẻ hiền lành, chịu thương chịu khó, lại khéo ăn nói, ứng xử nên lân la hỏi chuyện rồi hỏi cưới cho con trai của bà.
Ban đầu, được mẹ chồng thương yêu, dạy bảo, cô gái chưa một lần cảm nhận hơi ấm của mẹ đã tự nhủ sẽ yêu thương, tận hiếu mẹ chồng như mẹ ruột của mình. Nhưng theo lời bà, sau nhiều năm sống chung, người mẹ chồng dần dần đổi tính, càng ngày càng khó tính với con dâu. Bà Hà cho rằng mình “biết chiều” mẹ chồng, chăm chỉ làm việc quần quật sớm tối nhưng vẫn không làm bà lão hài lòng.
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ngày càng trở nên gay gắt, trong khi chồng bà Hà lại quá hiền lành, không có chính kiến để hòa giải mâu thuẫn giữa vợ và mẹ, không hàn gắn được gia đình. Không chịu được cuộc sống áp lực ở nhà chồng, bà Hà quyết định đâm đơn ly hôn sau nhiều năm chung sống.
Sau khi ly hôn, người phụ nữ mới biết mình đã mang thai được hai tháng. Không chốn dung thân, bà lại trở về nhà bố nuôi tá túc chờ sinh con, đồng thời tìm kế sinh nhai. Khi con vừa tròn bốn tháng, bà quyết định mang con đi gửi để đi bán vé số. Số tiền kiếm được ban đầu tuy ít, nhưng cũng đủ để người phụ nữ mua sữa cho con và tự lo được cuộc sống của mình.
Được bốn năm, việc bán vé số ngày càng khó khăn. Sau khi hết vốn, bà đưa con đến khu Thanh Đa thuê trọ và đi lượm ve chai chạy gạo mưu sinh đến tận bây giờ.
Sự trưởng thành của con trai giúp bà Hà xua tan nhọc nhằn |
Cứ mỗi sáng sớm, bà Hà lại đi quanh các thùng rác tại các ngõ hẻm, công viên của quận Bình Thạnh để nhặt nhạnh những chai nhựa, lon bia, giấy vụn... Những bữa trưa, chiều, bà tất bật trở về lo cơm nước cho con trai đang tuổi ăn tuổi học, rồi lại tất tả đi lượm ve chai ở những nơi khác.
Nhiều đêm khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ, người phụ nữ mới liêu xiêu trở về, vừa kịp chợp mắt một chút lại phải trở dậy bắt đầu ngày mưu sinh mới. Vất vả là thế nhưng số tiền kiếm được chẳng nhiều nhặn gì.
Bà chia sẻ: “Tui đi nhặt ve chai về, phân loại rồi để trong nhà như vậy. Mỗi cuối tuần mới mang đi bán một lần. Số tiền mỗi tuần kiếm được chỉ từ 300 – 500 ngàn đồng. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ để hai mẹ con trang trải cuộc sống”.
Niềm vui nào sánh bằng thấy con trưởng thành
Không chỉ nhặt ve chai, để kiếm thêm thu nhập, bà Hà còn nhận làm thêm việc gánh gạo thuê vác lên các chung cư cao tầng. Những người dân ở khu Thanh Đa thấy hoàn cảnh đáng thương của hai mẹ con cũng thường xuyên cho thức ăn, nước uống. Nhờ đó bà Hà có thể tiết kiệm được một khoản chi tiêu để mua đồ dùng học tập cho con.
Biết mẹ vất vả tần tảo sớm khuya, cậu con trai là Nguyễn Hùng Duy (học sinh Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã nỗ lực hết mình để đạt được kết quả cao trong học tập, không phụ lòng mong mỏi của mẹ. Ngồi bên góc học tập nhỏ, Duy cho biết, em vừa kết thúc năm học lớp 11 với danh hiệu học sinh giỏi.
Ngoài ra, Duy còn đạt giải Credit kỳ thi Hóa học Hoàng Gia Úc, học sinh giỏi Anh văn toàn trường. Năm 2015, khi mới học lớp 10, Duy được các thầy cô tin tưởng chọn lựa để đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi Toán toàn thành phố và xuất sắc đạt Huy chương đồng.
Sau mỗi giờ học, cứ có thời gian rảnh, Duy đều nhặt ve chai giúp mẹ. Em chia sẻ đã bắt đầu làm công việc này từ khi còn học cấp một. Mỗi ngày đi học, Duy thường đến trường sớm hơn và ra về muộn hơn các bạn, để ý các thùng rác trên đường để lượm ve chai mang về.
Hỏi có ngại, có sợ bạn bè chê cười không, Duy không ngần ngại đáp: “Em không sợ bạn bè trêu chọc. Những người bạn của em rất tốt, còn gom góp ve chai lại để mang đến cho em. Em thấy mình rất may mắn khi có được những người bạn như thế”.
Biết được hoàn cảnh của cậu học sinh nghèo học giỏi, các thầy cô và bạn bè trong trường đều cảm phục nghị lực của Duy. Người mẹ xúc động cho biết: “Từ khi vào cấp 3, Duy được nhà trường miễn hoàn toàn học phí, cũng không cần phải đóng góp bất kì khoản tiền nào trong quá trình học tập. Nhờ đó mà đôi vai tui cũng giảm được một khoản áp lực”.
Nhìn quanh phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, bà Hà cho biết mười mấy năm trôi qua, bà không biết đã chuyển trọ biết bao nhiêu lần. Nén tiếng thở dài, bà phân trần: “Vì cứ cách vài năm là chủ trọ lại tăng tiền nhà, trong khi đó mức thu nhập của tui thấp, lại không ổn định, cho nên tui không thể cáng đáng nổi, đành phải kiếm phòng trọ khác. Mỗi lần chuyển như thế, diện tích phòng trọ càng nhỏ hơn, chật hẹp hơn”.
Góc học tập nhỏ tận dụng một góc nệm ngủ của Duy |
Vì căn phòng chật hẹp, hầu hết diện tích lại dùng để chứa ve chai, nên chỉ còn một phần nhỏ vừa đủ để đặt một chiếc nệm cũ. Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, học tập của hai mẹ con đều diễn ra trên chiếc nệm này. Trong đó, một phần diện tích chiếc nệm đã được sử dụng để đặt sách vở, đồ dùng học tập của Duy.
Xung quanh tường là rất nhiều bằng khen của Duy qua các kỳ thi lớn nhỏ và cuối các năm học. Đưa ánh mắt lấp lánh tự hào nhìn bằng khen của con, bà Hà trải lòng: “Cuộc sống tuy vất vả, nhưng hễ nhìn thấy những thành quả con đạt được, tui lại cảm thấy không có niềm vui nào sánh bằng. Tui biết tui đã thành công vì những hi sinh của tui đã được đền đáp xứng đáng. Giờ đây tui chỉ biết cố gắng nhiều hơn, hi vọng có thể nuôi con trưởng thành”.
Sau mỗi giờ học, cứ có thời gian rảnh, Duy đều nhặt ve chai giúp mẹ. Cậu chia sẻ đã bắt đầu làm công việc này từ khi còn học cấp một. Mỗi ngày đi học, Duy thường đến trường sớm hơn và ra về muộn hơn các bạn, để ý các thùng rác trên đường để lượm ve chai mang về.
Hỏi có ngại, có sợ bạn bè chê cười không, Duy đáp: “Em không sợ bạn bè trêu chọc. Những người bạn của em còn gom góp ve chai lại để mang đến cho em”.