Tôi thương cảm: “Sao anh không để bà đi bước nữa?”. Chồng tôi gạt phăng: “Không, sao thế được. Làng xóm người ta cười cho”.
Đó chính là cách suy nghĩ của một bộ phận người Việt, ngăn cản phụ nữ đi tìm hạnh phúc chính đáng của mình. Bà mất ông đã lâu, khi chồng tôi vừa vào trung học, thế là dành cả cuộc đời cho các con, nhất là chồng tôi, con trai thứ, theo bà là giỏi nhất nhà. Bà tự hào là tuy không chồng nhưng bà vẫn nuôi dạy con nên người, nhưng nào đâu biết vợ chồng tôi sứt mẻ cũng vì lý do ấy.
Chồng tôi là người gia trưởng nhưng chỉ gia trưởng với vợ còn lại vẫn răm rắp nghe theo mẹ. Tôi là người có học, sinh ra tại thành phố lớn, nhưng mọi việc lớn nhỏ đều phụ thuộc vào quyết định của một người phụ nữ ít học, lớn lên ở thôn quê.
Mẹ hạnh phúc khi sống cùng con trai nên nhất cử nhất động trong nhà tôi đều do bà quyết định. Ngày cưới, tôi đã bao lần sốc khi bà dặn phải bước chân ra cửa bằng chân trái hay phải, đi qua cầu phải rải bao nhiêu tiền, hết ngày rước dâu phải làm những mẹo gì để vợ chồng khăng khít...
Chuyện càng trầm trọng hơn khi chúng tôi về chung sống. Tôi đang sống sờ sờ ra thế mà bà bảo: “Mẹ đã tôn bát nhang cho con, chồng và con trai con, mỗi tháng con phải gửi tiền về quê để mẹ nhờ người ta săn sóc”. Rồi có năm mẹ bảo, năm nay hạn nặng, hai đứa chúng mày phải theo tao, cúng tiền nhiều vào để giải hạn, nếu không thì chồng mày sẽ chết...
Trời ơi, lúc đó tôi chỉ thấy thương mà không hề giận. Phải chi bà có một người bạn đời thì chắc hẳn sẽ không lệ thuộc tất cả buồn vui vào con trai như vậy. Tôi đi làm, có con nhỏ, cần người giúp việc nhưng mẹ tôi không chịu, phải là chị chồng hoặc mẹ chồng đích thân lo việc đó. Hẳn nhiên là tôi không đồng ý, làm sao tôi có thể sống thoải mái khi có mẹ chồng và bà cô trong nhà đóng vai người giúp việc. Thế là, hôn nhân tôi đỗ vỡ, tôi ly hôn và sợ hãi việc kết hôn.
Con tôi là con trai, tôi cứ làm việc mà quên mất một điều, tôi sẽ lặp lại lịch sử, của mẹ chồng, con trai tôi sẽ là người đàn ông chỉ biết nghe mẹ mà quên vợ. Tôi sẽ lệ thuộc tất cả tình yêu, niềm vui là hạnh phúc vào con trai. Liệu con dâu tôi có chấp nhận? Liệu con trai tôi có thể toàn tâm toàn ý với gia đình khi sau lưng còn một người mẹ đơn độc?
Tôi nhìn thấy bạn tôi, lấy vợ nhưng mọi sự quyết định đều do mẹ vợ. Người mẹ này giàu và đơn thân nên cô ấy hầu như không lắng nghe ai. Cô luôn tự hào rằng không có đàn ông cô vẫn nuôi con nên người, vẫn kiếm được nhiều tiền. Điều này khiến cô vô cùng độc đoán. Cô mua nhà cho con gái và buộc bạn tôi ở rể. Ngày cưới của con, cô chia tiệc cưới thành hai khu, nhà trai và nhà gái riêng biệt, thậm chí không được chụp ảnh chung. Con gái sinh cháu ngoại cũng do cô đặt tên. Quá sức chịu đựng, bạn tôi đã dọn ra ở riêng và vợ chồng nộp đơn ly dị. Tôi chứng kiến cô vợ nước mắt như mưa trong tình cảm “bên mẹ, bên chồng biết chọn ai”, sau cô đành phải chọn chồng vì thương các con.
Lúc gặp nhau, bạn khuyên tôi: “Lấy chồng đi để có người phản biện”.
Tôi giật mình, mẫu số chung của những single mom là tự quyết và vô tình áp đặt tư duy đó lên con mình, khiến tương lai của con gần như mờ mịt bởi lệ thuộc mẹ, hầu hết hạnh phúc của con bị đổ vỡ vì sự thỏa mãn cái tôi của người mẹ.
Cách đây vài năm, Việt Nam có cô bé sinh viên tự giành học bổng vào ĐH Harvard Mỹ, và người mẹ đơn thân tự hào vỗ ngực bảo không có chồng vẫn làm nên việc lớn. Tôi cũng cảm thấy "có động lực ghê gớm" nhưng chị bạn phản đối kịch liệt: “Em ơi, khi em đồng tình là em đã cổ vũ cho sự... ngạo mạn của người mẹ. Lấy chồng để giảm cái tôi đi, chỉ khi biết cho, em mới tìm được hạnh phúc và sự cân bằng”.
Đứa trẻ trưởng thành như con chim khát khao bay lên bầu trời, người mẹ đơn thân phía sau như chiếc tạ cột lấy chân con chim. Tôi quyết không làm quả tạ. Tôi sẽ làm ngọn lửa của khinh khí cầu như chiếc vô lăng điều khiển cho quả bóng bay cao bay xa.
Con người sống một mình là không tốt, tôi đồng tình, đã tái hôn và hạnh phúc.