Trùm tình báo dưới quyền nhà lãnh đạo chính quyền cũ Lybia Muammar Gaddafi, đại tá Abdullah al-Senussi, đã bị bắt giữ khi vừa tới sân bay quốc tế Nouakchott của Mauritania trên một chuyến bay giữa đêm 16 rạng sáng 17/3, các quan chức Mauritania cho biết.
Abdallah al-Senussi hôm 22/6/2011 tại Tripoli. |
Senussi đi theo đường du lịch bằng “hộ chiếu Mali giả”, sau đó được dẫn tới trụ sở cảnh sát ở Nouakchott nhưng hiện chưa rõ cách giải quyết tiếp theo của Chính phủ Mauritania, đặc biệt là không biết liệu Senussi sẽ được giao nộp cho ICC tại La Haye (Hà Lan), bị dẫn tội về Libya hay sang Pháp.
Một phát ngôn viên của ICC cho biết, lệnh truy nã của ICC đối với Senussi vẫn còn có hiệu lực và yêu cầu lệnh này phải được thực thi, song chính quyền mới ở Libya lại nói rằng Libya sẽ đảm bảo Senussi ra trước tòa án nước này.
Người phát ngôn của NTC Mohammed al-Harizy tuyên bố: “Có các yêu cầu dẫn độ Senussi từ ICC và Pháp, nhưng ưu tiên vẫn là đưa Senussi về Libya”.
Tại Tripoli, Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC, hiện đang nắm quyền lực) đã xác nhận vụ bắt giữ Senussi và cho biết đã đưa ra yêu cầu dẫn độ tới chính quyền Mauritania, đồng thời nói rằng sẵn sàng “xét xử ông ta trong một phiên tòa công bằng”.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp cũng tuyên bố sẽ đưa ra yêu cầu giao nộp cựu quan chức Libya cho Pháp “trong vài giờ tới”. Điện Élysée giải thích: “Abdallah Senussi thực tế là đối tượng truy nã quốc tế sau khi ông ta bị kết án vắng mặt với mức án tù chung thân trong vụ tấn công khủng bố ngày 19/9/1989 nhằm vào chuyến bay UTA 772, cướp đi mạng sống của 170 người, trong đó có 54 người Pháp”. Hội gia đình các nạn nhân của vụ tấn công vào chiếc máy bay DC10 của hãng hàng không UTA cho rằng, Pháp có lợi thế hơn so với ICC và Libya trong việc yêu cầu dẫn độ.
Là anh rể của cố lãnh đạo Libya Gaddafi, đại tá 62 tuổi Senussi là một trong những phụ tá trung thành nhất với người đứng đầu chính quyền Lybia cũ. Từ lâu ông ta đã được nắm chức vụ lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Libya, “một trong những cơ quan trấn áp mạnh nhất và hiệu quả nhất của chính quyền cũ”, theo ICC.
Luis Moreno-Ocampo, công tố viên ICC tại La Haye. |
Các nguồn tin an ninh Nigeria và Mali hồi tháng 10 năm ngoái đã khẳng định rằng, Abdallah al-Senussi, người biến mất kể từ khi Tripoli sụp đổ tháng 8/2011, đã vượt Niger sang Mali với một số người khác. Tháng 11/2011, chính quyền mới ở Libya thông báo bắt giữ được nhân vật này tại khu vực Sabha, miền Nam Libya. Tuy nhiên, kể từ đó không một hình ảnh nào về ông ta được phát đi.
Về phần mình, ICC đã phát lệnh truy nã đối với Senussi từ ngày 27/6/2011, cáo buộc ông này đã “thông qua trung gian là bộ máy Nhà nước Libya và lực lượng an ninh Libya” phạm tội giết người và lạm dụng dân thường gộp thành các tội chống nhân loại, ngay sau khi cuộc nổi dậy chống Gaddafi bắt đầu vào giữa tháng 2, đặc biệt tại Tripoli, Benghazi và Misrata.
Cựu quan chức dưới chính quyền Libya cũ cũng bị cáo buộc là người có trách nhiệm về vụ thảm sát trong nhà tù Abu Salim, nơi nhiều tù nhân chính trị bị giam cầm và cũng là nơi mà hơn 1.000 tù nhân thiệt mạng trong một vụ ẩu đả hồi năm 1996, tại Tripoli.
Mauritania không phải là nước ký Quy chế Rome thành lập ICC và như vậy theo lý thuyết thì nước này không có nghĩa vụ phải giao nộp Senussi cho ICC. Tuy nhiên, một số tổ chức nhân quyền kêu gọi Mauritania hợp tác đầy đủ với ICC. Phó Giám đốc tổ chức Ân xá Quốc tế Hassiba Hadj Sahraoui cho rằng, hệ thống tư pháp Libya còn yếu kém và không đủ khả năng để tiến hành hiệu quả các cuộc điều tra chống tội phạm.
Quang Minh (Theo AFP, Reuters)