“Cảm ơn cuộc đời đã cho con những ngày tháng vui vẻ”
Thầy giáo Đặng Văn Cường, người cha nuôi, người thầy đã có những chia sẻ đầy xúc động về người trò nhỏ của mình: “Trước khi con về với ông bà tổ tiên, con cảm ơn cuộc đời này đã cho con những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc và không quên cảm ơn cha mẹ, người đã sinh thành ra con; cảm ơn các ông bà, các bác, các cô dù ở rất xa hay gần nhưng vẫn quan tâm đến con; cảm ơn các thầy, cô giáo, là cha mẹ thứ hai của con đã dạy con các kĩ năng và cách sống làm người; cảm ơn các bạn, các em đã chia sẻ tình cảm với K’ Rể và cảm ơn tất cả những tấm lòng nhân ái, cảm ơn tất cả mọi sự yêu thương và cảm ơn các bác sỹ đã tận tình khám, chữa bệnh cho con.
Con sinh ra không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, nhưng con lại nhận được bao nhiêu những tình cảm đặc biệt của tất cả mọi người. Con xin kính chào tất cả. Ở nơi ấy con sẽ luôn phù hộ cho tất cả mọi người”…
Nhà cậu bé Đinh Văn K’Rể ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba, H.Sơn Hà (Quảng Ngãi). Anh Đinh Văn An, cha cậu bé tí hon, cho biết vợ chồng sinh hai đứa con, đứa lớn sinh ra lớn lên bình thường, còn Đinh Văn K’Rể khi lọt lòng chỉ dài hai gang tay.
Từ nhỏ lớn lên hay đau yếu, được cha mang trên cái địu đưa đi lên rẫy. Khi 5 tuổi, cậu bé tí hon này chỉ nặng 3kg, cao 50 cm, nhưng gương mặt em sáng và ánh mắt có hồn. Ánh mắt ấy đã đeo đuổi trong tâm trí thầy Đặng Văn Cương, khi anh làm thầy giáo ở xã vùng cao này.
Cuộc gặp gỡ giữa em và thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba cách đây 7 năm chính là khởi đầu cho câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò nơi khó khăn nhất của huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2016 khi tuyển sinh lớp 1, thầy giáo Cương, khi đó Hiệu trưởng Trường tiểu học dân tộc bán trú xã Sơn Ba thấy danh sách có tên em Đinh Văn K’Rể.
Rồi ngày ấy cũng đến, lần đầu tiếp xúc với một môi trường đông người, K’rể khá nhút nhát, nhưng lại ngoan ngoãn nhận sự chăm sóc từ thầy Cương. Thầy bảo: “Con người chúng ta ai cũng vậy, nếu ai thương mình thật tâm thì ít nhiều mình sẽ cảm nhận được điều đó”.
Còn nhớ lúc mới về ở cùng với thầy, K’rể chỉ mặc 1 chiếc áo thun che từ vai đến gót, chân thì để trần bởi không có quần áo giày dép nào vừa với thân hình nhỏ bé của em. Thế là thầy Cương phải đi đặt may quần áo cho K’rể, nhưng ngặt nỗi lại không tìm mua được đôi dép nào cho em.
Suy nghĩ một lúc thầy bèn nghĩ ra cách làm 1 đôi dép lào bằng miếng xốp dán quai bằng keo dán sắt. Được vài hôm thì không thấy K’rể đi dép nữa, mà chỉ cầm trên tay. Thầy nghĩ K’rể không nghe lời nên thầy đã mắng cu cậu. Và rồi mấy hôm sau thầy mới hiểu lý do, là vì đôi dép quá cứng làm chân em chảy máu. Dù vậy K’rể vẫn không vứt đôi dép của thầy mà vẫn ôm bên mình.
Thương K’rể thầy quyết định chở cậu bé lên một cửa tiệm đóng giày ở thành phố Quảng Ngãi để đóng 2 đôi giày. Lâu lâu thầy Cương lại chở K’rể về nhà để chơi cùng các con của mình. Chẳng biết từ lúc vợ chồng thầy Cương đã xem tí hon như một đứa con, một thành viên không thể thiếu trong gia đình.
Chăm sóc tí hon một thời gian, thầy Cương cũng rất muốn biết nguyên nhân bệnh tình của em để chữa trị. Thế là cuối năm 2016, trong một lần đi công tác ở Hà Nội, thầy Cương cùng các thầy cô trong trường mỗi người góp một ít tiền để mua vé máy bay và lo chi phí đưa K’rể vào bệnh viện khám bệnh.
Cậu bé K’rể. |
Các bác sĩ bảo phải lấy đủ 5 ống máu thì mới có thể xét nghiệm được tình trạng của tí hon. Nhìn thân hình bé tí teo của K’rể phải oằn mình với những lần lấy máu, nước mắt thầy Cương cũng không thể kìm được. Đó là lần đầu tiên thầy rơi nước mắt vì K’rể, đứa con trai bé nhỏ của thầy.
Ba năm liền K’rể chỉ học lớp 1, và chữ cái duy nhất mà cậu viết được đó là chữ O. Với những đứa trẻ khác thì đó là thành tích khá tệ, nhưng với K’rể hay với tập thể thầy cô giáo ở trường tiểu học bán trú Sơn Ba thì đó là thành quả của một hành trình đầy cố gắng.
Và không chỉ chuyến đi cuối cùng của chú bé tí hon
Từ một đứa trẻ lạc lõng giữa núi rừng, đến cả bản thân mình cũng không nhận thức được, giờ đây K’rể đã lớn khôn, tuy không nói được nhưng cậu hiểu hết những gì thầy cô nói, cậu lém lỉnh, mạnh dạn hơn với thế giới xung quanh, và cũng rất tinh nghịch.
Thầy Cương hay các thầy cô ở trường Sơn Ba chưa bao giờ mong K’rể có thể viết được chữ thành thạo hay tính được bài toán, tất cả chỉ mong tí hon có thể sống những ngày tháng thật hồn nhiên bên bạn bè, biết tự lo cho bản thân. Chỉ cần K’rể biết tự đi vệ sinh đúng nơi, biết mặc chiếc áo, hay nói được 1 từ “ạ” thì đã là niềm vui khôn xiết của những người luôn yêu thương em.
Trong một chương trình trên truyền hình, thầy Cương từng chia sẻ vợ anh và 2 con mình đều yêu mến K’Rể, xem em như người anh trong nhà. Đến đầu năm học 2020 - 2021, thầy Cương chuyển về Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh, K’Rể cũng đi với người thầy - người cha ấy về TP.Quảng Ngãi để sống.
Tuần rồi, K’Rể về thăm nhà rồi trở lại trường hôm thứ năm thì bị đau đột ngột và nằm ngất trên tay các cô trong trường. Đưa em vào Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh điều trị.
Sau những ngày túc trực tại bệnh viện chăm sóc cho K’rể, ngày 8/11, vợ chồng thầy giáo Đinh Văn Cương cùng người thân đã vượt 70km để đưa cậu bé về với gia đình ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà.
Tiễn em đoạn đường cuối về với núi rừng, trời mưa tầm tã đường đất khó đi nhưng vẫn có rất đông người thân, dân làng ra đầu đường để đón K’rể. Do ảnh hưởng của mưa bão khiến đường đất sạt lở, mọi người phải đi bộ qua đoạn đường rừng dài 10km để đưa K’rể về nhà.
Suốt cả đoạn đường dài, K’rể nằm gọn trong lòng người thân, còn thầy Cương luôn đi bên cạnh, bóp bình ô xy để cậu bé có thể về được ngôi nhà nhỏ của mình, được gặp gia đình, gặp anh em và nhìn núi rừng quê hương lần cuối trước khi rời cõi tạm…
Và như thế, chú bé tí hon đã sống một cuộc sống đầy ấm áp và hạnh phúc khi gặp thầy Cương, tựa như chú bé tí hon ấy bước ra từ chuyện cổ Grim vậy. Ở đâu đó, trong cuộc đời này, luôn có những người thầy tận tụy, giàu lòng trắc ẩn đã đưa cậu bé ấy từ heo hút bên cánh rừng bị người làng xa lánh, đi những bước dài vạn dặm tới Quốc Tử Giám, tới lăng Bác Hồ…
Người thầy ấy, giản dị, hồn hậu và hết lòng với trẻ vùng cao Quảng Ngãi, như người thầy đầu tiên đưa những đứa trẻ bước ra thế giới rộng lớn, và trưởng thành. Không chỉ là chuyện cổ Grim, thầy còn là hình ảnh của “Cây phong nom trùm khăn đỏ”; của “Người thầy đầu tiên” về những rung rưng, trân quý, món quà vô giá của tình thầy trò…
Trong khi đó, nền giáo dục của chúng ta bao năm loay hoay với những đổi mới, những triết lý xa vời mà bỏ qua những rung động, những điều bình thường nhỏ bé. Tuần qua, Nhà giáo Nhân dân, PGS - Tiến sĩ Y khoa, ông ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cũng chia sẻ ý kiến được dư luận đồng tình.
Về giáo dục, ông cho rằng: Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng… Những hiện tượng kỳ lạ của xã hội như Khá Bảnh sẽ ngày càng phổ biến vì giá trị cốt lõi không được nhà trường vun đắp từ những năm chập chững bước vào đời.
Mượn câu nói của vị giáo sư nổi tiếng Richard Feynman: “Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp, và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung, và rộng lượng”.
Làm sao chúng ta dạy được con cháu mình những điều tưởng rất đơn giản nhưng sẽ là nền móng của sự phát triển đất nước vững chắc trong tương lai.
Và tôi tin Việt Nam sẽ có thật nhiều những người trẻ tuổi thông minh tài giỏi đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên. Đấy cũng là hình ảnh mà tôi gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn gian khổ trên khắp đất nước.
Tinh thần tương thân, bác ái là bản chất, là truyền thống của dân tộc ta, nếu có trách chỉ nên suy nghĩ đến việc tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ chí công và lòng yêu thương con người sẽ ngày càng nhân rộng.
Và nữa: “Chúng ta giáo dục học trò cao siêu quá, hướng đến những thứ to tát quá mà quên mất điều làm thế nào để trẻ sống như một người bình thường”, là nhận xét của nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, tác giả cuốn “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” vừa đạt giải Sách hay 2020…
Bởi lẽ, có những điều vĩ đại, phi thường nằm trong những điều nhỏ bé. Ấy là lòng trắc ẩn, là tấm lòng của người thầy luôn biết nhìn vào mắt trò, để giúp mỗi đứa trẻ tìm ra giá trị của mình, để thấy hết những vẻ đẹp của cuộc đời cho những ai xứng đáng…