Công việc xây dựng và sửa sang nhà cửa ở địa bàn dân cư thường kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan tới vệ sinh môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. Và không ít trường hợp còn ảnh hưởng đến tình cảm láng giềng trong khu phố, xóm ngõ.
Chủ nhà khổ
Ở khu vực ven đô, việc xây dựng nhà gặp nhiều vướng mắc và khó khăn. Nếu không khéo léo xử lý dễ vướng vào những mâu thuẫn không giải quyết nổi, như khi xây nhà phải để ý không xây công trình phụ quay lưng lại hướng chính của nhà hàng xóm. Chị Lê Thị Huyền ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão vẫn chưa hết sợ chuyện xây nhà. Khi vợ chồng chị xây nhà, do đất phía sau vườn giáp ranh với hàng xóm từ trước không có tường ngăn cách, cây cối bên đó mọc tràn sang, để tiện việc thi công, chị đề nghị nhà hàng xóm chặt bớt một số cành cây, nhổ đi một luống rau. Thế mà anh em nhà hàng xóm kéo tới gây sự, cãi nhau, lại còn đòi đào móng nhà chị lên và mời chính quyền vào làm việc.
Nhiều hộ dân tập kết vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, đổ trần xuống hệ thống cống thoát nước. (Ảnh chụp trên phố Trần Nhân Tông, phường Nam Sơn, quận Kiến An). Ảnh: Minh Trí |
Hàng xóm khó chịu
Thực tế nhiều người dân rất khó chịu khi hàng xóm xây nhà. Chị Duyên nhà ở ngách 17/280 phố Lê Lợi (quận Ngô Quyền) than thở, ngõ khu nhà chị bé tí, nhà đối diện xây nhà khiến lối đi chung trở nên chật chội, mà họ cũng chẳng dọn dẹp cho gọn gàng. Hai mẹ con chị bị ngã xe máy do gạch đá đổ bừa ra lối đi.
Gia đình chị Nga cũng sống trong ngõ 280 phố Lê Lợi cho biết: “Năm 2009 gia đình hàng xóm xây lại nhà, trước khi xây, chị chủ nhà sang nói chuyện với tôi. Khi ấy tôi nhắc chị, chồng tôi đang ốm nặng và nhà tôi đã cũ kỹ, chị nhớ nhắc nhở thợ tránh gây ồn và gây hư hại nhà tôi. Nghe tôi nói thế, chị hàng xóm bảo tôi cứ yên tâm. Nhưng làm sao tôi yên tâm được khi 23 giờ đêm, lúc cả nhà vừa chợp mắt thì tiếng ầm ầm vang lên từ công trình xây nhà đến 3 giờ sáng. Chưa hết, căn nhà của gia đình tôi bị ảnh hưởng mái dột, tường nứt. Cuối cùng tôi phải chọn giải pháp đưa chồng vào nằm viện, chịu chi phí tốn kém.”
Những nỗi khổ kể trên khi hàng xóm xây nhà dù sao cũng chưa tới mức phải đưa nhau ra nhờ pháp luật can thiệp. Liên tiếp gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra các vụ sập nhà, nghiêng nhà, làm lún, nứt nhà hàng xóm, thậm chí có vụ dẫn tới thiệt mạng như tại Bình Dương. Bộ Xây dựng ra thông tư hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2010, để chấn chỉnh các hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ nhằm bảo đảm an toàn các công trình xây dựng. Nhưng liệu văn bản này có thực sự là hành lang bảo vệ cho các ngôi nhà và hết những rắc rối? Điều này cần sự vào cuộc mạnh hơn của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Hoàng Mai