Nhẹ dạ tin lời Bùi Thị Ngọc Yến (SN 1969, ngụ khu 6, Gia Cẩm, TP Việt Trì, Phú Thọ) quen biết “ông nọ bà kia từ trung ương tới địa phương, có thể xin việc ở bất cứ phòng ban nào trong tỉnh”, nhiều người tự động “rút hầu bao" hàng trăm triệu đồng đưa Yến, vì mong muốn xin được việc làm. Nhưng hết tháng này qua năm khác, những người này mòn mỏi chờ việc mà không biết rằng, Yến chỉ tốn nước bọt đã lừa được gần 6 tỷ đồng.
Mặc đồ công an bịa chuyện là “người của Bộ Công an”
Đối tượng vừa bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giam để phục vụ công tác điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bằng những chiêu trò không mới nhưng được tính toán kỹ lưỡng, Yến cùng đồng bọn là Đào Văn Cường (SN 1970, ngụ phường Minh Nông, TP Việt Trì) đã lừa đảo hàng chục người trên khắp địa bàn tỉnh.
Yến vốn là một nhân viên công tác tại trung tâm Kiểm nghiệm của sở Y tế tỉnh Phú Thọ. Từ năm 2010, nhận thấy nhu cầu xin việc làm ngày càng cao, Yến đã “bắt tay” cùng Cường, sử dụng chiêu trò để lừa đảo nhiều người muốn xin việc mà nhẹ dạ. Trước tiên, cặp đôi này tự tạo cho mình một vỏ bọc “con ông cháu cha”.
Đi đâu, Yến cũng tự giới thiệu Cường là người của Tổng cục An ninh – Bộ Công an và giữ chức vị khá quan trọng. Thực chất Cường chỉ là đối tượng thất nghiệp, trình độ văn hóa chưa hết lớp 7, đã có một tiền án về tội lừa đảo. Cái danh nghe đã đủ độ “oai”, Cường còn sắm cho mình quần áo ngành công an đầy đủ đến cả đôi tất, đôi giày…
Về phần mình, Yến quảng cáo quen với “ông nọ bà kia” giữ chức trên bộ, trung ương, quả quyết mình có thể xin việc vào bất cứ phòng ban nào trên địa bàn tỉnh. Thậm chí những ai có nhu cầu đi học trong các trường trung cấp an ninh, chỉ cần “nói với thị một tiếng” sẽ được vào học mà không cần quá trình xét tuyển rắc rối. Chỉ bằng việc “khua môi múa mép”, Yến đã khiến nhiều người tròn mắt tin tưởng, “trông cậy” vào thị khi muốn chạy việc vào cơ quan nào đó.
Sau khi đã tạo dựng được lòng tin, bộ đôi lừa đảo bắt đầu thu nhận hồ sơ và ra giá cho từng “vị trí công việc”. Việc định giá này hoàn toàn do Yến chủ động đề ra, tùy vào cơ quan trực thuộc cấp nào, số tiền “chạy chọt” sẽ tương ứng như vậy.
"Bà trùm" này tỏ ra khá nhanh nhạy khi nắm bắt được nhu cầu xã hội, từ việc xin tuyển biên chế, chuyển vị trí công tác, xin đi học trong các trường công an… Theo đó, nếu muốn xin vào làm việc trong các cơ quan cấp huyện hoặc tỉnh, số tiền “con mồi” phải đưa cho thị “lót việc” không dưới 200 triệu đồng.
Chỉ chạy việc vào vị trí công nhân trong một nhà máy hóa chất trên địa bàn tỉnh, Yến cũng ra giá 80 triệu đồng cho lần đầu nhận hồ sơ. Mỗi lần như vậy, Yến còn ngọt nhạt để “con mồi” yên tâm: “Nếu không lo được công việc như ý muốn, sẽ hoàn trả lại tiền”.
Biến nạn nhân thành đồng phạm
Ngoài việc quảng cáo về bản thân, Yến còn xây dựng cho mình một đội ngũ vệ tinh đi tìm kiếm những người có nhu cầu và thu gom hồ sơ xin việc ở khắp các địa phương. Đám vệ tinh này không ai khác lại chính là những nạn nhân Yến đã lừa trước đó. Với mỗi hồ sơ những vệ tinh này thu gom được, Yến hứa sẽ trả thù lao 10 – 15 triệu đồng.
Những người này đã khiến “thanh thế” của Yến ngày càng được mở rộng, “bắn tin” khắp nơi về “mối quan hệ rộng” của thị. Thủ đoạn giản đơn mà tinh vi, Yến biến hàng loạt người bị hại trở thành đồng phạm.
Nạn nhân chủ yếu của Yến là những gia đình có con vừa tốt nghiệp cao đẳng, đại học, ra trường chưa có công ăn việc làm nên muốn xin vào chỗ làm tốt, lương cao, có cơ hội thăng tiến. Chỉ nghe Yến tự xưng quen biết này nọ, không tìm hiểu cặn kẽ, họ đã chi ra khoản tiền cả đời tích góp để xin việc cho con, sợ nếu chần chừ sẽ “có người khác nhảy vào mất.”
Không chỉ những người thiếu hiểu biết mới sập bẫy cặp đôi lừa đảo này, ngay cả những người có trình độ học vấn, đang công tác trong các cơ quan nhà nước vẫn nhẹ dạ “biếu tiền” cho chúng. Hàng loạt những cán bộ huyện ủy, cán bộ công tác trong quân đội cũng trở thành nạn nhân của Yến khi nhờ thị xin việc cho con cháu.
Một nạn nhân cho biết, vì có ý định xin việc cho con vào cơ quan cấp cao nên nghe có người "đánh tiếng", vợ chồng vị cán bộ này quyết “mời chị ấy về dùng bữa cơm”. Ban đầu, Yến tỏ ý khó khăn, ra điều không thể làm được nhưng vẫn đến “dùng cơm thân mật”. Năm lần bảy lượt tiếp đãi, rào đón, cung phụng Yến như khách quý, đôi vợ chồng thở phào khi Yến ra giọng “vì nể nên mới giúp”. Và số tiền vợ chồng vị cán bộ này phải chi là 280 triệu đồng, theo Yến nói “vì là chỗ thân tình nên chỉ như vậy là đủ”.
Rất nhiều trường hợp, nạn nhân “ban đầu phải nói khó mãi, Yến mới chịu nhận hồ sơ”, sau này khi biết sự thật mới vỡ lẽ, đó chỉ là chiêu trò của Yến nhằm tăng lòng tin và tâm lý “háo việc” của người bị hại.
Sau khi nhận hồ sơ của “con mồi”, Yến đóng gói và chuyển cho Cường kèm theo khoản tiền chia chác. Trong khi hàng chục người mong ngóng tin tức mà không biết khoản tiền mình đưa đã “một đi không trở lại”, Yến cùng đồng bọn tiếp tục lừa đảo hàng chục người nhẹ dạ khác.
Đổ lỗi cho người tình đã cao chạy xa bay
Khi biết Yến thực chất chỉ là đối tượng lừa đảo, nhiều nạn nhân đã đồng loạt làm đơn tố cáo lên cơ quan công an về hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong số người bị hại, nạn nhân Trần Văn Lý (SN 1967) đã bị Yến lừa tới gần 1 tỷ đồng. Ban đầu chỉ là nhu cầu chạy việc cho con, sau khi nghe Yến dỗ ngon dỗ ngọt, anh này đã không ngần ngại đi khắp anh em, bạn bè thân thích, tìm hiểu ai có nhu cầu xin việc thì “đánh tiếng” để ăn chênh lệch.
Suốt khoảng thời gian từ năm 2012, dù đã nhận hàng chục bộ hồ sơ và tiền nhưng công việc Yến hứa không thấy dấu hiệu gì. Họ hàng, anh em giục giã, ngay việc của con mình cũng chẳng đến đâu, Lý tìm hiểu thì té ngửa, Yến chẳng quen biết ông to bà lớn gì, chỉ là nhân viên “quèn”.
Theo một điều tra viên, cho tới thời điểm này, số tiền Yến lừa đảo đã lên tới gần 6 tỷ đồng, thống kê có khoảng hơn 20 người bị hại. Ngoài ra có thể còn rất nhiều những nạn nhân không đến trình báo cơ quan công an vì gia đình đối tượng hứa sẽ hoàn trả tiền nếu không viết đơn tố cáo.
Các nạn nhân của Yến hầu như đều không có bằng chứng xác thực về việc Yến đã lừa đảo, mỗi lần giao nhận hồ sơ, đều không hề có giấy tờ ký kết hai bên. Người nào cẩn thận, yêu cầu đối tượng viết giấy cũng chỉ được Yến viết dưới hình thức vay nợ.
Đánh giá về khả năng các bị hại có thể lấy lại được tiền hay không, thượng tá Đinh Văn Phúc, phó trưởng phòng PC45 Công an Phú Thọ nhận định: “Việc này rất khó vì bản thân các đối tượng sau khi lừa đảo đều thực hiện ngay hành động phân tán số tiền đó dưới nhiều hình thức và đứng tên sở hữu người khác. Khi hành vi lừa đảo bị phát hiện, các đối tượng hầu như đều khai nhận không có tài sản hoặc rất ít, không đủ để hoàn trả bị hại”.
Tại cơ quan điều tra, Yến một mực khai nhận mình chỉ đứng giữa trung gian, mỗi hồ sơ Yến chỉ được nhận từ 20 – 30 triệu đồng còn phần lớn số tiền đều do Cường giữ. Tuy nhiên, sau khi Yến bị bắt, Cường đã bỏ trốn nên không thể đối chất lời khai.
Ngày 6/6/2013, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Bùi Thị Ngọc Yến về hành vi lừa đảo, tiếp tục điều tra mở rộng. Cơ quan điều tra cũng đề nghị những ai là nạn nhân của Yến, làm đơn trình báo để công an giải quyết.
Theo Xa lộ pháp luật