Sản xuất, dịch vụ, xuất khẩu đều khả quan
Báo cáo của MarketIntello cho biết, trong tháng 7 khu vực dịch vụ và xuất khẩu tăng trưởng khả quan. Cụ thể, lĩnh vực doanh số bán lẻ 7 tháng đầu năm 2017 (sau khi loại bỏ yếu tố giá) đạt 8,4% (YoY) và đạt 10% (chưa loại bỏ yếu tố giá), cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (9,4%). Trong đó, lĩnh vực thương mại bán lẻ đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung với 7,45%, lĩnh vực dịch vụ ăn uống và lưu trú đóng góp 2,4% và dịch vụ lữ hành là 1,65%.
Tuy nhiên, trong tháng 7 sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) trong tháng 7 tăng 8,1% (YoY), thấp hơn mức tăng trưởng 8,92% vào tháng 6 nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 7 tháng đầu năm, IPI tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung với 7,45 điểm phần trăm. Trong khi đó, ngành khai khoáng mặc dù làm giảm tới 1,64 điểm phần trăm nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi vào đầu quý III, sau 3 tháng suy giảm liên tiếp.
Thanh khoản dồi dào, lãi suất giảm
Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào trong tháng 7, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp phát hành tín phiếu để hút tiền về. Theo phân tích của MarketIntello, thanh khoản dồi dào chủ yếu là do thời gian qua NHNN đã mua thêm một lượng ngoại tệ đáng kể để gia tăng dự trữ ngoại hối, làm tăng cung tiền đồng ra ngoài thị trường. Với động thái phát hành tín phiếu qua kênh OMO, tính riêng cho tháng 7, NHNN đã hút ròng tới 37.000 tỷ đồng.
Trong tháng 7 lãi suất cũng đi xuống do lạm phát giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm khiến NHNN quyết định giảm lãi suất chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng. “Lãi suất sẽ còn có xu hướng đi xuống do kỳ vọng về lạm phát tiếp tục giảm. Tuy nhiên, trước áp lực từ tăng trưởng tín dụng cao hơn đáng kể so với tăng trưởng huy động trong thời gian gần đây, chúng tôi cho rằng lãi suất chỉ có xu hướng giảm nhẹ…”- TS Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Marketintello nhận định.
Trong tháng 7, tỷ giá USD/ VND ở các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do ổn định quanh mức 22.730. Việc chỉ số USD Index liên tục giảm khiến tỷ giá USD/VND cũng tránh được rất nhiều áp lực. Bên cạnh đó, cán cân thương mại thặng dư tháng 7 nên đã phần nào làm giảm cầu về ngoại tệ, khiến tỷ giá được giữ ổn định.
Thách thức lớn nhất: Giải ngân chậm
Ngoài những thách thức đến từ bên ngoài, theo MarketIntello, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam để cải thiện tăng trưởng từ nay cuối năm là đảm bảo tiến độ giải ngân.
Trong tháng 7, tuy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn còn chậm. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2017 đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch vốn năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 309 nghìn tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nếu so với tổng số vốn kế hoạch năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội (357 nghìn tỷ đồng), thì giải ngân 7 tháng mới đạt khoảng 33,4%, tương đương cùng kỳ năm trước.
“Về cơ bản, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công chưa quyết liệt, thẩm định phê duyệt các bước của dự án đầu tư chậm sẽ làm cản trợ các giải pháp ngắn hạn hướng đến việc tăng tổng đầu tư toàn xã hội lên mức 35% GDP trong năm nay….” - chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận định.
Với diễn biến kinh tế 7 tháng đầu năm, MarketIntello hầu như vẫn giữ nguyên hoặc chỉ điều chỉnh nhẹ các dự báo về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, lãi suất đến cuối năm 2017 như báo cáo trước. Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế GDP 6,4%, lạm phát 2,1%, tỷ giá USD/VND 23.000, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 3 tháng: 4,8%...
Trước đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ KH &ĐT dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 6,5%, lạm phát bình quân 4%. Trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản là 2,9%; Công nghiệp, xây dựng 7,3%; Dịch vụ 7,2%.