Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Nguyễn Tuấn, cho biết, tình trạng ngư phủ hứa đi ghe để mượn tiền rồi giựt tiền của chủ tàu xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là 3 năm gần đây. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lao động. Trong khi đó, những ràng buộc về mặt pháp lý giữa người mượn và người cho mượn tiền quá đơn giản.
Cung không đủ cầu
Mới mờ sáng, ông Tư Biểu (Nguyễn Tấn Biểu, chủ 15 tàu cá ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) đã phải nhờ người chạy kiếm ngư phủ khắp chợ. Dò hỏi, một số tiểu thương, hàng quán quen ở Sông Đốc mới biết, Hải cùng 5 bạn tàu khác nhậu say rồi hè nhau bỏ trốn từ tối hôm trước. Ông Tư buộc đậu lại bờ một tàu cá do thiếu ngư phủ ra khơi...
Sự việc xảy ra trong mùa cao điểm mùa cá, hôm đó là ngày gần cuối con trăng. Như thường lệ, sau khi bán sản phảm, nạp đầy nhiên liệu, nước đá cùng những nhu yếu phẩm khác đủ cho chuyến đánh bắt dài ngày, ông Tư Biểu cho cho ngư phủ xã hơi mấy bữa, thăm vợ, thăm con...
Hải là một trong số thuyền viên làm công cho nhà ông Tư đã lâu. Cận ngày khởi hành nhưng tàu cá nhà ông Tư còn thiếu 6 ngư phủ, nhờ Hải tìm giúp. Hải dẫn lại 5 thanh niên khỏe mạnh nói đồng ý theo ghe. “5 người này nhờ Hải bảo lãnh ứng tổng cộng của tôi 18,5 triệu đồng, nói để tiền lại cho vợ con sinh sống lúc xa bờ, chừa 1 ít đi lai rai chút thời gian ngắn ngủi còn lại trong đất liền trước khi bám biển dài ngày.
Nào ngờ người và tiền “một đi không trở lại” - bà vợ ông Tư giọng buồn buồn vì dầu nhớt, nước đá, ngư cụ cùng nhu yếu phẩm cho một chuyến ra khơi gần 300 triệu đồng nên không có ngư phủ, con tàu đành nằm bờ nhìn con nước trôi qua...
|
Thẻ thuyền viên của những ngư phủ mê nhậu. |
Công việc gia đình bề bộn nên bà Tư Biểu phụ chồng việc quản lý và tìm kiếm lao động cho ghe nhà. Sau lần bị Hải gạt, bà Tư có thêm kinh nghiệm xương máu. Con nước sau ghe vô, ngư phủ về quê thăm nhà nhưng cận ngày ra khơi có 2 người báo không đi do hoàn cảnh gia đình.
Bà Tư tất tả nhờ người quen tìm ngư phủ để bù vào khoảng trống đó. Trong lúc chờ tìm người thì có hai người đàn ông tự xưng là cha con, người lớn tuổi tên Sửu, nhà ở cầu Bạch Ngưu (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) đến hỏi bà Tư xin theo ghe.
“Tôi mừng ra mặt vì khỏi mất công tìm nữa. Sau bữa cơm sáng, ông Sửu than khổ vì nhà đơn chiếc, vợ ở nhà đau chân không có tiền thuốc than. Ổng xin ứng trước 6,5 triệu đồng tiền công rồi kêu thằng con mang về quê nhờ người thân chở mẹ nó đi chữa chân, dặn kỹ hừng sáng phải lên sớm để kịp theo ghe ra khơi. Thằng con đi được hơn 3 tiếng, xế chiều ông Sửu nói đau bụng xin đi vệ sinh rồi trốn mất luôn. Dòm hai cha con ông Sửu đen xạm, da thịt săn chắc, tôi tưởng nông dân hiền lành, chất phác, ai dè bị lầm...” - bà Tư kể.
Xuất hiện kẻ lừa đảo
Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Nguyễn Tuấn, cho biết, tình trạng ngư phủ hứa đi ghe để mượn tiền rồi giựt tiền của chủ tàu xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là 3 năm gần đây. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lao động. Trong khi đó, những ràng buộc về mặt pháp lý giữa người mượn và người cho mượn tiền quá đơn giản.
Sau 2 lần bị gạt liên tiếp, bà Tư Biểu dè chừng nên khi có ai xin theo tàu cá nhà mình làm công, bà điều nghiên và giữ giấy tờ tùy thân, tuyệt đối không ứng tiền công quá 30%. Nhờ đó mà những lần bị giựt nợ sau này số tiền không đáng kể. Vậy nhưng, cách bắt ngư phủ “làm tin” với chủ tàu như gia đình bà Tư Biểu khiến nhiều người không khỏi trăn trở, bởi nó quá khắt khe, thiếu hẳn tình “thuyền và biển”...
Có trên 50% chủ ghe tại Cà Mau nói năm nào cũng bị ngư phủ giựt nợ. Chủ tàu nào kỹ lưỡng thì bị giựt vài triệu đồng, nhiều thì đến bạc trăm triệu. Một chủ tàu cũng là vựa thu mua thủy sản lớn ở Sông Đốc (xin giấu tên) cho biết, tiền mà gia đình này cho ngư phủ ứng trước để sang Malaysia khai thác dài hạn năm 2011 trên 2 tỷ đồng, trong đó trên 1 tỷ đồng bị giựt, chưa đòi được xu nào bởi người mượn trốn bặt tăm. |
Cách đây mấy tháng, một thanh niên khỏe mạnh tên Mạc Văn Quốc (quê Tân Hưng, huyện Cái Nước) quảy ba lô to đùng đến nhà xin làm công cho tàu cá bà Tư Biểu. Bà ừ liền vì hôm sau ghe ra khơi nhưng còn thiếu người. Ba hồi bốn chuyện, Quốc bỏ giỏ đồ và gửi giấy chứng minh nhân dân lại cho bà, mượn bà Tư 200.000 đồng đi ăn và uống cà phê.
Gần 1 tiếng đồng hồ sau, cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc điện lại nhà hỏi bà Tư có quen ai tên Quốc thì ra đồn. Bà tất tả chạy ra mới biết Quốc bị nhiều chủ tàu khác tố cáo giựt nợ nên bị Đồn tạm giữ. Số tiền Quốc mượn của những chủ này trên 10 triệu đồng nhưng không đi ghe họ mà đến xin theo ghe của nhà bà Tư. “Lúc về nhà, tôi giở giỏ đồ của nó để lại mới chưng hửng. Trong đó có cái chăn rách và mấy cái quần xà lỏn rách” - bà Tư kể về tình huống bi hài.
Mỗi năm bị giựt hơn trăm triệu
Từ vài chiếc ghe ban đầu, giờ đây ông Tư Biểu sở hữu 15 tàu khai thác công suất lớn. Tuổi cao, sức kém nên mấy năm gần đây, ông Tư giao toàn bộ tàu cá cho con trai, là Nguyễn Thanh Kỳ, quản lý. Anh Kỳ cho biết, với 4 ghe lưới đèn và 11 ghe chong đèn, mỗi chuyến ra khơi gia đình anh cần khoảng 180 ngư phủ. Sau mỗi chuyến khai thác (bình quân khoảng 20-30 ngày), ngư phủ ăn chia sản phẩm với chủ tàu (thường chủ tàu 6 phần, ngư phủ 4 phần) sau khi trừ chi phí.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, ngư phủ làm công ghe anh Kỳ, giải thích, đi ghe của anh Kỳ còn được chia lời chứ nhiều nơi khác, đi 3-4 tháng ròng rã nhưng vô bờ phủi tay, không có tiền gởi về gia đình, vợ con vì chủ ghe lỗ lã. Bởi vậy mới có cảnh mượn rồi giựt nợ.
Ông Tư Biểu giở sổ sách ghi lại, năm 5 gần đây, số tiền ghi ngư phủ mượn nợ bỏ trốn năm nào cũng trên trăm triệu đồng. Số tiền ấy đến nay gia đình bà Tư chưa lấy lại được đồng nào. Hiện bà Tư còn giữ trên 30 giấy chứng minh thư cùng hàng chục giấy CMND phô tô, giấy viết tay mượn nợ... Người ít nhất vài trăm ngàn đồng, nhiều nhất vài chục triệu đồng. Bà Tư nói vui: “Nhà khỏi tốn tiền mua giẽ lau, vì ngư phủ để lại cả đống, toàn tà lỏn rách, mùng mền cũ. Có mấy đứa chơi ác, độn vỏ dừa khô cho ba lô căng phồng để mình tin tưởng hơn”.
Ngọc Long