Từ chuyện đất trồng hoa ngày càng thu hẹp…
“Gia đình chỉ còn ít đất vườn thổ cư khoảng vài trăm mét để trồng hoa, phải ưu tiên cho các loài hoa giá trị. Vài năm trở lại đây đất vườn nhà ở Đằng Hải chỉ dành để trồng hoa ly. Loại hoa này giá trị, giống mua đắt, chăm sóc lại kỳ công phải có nhà lưới…. Năm nay, vườn nhà trồng vài nghìn gốc ly, trong đó có giống mới là ly Chi lê”, anh Trần Văn Tú, ở Lũng Bắc, Đằng Hải tâm sự. Anh Tú cho biết trước đây gia đình anh ngoài đất vườn thổ cư còn vài sào đất chuyên canh tác hoa ở khu cánh đồng nhưng nay thì không còn vì quy hoạch cho các dự án phát triển đô thị. Mặc dù đất dành cho một số dự án hiện giờ vẫn bỏ trống chưa sử dụng đến, nhưng hầu hết bà con địa phương không còn hào hứng canh tác. Một số người tiếc của tranh thủ canh tác, nhưng thấp thỏm, nên khó có hiệu quả kinh tế cao.
Vẫn còn ít đất ruộng sau khi dự án lấy đi hơn 5 sào đất trồng hoa, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở cụm dân cư số 9 phường Đằng Hải vẫn tập trung chủ yếu canh tác ở đất vườn thổ cư và đất đi thuê ở huyện khác. Theo anh Thanh “Đất canh tác ngoài đồng của gia đình còn lại quá ít, lại kẹt giữa các dự án, nguồn nước bị ô nhiễm nên dù có cố gắng thì trồng hoa cũng khó mang lại hiểu quả cao. Vì vậy, biết là lãng phí nhưng gia đình cũng đành tập trung vào những khu vực canh tác hiệu quả”.
…Đến những cánh đồng hoa nở rộ muôn nơi
Trước thực tế đồng đất quê hương ngày càng thu hẹp, nguy cơ nghề truyền thống mai một dần, những người nhiệt huyết với nghề trồng hoa như anh Thanh, anh Tú tích cực tìm hướng phát triển mới.
Anh Tú huy động vốn gia đình, vay từ bạn bè, người thân, các cấp hội nông dân…mua mảnh đất canh tác lúa ở thôn Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn để tiếp tục trồng các loại hoa truyền thống. Anh cho biết, mất hơn 2 năm từ khi chuyển hướng, đầu tư nghề trồng hoa sang huyện bạn, đến giờ mới bắt đầu ổn định sản xuất và có thu nhập, vì phải cải tạo chất đất, trồng thử nghiệm giống hoa cho phù hợp”. Đến bây giờ, vườn hoa hơn 20 nghìn m2 của anh Tú ngày nào cũng cho thu hái hơn 1000 bông hồng và cúc các loại, hoa huệ thu hoạch bán vào dịp những ngày tuần, rằm…
Vất vả, lăn lộn hơn, anh Thanh cho biết: do vốn chẳng đủ để mua đất canh tác ở ngoại thành, đành phải tìm đất để thuê. Ngắm được khu đất ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên thuận tiện về hệ thống điện, nước nên quyết tâm thuê 2 ha đầu tư trồng hoa. Trên diện tích đó, anh Thanh phải đầu tư đến gần tỷ đồng để bây giờ có được vườn hồng khoe sắc đủ loại, từ hồng xác pháo, hồng song hỷ, hồng trắng sứ…Vườn hoa đã cho thu hoạch, anh Thanh cũng thu đủ vốn đầu tư, nhưng vẫn lo lắng vì đất đi thuê không ổn định, gần đến thời điểm hết hợp đồng với địa phương. Gây dựng mất bao công sức, không biết có sản xuất tiếp được trên vùng đất này hay sẽ phải di dời đi nơi khác? Ước mong lớn nhất của anh là có đủ lực mua được đất, lúc đó mới có tâm trạng ổn định để đầu tư sản xuất.
Vốn và điều kiện sản xuất khó khăn ở các địa phương nơi đầu tư là vấn đề mà nhiều người trồng hoa ở Đằng Hải luôn “đau đầu”. Chị Phạm Thị Huế ở phường Đằng Hải khẳng định, vốn đầu tư trồng hoa lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Cái khó của người trồng hoa là luôn băn bó về vốn đầu tư để lập vườn, duy trì việc chăm sóc hoa thường xuyên. Trời cũng phải “thương” mà nắng mưa thuận lợi thì hoa mới đẹp và bán được giá”. Trang trại hoa của vợ chồng anh chị
Thủy Họa vốn đi đầu trong việc thuê ở thị trấn Vĩnh Bảo với quy mô đầu tư lớn nhưng do vốn hạn hẹp lại không gặp điều kiện thiên nhiên thuận lợi, nay phải dừng đầu tư để chuyển sang khu vực Tràng Cát với quy mô nhỏ hơn.
Để có vốn cho sản xuất, hầu hết người trồng hoa chạy đôn đáo khắp nơi để vay mượn nhưng không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. Anh Hoàng Văn Mậu ở phường Đằng Hải đang đầu tư 12.500 m2 đất trồng hoa tại xã An Thọ, huyện An Lão với kinh phí chừng 400 - 500 triệu, cần vay vài chục triệu đồng nhưng bị ngân hàng từ chối. Cái khó nữa đối với người đầu tư trồng hoa nơi đất lạ là phải thuần hóa được vùng đất đó. Anh Lê Doãn Đô ở Lũng Bắc, Đằng Hải đầu tư trồng hoa trên đất An Thọ trước đây vốn là vùng chuyên canh rau, độ phì nhiêu trong đất giảm hẳn, nhiều mầm mống sâu bệnh, vì vậy phải mất nhiều công và mất cả vụ đầu để cải tạo đất và trồng thử nghiệm.
Khó kể hết những nỗ lực, sự tâm huyết của những người dân Đằng Hải khi đầu tư trồng hoa trên các vùng đất mới. Với hướng đi này hy vọng về tương lai tươi sáng hơn cho nghề truyền thống vẫn được thắp sáng. “Dù nghề truyền thống được mang đi đến đâu để phát triển thì cũng là làm đẹp cho đời và mang lại giá trị kinh tế cao”, anh Tú tâm sự, vì vậy anh không giấu nghề. Khi đến các địa phương khác, anh luôn sẵn lòng mang kinh nghiệm của mình giúp bất cứ bà con nào có tâm huyết phát triển nghề này để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng hoa tươi ở thành phố…
Bài và ảnh Hồ Hương