Đoàn công tác xã hội của Trung tâm Truyền thông (Báo Pháp luật Việt Nam) phối hợp với Chương trình “Áo ấm Biên Cương”, vừa tổ chức mang hơn 2 tấn hàng gồm quần áo ấm, đồ dùng học tập, thực phẩm, hướng lên Tây Bắc, đến với xã vùng cao, đặc biệt khó khăn: Pá Hu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).
Đoàn công tác báo PLVN tặng áo ấm cho các em nhỏ |
Vượt qua hơn 300 km, trong thời tiết buốt giá của mùa đông xứ Bắc, chúng tôi đến với gần 700 giáo viên, học sinh (Mầm non, Tiểu học, THCS), phân tán học tập tại 5 điểm trường trong xã Pá Hu - xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, có tới 99% là người dân tộc Mông và tỉ lệ hộ nghèo lên tới 95%.
Đón chúng tôi tại điểm tập kết hàng ven quốc lộ 133 từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu, bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu phấn khởi: “Cả chục năm nay, mới có đoàn công tác xã hội, mang quà lên cho xã. Mừng lắm!”.
Đồng hành cùng Chương trình xã hội tại xã Pá Hu (Trạm Tấu, Yên Bái), cán bộ phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cũng đóng góp nhiều đồ ấm cho học sinh vùng cao. Ban Biên tập Báo cũng quyết định trích ra 15 triệu đồng, ủng hộ chuyến đi. Tổng trị giá chuyến hàng của Chương trình lên Pá Hu, gần 200 triệu đồng. Đối tượng thụ hưởng là 620 học sinh và 52 giáo viên trong xã. |
Tận mắt chứng kiến việc học tập, ăn ở, sinh hoạt của các em nhỏ ở điểm trường Pá Hu mới cảm thấy xót xa: Cái lạnh của vùng sơn cước khiến cho những bàn tay nhỏ tím bầm, có em bật cả máu. Tuy nhiên, vượt qua thời tiết khí hậu khắc nghiệt hàng ngày những bàn chân đất bé nhỏ vẫn kiên nhẫn leo đèo vượt suối để đến lớp. Thấy đoàn chúng tôi, khuôn mặt của các cô trò sinh động hẳn lên.
Ngoài trời lạnh đến dưới 7 độ C, cô giáo Nguyễn Thị Huyền, đang trực tiếp đứng lớp cả Mầm non và Tiểu học, nói với đoàn: "Hôm nay ấm lắm, các anh ạ!" và chỉ vào 2 đống lửa nhỏ, được nhen gọn gàng cả trong lớp và ngoài sân, giải thích: "Từ hồi vào vụ rét, các em chỉ quanh quẩn bên hai đống lửa này thôi, chả dám chạy ra ngoài vì lạnh quá".
Sau khi hoàn thành việc phát quà, đoàn lại nhanh chóng đến điểm Trường Tá Tầu. Tà Tầu nằm cheo leo, cách trung tâm xã khoảng 3km. Đi hết con đường mòn, đặt chân lên dãy bậc đá trơn nhẫy là khoảnh sân bé tý, cỡ vài cái chiếu.
Các em nhỏ Pá Hua hân hoan với món quà nhận từ Báo PLVN |
Trong lớp học, 57 đứa trẻ lít nhít cả mầm non lẫn tiểu học tay kẹp giữa chân, ngồi trên những chiếc chiếu mỏng, trải trên nền đất. Đứa nào cũng "đồng phục" giống nhau: chân đất, áo mỏng, đầu trần còn mặt mũi nhem nhuốc.
Đến bữa ăn trưa, cô giáo Bích mở túi, lấy mấy con cá khô kho mặn và gói mì tôm trong suất ăn tuần của mình, chia cho mỗi em 1 con cá cơm bé bằng đầu đũa. Bên nồi mì tôm lõng bõng toàn nước là nước, không một chút rau - hành - cà chua, bọn trẻ xì xụp ăn trưa...
Trong ngót sáu chục đứa, duy nhất thấy một đứa có mẩu đùi gà bé tí xíu, vài ba đứa có mấy miếng măng luộc gói trong túi ni lông nhàu nát, đen xỉn…
3 điểm trường còn lại của Pá Hua mà chúng tôi đến đều trong tình trạng tương tự, với lớp học sơ sài, trẻ em chống chọi với cái rét trong những manh áo mỏng.
Học sinh của điểm trường Tả Tấu |
Tại 5 điểm trường, đoàn cán bộ báo PLVN kết hợp với cán bộ địa phương, tiến hành phân phát quà cho các cháu. Món quà gồm: Đồ chống rét (như áo ấm, chăn, ủng, mũ len, tất chân, vải bạt che gió..), đồ dùng học sinh (sách vở, bút…), thực phẩm (như cá khô, ruốc, nước mắm)…
Dọc đường về điểm trường chính, một cô gái trẻ đại diện cho doanh nghiệp, lần đầu tham gia chuyến đi, hỏi cô giáo ngồi cạnh: "Sao không nuôi lợn, nuôi gà cải thiện bữa ăn cho bọn trẻ?". Biết là người lần đầu lên vùng cao, cô giáo cũng còn rất trẻ cười ý nhị: "Đến gạo, ngô cho người ăn còn thiếu, chứ nói gì đến nuôi gia súc?".
Ngừng một lát cô thở dài: "Giá ở vùng này còn rừng, còn cây thì còn chuột, như trong chương trình “Chào buổi sáng” của VTV về học sinh Sơn La hôm rồi, bọn mình cũng đỡ xót, vì ít nhất học sinh còn biết được mùi thịt động vật, cho dẫu là… thịt chuột!".
Xuân Diệu