Malaysia - Triều Tiên: 'Dậy sóng' nguy hiểm trong quan hệ song phương

Đại sứ CHDCND Triều Tiên Kang Chol phải về nước
Đại sứ CHDCND Triều Tiên Kang Chol phải về nước
(PLO) - Mối quan hệ song phương Malaysia - CHDCND Triều Tiên đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, đến mức hai bên trục xuất Đại sứ của nhau. 

Động thái này diễn ra chỉ 3 tuần sau cái chết của một công dân Triều Tiên tại Malaysia.

Trả đũa lẫn nhau

Căng thẳng giữa Malaysia và CHDCND Triều Tiên khởi nguồn từ cái chết của một công dân CHDCND Triều Tiên có hộ chiếu mang tên Kim Chol ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia hôm 13/2/2017. Phía Malaysia cho rằng, ông Kim Chol bị đầu độc, còn CHDCND Triều Tiên lại khẳng định ông này chết vì cơn đau tim, tiểu đường và huyết áp cao. Triều Tiên cũng nhiều lần cáo buộc Malaysia đưa ra những kết luận điều tra "mang tính thù địch" và tỏ thái độ không chấp nhận kết quả điều tra của Kuala Lumpur.

Căng thẳng tiếp tục leo thang khi ngày 4/3, Malaysia trục xuất Đại sứ CHDCND Triều Tiên Kang Chol với lý do ông này là "nhân vật không được hoan nghênh", yêu cầu nhà ngoại giao này rời Malaysia trong vòng 48 giờ. Quyết định trên của Malaysia được đưa ra sau khi Đại sứ CHDCND Triều Tiên Kang Chol không có mặt tại một cuộc gặp do Bộ Ngoại giao Malaysia triệu tập cùng ngày. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman cũng cho biết không có quan chức nào của CHDCND Triều Tiên có mặt tại cuộc gặp này. 

Đáp trả, ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Triều Tiên thông báo trục xuất Đại sứ Malaysia tại Bình Nhưỡng, coi nhà ngoại giao này là "người không được hoan nghênh", đồng thời yêu cầu nhà ngoại giao này rời CHDCND Triều Tiên trong vòng 48 giờ. Hôm sau – 7/3, CHDCND Triều Tiên thông báo tạm thời cấm các công dân Malaysia rời khỏi nước này nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao và công dân CHDCND Triều Tiên tại Malaysia. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ: "Tất cả công dân Malaysia tại CHDCND Triều Tiên sẽ tạm thời bị cấm rời khỏi nước này cho đến khi vụ việc xảy ra tại Malaysia được giải quyết thích đáng". Theo KCNA, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã thông báo với Đại sứ quán Malaysia ở Bình Nhưỡng về lý do đưa ra biện pháp trên, đồng thời cho biết CHDCND Triều Tiên hy vọng vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng và công bằng để phát triển quan hệ song phương.

Không hề chậm trễ, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố, cấm toàn bộ nhân viên ngoại giao Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên rời khỏi Malaysia. Thủ tướng Razak đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát ngăn chặn mọi công dân CHDCND Triều Tiên ở Malaysia rời khỏi nước này cho tới khi Malaysia "được đảm bảo về sự an toàn và an ninh của các công dân Malaysia ở CHDCND Triều Tiên". Thủ tướng Razak cũng hối thúc CHDCND Triều Tiên phải trả tự do cho tất cả công dân Malaysia để "tránh thêm leo thang". Nhà lãnh đạo Malaysia cho rằng lệnh cấm mà CHDCND Triều Tiên đưa ra "hoàn toàn bất chấp luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc ngoại giao". 

Trong khi đó hãng tin Kyodo cùng ngày dẫn nguồn tin từ tờ China Press xuất bản tại Malaysia cho biết, Chính phủ Malaysia sẽ thảo luận vào hôm nay – 10/3 về khả năng đóng cửa Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại nước này.

Đại sứ Malaysia tại CHDCNND Triều Tiên Mohammad Nizan
Đại sứ Malaysia tại CHDCNND Triều Tiên Mohammad Nizan

Quan hệ “hững hờ”

Trước thời điểm căng thẳng ngoại giao, Malaysia và CHDCND Triều Tiên có mối quan hệ tương đối tốt đẹp. Malaysia là một trong số 50 quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với CHDCND Triều Tiên. Quan hệ hai nước có những bước tiến kể từ khi CHDCND Triều Tiên mở đại sứ quán tại thủ đô Kuala Lumpur năm 2003 và cũng trong năm này Malaysia mở đại sứ quán tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Năm 2009, Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có công dân được phép đến CHDCND Triều Tiên mà không cần cấp thị thực và công dân CHDCND Triều Tiên tới Malaysia cũng được miễn thị thực. Ngoài ra, người mang hộ chiếu Malaysia có thể lưu trú tại CHDCND Triều Tiên trong thời gian một tháng.

Năm 2011, Hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo mở đường bay thẳng đến Malaysia để phát triển du lịch, tuy nhiên đường bay này đã bị ngừng hoạt động vào năm 2014 do lệnh cấm vận của Liên hợp quốc (LHQ).

Về hợp tác kinh tế, theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa CHDCND Triều Tiên và Malaysia đạt khoảng hơn 5 triệu USD vào năm 2015. Trong đó, những mặt hàng chủ yếu CHDCND Triều Tiên nhập khẩu từ Malaysia gồm dầu thô, cao su thiên nhiên, dầu cọ… và những mặt hàng chủ yếu Malaysia nhập khẩu của CHDCND Triều Tiên gồm đồ điện tử, hóa chất, các sản phẩm từ sắt, thép… 

Với sự hợp tác trên, quan hệ CHDCND Triều Tiên và Malaysia có vẻ khá đặc biệt, tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích mối quan hệ này không thực sự đặc biệt đến như vậy nếu nhìn bao quát hơn về chính sách đối ngoại của cả hai nước.

Đối với CHDCND Triều Tiên, khởi đầu quan hệ với Kuala Lumpur hồi thập niên 1970 là một phần trong chiến dịch xây dựng mạng lưới ngoại giao với thế giới để cạnh tranh vị thế với Hàn Quốc đồng thời thúc đẩy phát triển kinh kế. 

Đối với Malaysia, sau khi giành độc lập năm 1967, Malaysia đã thực hiện chính sách đối ngoại độc lập và duy trì quan hệ đa phương, việc xây dựng quan hệ với CHDCND Triều Tiên xuất phát từ cách tiếp cận này.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Malaysia và CHDCND Triều Tiên cũng trở nên phức tạp liên quan đến việc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Malaysia đã phải đối mặt thách thức là làm sao để cân bằng giữa việc duy trì mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên và các ưu tiên ngoại giao khác, trong đó có quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN và LHQ. Một mặt, Malaysia thúc đẩy các hoạt động giao thương, trao đổi văn hóa với CHDCND Triều Tiên, mặt khác Kuala Lumpur vẫn lên án các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên và ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trừng phạt Bình Nhưỡng.

Bước ngoặt là thời điểm HĐBA LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết 2270 trừng phạt CHDCND Triều Tiên vào tháng 3/2016. Để bảo đảm Nghị quyết 2270 được thực thi một cách đầy đủ, Chính phủ Malaysia đã xem xét lại nhiều khía cạnh trong quan hệ hợp tác với CHDCND Triều Tiên.

Các nhà phân tích cho rằng, căng thẳng ngoại giao giữa Malaysia và CHDCND Triều Tiên lần này sẽ đặt quan hệ hai nước đứng trước nhiều thách thức.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.