Cái đẩy tay chết người
Phiên tòa “cố ý gây thương tích” do TAND TP Huế xét xử sơ thẩm sáng ngày 21/9/2017 thu hút rất đông người dự khán. Bị cáo trong vụ án là Nguyễn Thị Linh Chi (41 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Mới sáng sớm, nhưng khán phòng ở tầng 1 đã chật ních người. Những ai chậm chân, đành phải đứng lố nhố bên ngoài hành lang theo dõi phiên xử.
Cha mẹ bị hại già nua, đầu chít khăn tang lạnh lẽo, chân run run bước qua mấy bậc tam cấp vào tòa. Người mẹ ôm chặt di ảnh con trai trong lòng. Đôi tay gầy trơ xương dùng nhiều sức, khiến mấy sợi gân xanh loằng ngoằn nổi lên sau lớp da tay lấm chấm đồi mồi.
Gia đình bị cáo ngồi chen chúc một phía. Chồng bị cáo nhìn vợ đứng nơi vành móng ngựa, khuôn mặt anh nhăn lại đầy đau xót. Nhìn vợ chỉ một lát, anh đã vội vã cúi mặt xuống bàn, cố giấu đôi mắt đã đỏ hoe và hai giọt nước mắt nóng hổi đang chực trào xuống. Đôi tay đặt anh trên bàn không ngừng run rẩy thể hiện nỗi xúc động mãnh liệt trong lòng.
Cáo trạng thể hiện, chiều ngày 2/4/2017, bị hại (45 tuổi) trong trạng thái say rượu, đi ngang một quán tạp hóa thì gặp mẹ chồng bị cáo. Bị hại có lời lẽ xúc phạm và lấy 1 cái ghế định đánh mẹ chồng bị cáo. Thấy vậy, mẹ chồng bị cáo bỏ đi vào trong nhà và nói với con dâu: “Mẹ ra trước xóm chơi mà thằng Cu chửi mẹ. Con ra đưa hắn về nhà cho rồi”. Chi nói với mẹ chồng: “Kệ hắn, thằng say mà chấp làm chi”.
Một lúc sau, nghe tiếng bị hại vẫn còn chửi, nên mẹ chồng bị cáo đi ra quán tạp hóa, nhưng không nói gì. Chừng 10 phút sau, bị cáo mang rác đi đổ thì thấy bị hại đang chửi mẹ chồng mình nên Chi đến kéo bị hại về nhà. Nhưng bị hại không đồng ý dẫn đến hai bên giằng co, xô đẩy nhau. Chi dùng tay tát 2 cái vào mặt bị hại, bị hại dùng tay nắm cổ áo Chi đồng thời cúi xuống nhặt đá lên đánh Chi. Thấy vậy, Chi đẩy bị hại ra thì bị hại ngã dập đầu xuống đường. Bị hại sau đó được mẹ ruột đưa về nhà nghỉ.
Đến 12h khuya cùng ngày, khi mẹ bị hại đến giường con trai đang nằm ngủ kiểm tra thì phát hiện con trai đã chết. Nguyên nhân tử vong do chấn thương sọ não, xuất huyết ngoài màng cứng lượng lớn nhưng không được điều trị kịp thời có yếu tố làm dễ và tình trạng giãn mạch do rượu.
Lời khai bị cáo
Bị cáo đứng nơi vành móng móng ngựa, trong lúc viện kiểm sát đọc cáo trạng thì cứ bưng mặt khóc miết. Đôi vai gầy cứ rung rung từng đợt theo mỗi tiếng nấc nghẹn. Bị cáo khai, mình với bị hại là bà con. Đó là lý do khiến mẹ chồng bị cáo mới kêu bị cáo ra dẫn bị hại về nhà.
Lúc bị cáo và bị hại giằng co, bị hại giật mạnh cổ áo bị cáo, khiến hàng nút phía trước đứt tung tóe. Bị cáo mới đẩy tay bị hại ra khỏi áo mình, rồi túm áo chạy vào nhà. “Bị cáo bỏ chạy vào nhà để gài lại áo. Nên không biết bị hại trong lúc ngã xuống đã bị chấn thương ở đầu”, bị cáo òa khóc.
Tòa: “Bị cáo về nhà, có quan tâm bị hại ngã đang nằm ngoài đường không?”.
Bị cáo: “Bị cáo có hỏi mẹ chồng bị hại răng rồi? Mẹ chồng nói mẹ bị hại đã đưa anh về nhà”.
“Theo bị cáo, bị hại chấn thương sọ não là do đâu”.
“Bị cáo không biết”.
“Có phải do bị cáo xô ngã không?”.
“Bị cáo không biết”. Bị cáo lại òa khóc.
Anh trai bị hại giọng run run, cố nén bức xúc trong lòng. Anh nói mình sinh sống ở trong Nam. Lúc em trai qua đời mới về dự tang lễ. Dù không chứng kiến vụ việc, nhưng anh nghe mọi người kể lại: “Tui nghe họ kể, khi em tui ngã xuống chảy máu, bị cáo nói: “Chảy máu thì để cho hắn chết đi”, mà không đưa em tui đi bệnh viện.
Cha mẹ tui già không biết gì. Nếu bị cáo có trách nhiệm, đưa em tui đi khám, thì em tui đã không mất mạng”. Người đàn ông nói trong uất ức. Tòa hỏi anh có yêu cầu cơ qua làm rõ điều này không? Anh bảo không yêu cầu.
Tòa cho biết, cơ quan điều tra dưới sự giám sát của viện kiểm sát, trong quá trình điều tra làm rõ vụ án, xác minh vụ việc, lấy lời khai các nhân chứng, gặp gỡ những người có liên quan, khám nghiệm hiện trường…thì không nghe gì về vấn đề này.
“Bị cáo Chi lúc đầu đi ra với thiện chí rất tốt. Nhưng không ngờ hai bên lại xảy ra bất đồng dẫn đến việc đáng tiếc xảy ra. Bị cáo có lỗi, nên mới có phiên tòa hôm nay. Nhưng làm sao, để sau phiên tòa này, hai gia đình có thể giữ được hòa hiếu”.
Bị cáo bưng mặt khóc suốt phiên xử |
Bất ngờ về nguồn cơn mâu thuẫn
Mẹ chồng bị cáo khai, bà ngồi chơi ở quán người hàng xóm. Nhìn thấy bị hại đi tới thì bà nở nụ cười. Đều là xóm giềng quen biết với nhau, gặp nhau thì cười chào. Ai ngờ bị hại cứ nhảy chồm lên chửi.
Chửi rồi thì thôi đi, bị hại còn vác ghế đòi đánh. Bà vào nhà ngồi. Nhưng nghe bị hại cứ chửi mãi, chửi mãi. Bà sợ mấy đứa con trai nghe thấy, chạy ra đánh nhau thì to chuyện. Nên bà đành ra trước nhà. Bắt ghế ngồi đó cho bị hại chửi. Nghĩ là bị hại chửi chán sẽ bỏ về. Chứ không ngờ chuyện lại thành như hôm nay.
Một nhân chứng có mặt tại tòa cũng xác nhận, mình là người chứng kiến mọi việc. Bà này khai, mẹ chồng bị cáo chỉ có ý cười chào bị hại. Nhưng bị hại lại nổi sùng lên bảo: “O cười cái chi?”, “O cười ngạo tui phải không?”. Có ai ngờ, một nụ cười chào nhau, vốn dĩ là thân thiện, lại khởi nguồn cho một cuộc xô xác đến nỗi phải một mất một còn.
Nhà bị hại có 7 anh em. Nhưng tất cả đều đi làm ăn xa, cuộc sống nơi đất khách quê người cũng khó khăn vô cùng. Ở quê, chỉ có mình bị hại ở với ba mẹ. Bị hại không có vợ con, nên cha mẹ già đều do một tay anh phụng dưỡng. Mỗi ngày, 3 giờ sáng bị hại đã trở dậy đi lượm ve chai. Đó là kế sinh nhai của anh và cha mẹ. Bị hại hiền lành. Nhưng lại hay uống rượu. Mỗi khi rượu say, thì gặp ai cũng chửi. Nhưng hết rượu, thì người cũng trở lại bình thường.
Sau khi bị hại mất, gia đình phải vay mượn tiền để lo tang lễ. Đến nay nợ vẫn chưa trả hết. Gia đình bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường 65 triệu đồng. Bị cáo mới bồi thường 21 triệu.
Tòa hỏi chồng bị cáo có đồng ý thay vợ bồi thường không? Người đàn ông run run đứng dậy, lập ba lập bập bảo anh sẽ đứng ra thay vợ mình bồi thường. Nhưng xin hội đồng xét xử và gia đình bị hại cho anh được bồi thường dần dần. Gia đình nghèo, không có tiền để “chồng” một lúc. Chồng bị cáo vừa nói vừa run. Hai tay cứ lẩy ba bẩy bẩy. Tòa cho ngồi xuống, anh với chai nước uống để lấy lại bình tĩnh. Chai nước rung bần bật trên tay người đàn ông, thiếu chút nữa thì đổ hết lên áo.
Mẹ nạn nhân xin giảm án cho bị cáo
Anh trai bị hại bảo phải bồi thường một lần, chứ không chịu nhận tiền lắt nhắt. “Gia đình tui mất người. Giờ còn phải đổ nợ vì vay mượn tiền lo ma chay cho em tui đến nay vẫn chưa trả hết. Tôi muốn lấy tiền một lần để mang trả nợ. Một ngày chưa trả được nợ, nhà tui còn phải è lưng ra trả tiền lời”.
Do anh trai bị hại được cha mẹ ủy quyền (ủy quyền tại tòa) tham gia tố tụng, nên tòa hỏi anh có đồng ý xin giảm nhẹ cho bị cáo không, vì tại cơ quan điều tra, cha mẹ anh đã có yêu cầu xin giảm nhẹ cho bị cáo. Người đàn ông bảo, nhà bị cáo phải bồi thường tiền một lúc, anh mới xin giảm nhẹ mức án cho. Không bồi thường một lần, anh không xin.
Tuy nhiên, người mẹ lại đứng dậy xin giảm án cho bị cáo: “Con tui cũng chết rồi. Có đi tù lâu mấy thì hắn cũng không sống lại. Mà con bé còn trẻ, con cũng còn nhỏ dại. Xin tòa giảm nhẹ mức án, để con bé sớm về với chồng con”.
Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù. Anh trai bị hại chồm lên, bảo viện đề nghị vậy là “ép” gia đình mình. Mức án như đề nghị là nhẹ quá. Người mẹ lại lần nữa đứng dậy, đề nghị tòa giảm nhẹ án cho bị cáo.
Con gái bị cáo cho biết, mẹ em bán hến ngoài chợ. Ba đi may thuê cho người ta. Nhưng mấy năm trước vì mắt ba yếu quá, chẳng thể xâu kim được nên đành ở nhà. Tay chân cũng yếu hẳn, nhiều khi cứ run lẩy bẩy. Cả gia đình 5 người (bị cáo có 3 đứa con. 1 đứa 20 tuổi, 1 đứa chưa đủ 18 tuổi và 1đứa 6 tuổi) đều phải trông cậy hết vào đôi vai của mẹ. Bị cáo chính là trụ cột trong gia đình.
“Lần nào vô trại thăm mẹ, mẹ cũng lo lắng cho mấy cha con ở nhà. Mẹ cứ dặn tới dặn lui ba đừng buồn, phải giữ sức khỏe. Mẹ ở trong trại không lo cho bản thân, mà chỉ lo mấy cha con ở ngoài không có mẹ chăm sóc”, cô bé ứa nước mắt. Cô bé bảo sau phiên tòa, sẽ tìm mọi cách đi vay mượn, để giúp mẹ bồi thường. May ra sau này mẹ còn được giảm án sớm trở về.
Sau khi nghị án, tòa tuyên bị cáo mức án 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo nhanh chóng bị cảnh vệ dẫn giải ra xe. Chồng bị cáo run run len qua đám đông cố đến gần vợ hơn một chút, miệng trễ xuống đầy van nài: “Cho tui nói với vợ mấy câu”. Nhưng loáng một cái, người vợ đã bị dẫn giải lên chiếc, khi anh còn chưa kịp nói với vợ câu nào. Chiếc xe bít bùng nhanh chóng rời khỏi sân tòa. Để lại người đàn ông đứng tần ngần nhìn theo bóng chiếc xe đã mất hút phía xa xa.