Tại phiên tòa phúc thẩm, bà nói trong tiếng khóc đầy đau đớn, đôi vai rung rung theo từng tiếng nấc nghẹn ngào: “Cả ba đứa trẻ còn quá nhỏ. Các cháu còn có tương lai phía trước. Án có nặng mấy, cháu của tôi cũng không thể sống lại được. Xin tòa cho cả ba cháu một con đường về. Xin giảm nhẹ mức án cho các cháu”.
Một phút quá khích, mất một mạng người
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “giết người” do TAND cấp cao Đà Nẵng tiến hành. Ba bị cáo trong vụ án là Phan Ngọc Bảo (22 tuổi), Đinh Nguyên Kiệt (17 tuổi) và Cao Tiến Hoàng (22 tuổi, đều ngụ TP Đà Nẵng). Bị hại trong vụ án là Nguyễn Anh Phúc (22 tuổi, cùng ngụ Đà Nẵng).
Vụ án thể hiện, vào khoảng 7h tối ngày 17/1/2017, bị cáo Kiệt va quẹt xe mô tô với một nam thanh niên tại ngã ba Lê Duẩn – Lý Thái Tổ, Đà Nẵng. Giữa Kiệt và nam thanh niên này sau đó xảy ra gây gổ đánh nhau. Kiệt liền gọi điện cho bị cáo Bảo đến trợ giúp. Bảo rủ thêm Hoàng cùng đi. Cả hai cầm theo 1 con dao găm và một cây ba trắc.
Bảo và Hoàng chạy xe đến trước số nhà 367 đường Lê Duẩn thì gặp Kiệt. Kiệt chỉ tay về phía “đối thủ”, “tố cáo” với Bảo và Hoàng đó là kẻ tông xe mình. Bảo và Hoàng đuổi đánh người này. Nam thanh niên chạy vào nhà nạn nhân Nguyễn Anh Phúc (ngụ số nhà 367 Lê Duẩn) nấp, nên Bảo liền chở Hoàng chạy đi.
Anh Phúc lúc này mới ngủ dậy, thấy nam thanh niên liền hỏi có việc gì thì được kể do va quẹt xe nên bị một số thanh niên đuổi đánh. Phúc bảo người “lánh nạn” ở đó, để Phúc giải quyết cho.
Khi Phúc đi xuống trước nhà thì gặp Kiệt. Hai bên lời qua tiếng lại, Kiệt xông vào đánh Phúc. Phúc và Kiệt vật nhau trước nhà. Lúc này Bảo chở Hoàng quay lại. Bảo ngồi trên xe. Còn Hoàng cầm cây ba trắc xông vào định đánh Phúc thì được một người hàng xóm can ngăn, giằng co với.
Phúc đang vật nhau với Kiệt dưới đất. Sau khi vùng thoát ra khỏi sự kìm kẹp của Kiệt, Phúc liền chạy vào trong nhà lấy ghế nhựa ném về phía Kiệt, rồi cầm một thanh sắt dùng để treo quần áo đập vào đuôi xe của Bảo. Thấy vậy, Bảo rút dao găm thủ trong người ra. Nhìn thấy con dao lóe lên trong tay Bảo, Phúc nhanh chân bỏ chạy vào nhà, nhưng mới chạy đến được cầu thang thì Bảo đã đuổi đến, đâm liên tiếp hai nhát vào vùng lưng của Phúc. Sau đó Kiệt, Bảo, Hoàng rời khỏi hiện trường.
Hậu quả, anh Phúc tử vong tại chỗ. Nguyên nhân cái chết là do mất máu, trụy tim mạch, suy hô hấp do vết thương xuyên lồng ngực làm đứt động mạch chủ, phổi. Sau khi biết tin nạn nhân đã chết, Bảo điện thoại cho Kiệt cùng Hoàng ra công an đầu thú.
Giết người, hay gây rối trật tự công cộng?
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Đà Nẵng xét xử, luật sư (được chỉ định) bào chữa cho bị cáo Kiệt không thống nhất về tội danh “giết người” mà VKS truy tố. Luật sư cho rằng Kiệt chỉ có hành vi gây rối trật tự công cộng, vì vậy đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Kiệt không phạm tội giết người.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng thì có ý kiến, bản cáo trạng của VKS chỉ lướt qua hành vi của người bị hại và không chứng minh người bị hại có một phần lỗi. Luật sư không thống nhất quan điểm của VKS xác định bị cáo Hoàng đồng phạm về tội danh giết người. Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để truy tố, xét xử bị cáo về một tội danh khác.
Riêng luật sư bào chữa cho bị cáo Bảo thống nhất về tội danh mà VKS đã truy tố. Hoàn cảnh gia đình của Bảo rất khó khăn nhưng bị cáo đã tác động gia đình khắc phục bồi thường một phần cho gia đình bị hại. Bị cáo đã đi đầu thú, thành khẩn khai báo, cũng đã ăn năn, hối cãi, vì vậy luật sư đề nghị HĐXX chiếu cố giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.
Tòa sơ thẩm nhận định, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo không có mâu thuẫn gì với người bị hại nhưng đã vô cơ gây xích mích, đuổi đánh người đi đường và dùng dao, gậy ba trắc làm hung khí nguy hiểm để gây thương tích và tước đoạt tính mạng của nạn nhân Phúc. Theo tòa, viện kiểm sát truy tố cả ba bị cáo về tội danh “giết người” là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đối với bị cáo Bảo, đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, đâm liên tiếp hai nhát vào lưng bị hại, nên phải áp dụng tình tiết tăng nặng, cần phải cách ly ra khỏi xã hội thời gian dài. Bị cáo Kiệt là người khởi xướng, rủ rê các bị cáo khác phạm tội, đồng thời bị cáo cũng là người gây gỗ đánh nhau với bị hại. Bị cáo Hoàng tham gia đồng phạm với vai trò giúp sức.
Khi nghe bị cáo Bảo rủ đi đánh nhau, thì bị cáo Hoàng tích cực tham gia, mang theo gậy ba trắc xông vào đánh người bị hại, thể hiện tính côn đồ không kém bị cáo Kiệt và bị cáo Bảo. Mặc bị cáo Kiệt tuổi vị thành niên phạm tội, nhưng bị cáo tham gia tích cực nhất trong vụ án. Vì vậy cần phải xử phạt bị cáo Kiệt và bị cáo Hoàng mức án tương xứng bằng nhau.
Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Bảo mức án tù chung thân, bị cáo Kiệt và bị cáo Hoàng cùng nhận 13 năm tù giam. Cả ba bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại 169 triệu đồng. Do là người trực tiếp gây ra cái chết cho người bị hại, nên tại tòa bị cáo Bảo đã tự nguyện chấp nhận bồi thường 2/3 số tiền.
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả ba bị cáo đều kháng án. Bị cáo Bảo và bị cáo Kiệt kháng cáo xin giảm nhẹ mức án. Bị cáo Hoàng kháng cáo xin thay đổi tội danh.
Hoàn cảnh bất hạnh của nạn nhân
Phiên tòa phúc thẩm do TAND cấp cao Đà Nẵng xét xử. Tại phiên tòa, cả ba bị cáo đều giữ nguyên phần kháng cáo, riêng bị cáo Hoàng bổ sung xin giảm nhẹ mức án. Gia đình người bị hại cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án cho cả ba bị cáo.
Trong khi cha mẹ ba bị cáo kéo khuôn mặt ủ dột đến tòa, khuôn mặt của người cô ruột bị cáo (được cha mẹ bị cáo ủy quyền) còn buồn bã, đau xót gấp bội. Cha mẹ Phúc ly hôn khi Phúc còn rất nhỏ. Đứa cháu trai này, do chính một tay bà nuôi lớn. Tính cách Phúc rất hòa nhã, hiếu thuận, ngoan hiền, lại vô cùng siêng năng chăm chỉ. Hằng ngày, sau giờ học, Phúc thường ở nhà phụ giúp công việc giặt ủi của gia đình.
Khi gặp nạn đến nỗi phải vong mạng, Phúc đang là sinh viên khoa xây dựng dân dụng của trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, ôm ấp giấc mơ ngày mai sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng. Chỉ còn hai ngày nữa, là Phúc sẽ thi môn cuối cùng của học kỳ, rồi sẽ được nghỉ Tết. Vậy mà…
Người cô ruột của bị hại mặt mày đau đớn, xót xa, đôi mắt u ám nhìn cả ba bị cáo đứng trên vành móng ngựa. Trong ánh mắt ấy có đau đớn, có oán hận, có buồn bã…, đủ thứ cảm xúc trộn lẫn.
Bà tâm sự đứa cháu trai bất hạnh đã ra đi hơn nửa năm nay, nhưng nỗi đau trong lòng bà chưa có một ngày nào dịu xuống. Nhiều lúc cũng muốn kẻ gây ra cái chết đau đớn cho cháu mình phải trả cái giá thật đắt, mạng phải đền mạng.
Nhưng cả ba bị cáo đều còn rất trẻ, có người còn trẻ hơn cả cháu bà. Đau đớn trong lòng như đâm nát con tim, nhưng bà cũng không muốn những đứa trẻ kia (chữ dùng của bà) phải chôn chân suốt đời trong nhà giam, cả đời không thấy lại ánh sáng mặt trời.
Cháu đã mất. Một mạng người đã ra đi. Có đền bao nhiêu cũng không đổi được. Bà muốn cho ba đứa trẻ kia có cơ hội làm lại cuộc đời. Ở dưới suối vàng, cháu của bà chắc cũng thuận ý.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà nói trong tiếng khóc đầy đau đớn, đôi vai rung rung theo từng tiếng nấc nghẹn ngào: “Cả ba đứa trẻ còn quá nhỏ. Các cháu còn có tương lai phía trước. Án có nặng mấy, cháu của tôi cũng không thể sống lại được. Xin tòa cho cả ba cháu một con đường về. Xin giảm nhẹ mức án cho các cháu”.
Thoát án chung thân
Trong cả ba bị cáo, bị cáo Hoàng có lẽ là nghèo nhất. Gia đình Hoàng thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Cha mẹ chật vật làm thuê làm mướn không có thời gian chăm sóc con, từ nhỏ Hoàng cùng 2 người em phải sống ở nhà bà ngoại. Bà ngoại Hoàng đã già yếu, mỗi bước đi điều nặng nề như không cất nổi chân.
Bà bảo mình mới rời giường mổ chưa đầy một tháng, đi lại vẫn còn khó khăn, nhưng hôm nay vì cháu trai ra tòa, nên nhất định muốn đến tòa, để nhìn qua cháu trai một cái. Đôi mắt già nua của bà lão ầng ậc nước mắt. Bà bảo, cũng còn may vì gặp gia đình bị hại là người tốt, vô cùng khoan dung, nên cháu trai bà mới có thêm tia hy vọng được giảm án.
Luật bào chữa cho bị cáo Bảo cho rằng, trong mỗi vụ án mạng xảy ra, điều có nguyên nhân. Nguyên nhân Bảo cầm dao đâm bị hại là gì? Bảo và bị hại vốn không có mâu thuẫn. Khi xảy ra xô xát giữa bị hại và bị cáo Kiệt, Bảo vẫn ngồi trên xe máy của mình, không có manh động. Nhưng vì bị hại dùng gậy chạy về phía Bảo, đánh nát phần đuôi xe của Bảo, mới khiến Bảo nảy sinh bực tức. Do đó, án mạng xảy ra, cũng có một phần lỗi của bị hại. Luật sư đề nghị tòa phúc thẩm giảm nhẹ mức án cho bị cáo Bảo, để bị cáo có cơ hội trở về.
Do sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị cáo đã tiếp tục bồi thường hết số tiền mà tòa tuyên. Phía gia đình bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ mức án. Tòa phúc thẩm nhận thấy án chung thân đối với bị cáo Bảo mà cấp sơ thẩm tuyên phạt là quá nặng, cần phải giảm xuống mức án có thời hạn là phù hợp. Cả hai bị cáo Kiệt và Hoàng cũng cần được giảm một phần mức án.
Theo tòa, tuy bị cáo Hoàng không lường được hậu quả, nhưng đã ủng hộ về tinh thần, giúp sức về tinh thần. Do đó bị cáo Hoàng là đồng phạm trong vụ án là hoàn toàn đúng, vì vậy cần phải giữ nguyên tội danh.
Tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ mức án của ba bị cáo, tuyên phạt bị cáo Bảo 20 năm tù giam, bị cáo Hoàng 11 năm tù giam, bị cáo Kiệt 10 năm tù giam. Cha mẹ bị cáo lục tục rời tòa, trên mặt là nét buồn bã, nhưng trong mắt có chút niềm vui hoan hỷ vì con được giảm nhẹ mức án. Nhất là mẹ Bảo, không giấu nổi vui sướng mà òa lên nức nở khóc. 20 năm, hết một đời tuổi trẻ, nhưng rồi con bà cũng sẽ được trở về./.