[links()] Tuy không được công nhận trong luật pháp, nhưng việc ly thân đang diễn ra trong thực tế, với các chuyên gia tâm lý và luật học, vấn đề này cần hết sức được lưu tâm điều chỉnh.
Luật sư, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Hương (Trung tâm tư vấn tâm lý Minh Hương, Hà Nội):
Ly thân cũng cần cách ứng xử nhân văn!
Ai cũng biết, khi tình yêu không còn thì ly hôn là giải pháp tốt nhất nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh mà có những đương sự phải lựa chọn phương án ly thân. Đây hoàn toàn không phải là giai đoạn tiền ly hôn mà chỉ là cách để hai người lắng lại lòng mình, tìm giải pháp cho cuộc hôn nhân của chính mình.
Tôi vẫn thường hay khuyên các khách hàng đến Trung tâm tư vấn tâm lý rằng, đừng vì tự ái, sĩ diện, hay vì lòng ích kỷ cá nhân mà cố thủ trong cuộc hôn nhân chết để “hành hạ” đối phương, để rồi tự đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu, ngang trái. Nếu buộc phải chọn sống ly thân, thì các bạn hãy sống, cư xử với nhau sao cho có văn hóa, nhân văn.
Cách cư xử nhân ái, nhân văn trước hết thể hiện ở việc chúng ta phải biết trân trọng giá trị của chính bản thân mình. Tôi cho rằng nếu các cặp vợ chồng ly thân biết ứng xử nhân văn với nhau thì xã hội sẽ bớt đi những hệ lụy phát sinh như bạo hành, ghen tuông, thù hận...
Thẩm phán Nguyễn Thị Thủy (TAND quận Hoàng Mai, HN):
Phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em!
Khi hôn nhân không trọn vẹn, dù người trong cuộc chọn giải pháp ly hôn hay ly thân, thì phụ nữ và trẻ em đều là người chịu mọi đau khổ, thiệt thòi. Quá trình làm công tác xét xử của mình, tôi đã gặp nhiều cảnh ngộ thương tâm.
Sau khi ly thân thì người chồng tự do chơi bời, dồn mọi gánh nặng nuôi dạy con cái lên vai cô vợ ốm yếu bệnh tật, trường hợp này, buộc anh chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đã khó, yêu cầu anh ta phải có trách nhiệm với cô vợ ốm yếu tội nghiệp càng khó muôn phần. Đương sự sống ly thân chứ không ly hôn, không yêu cầu chia tài sản nên tòa không thể giải quyết, can thiệp. Thương lắm mà chẳng biết làm sao!
Nỗi xót thương, ám ảnh này càng nhân lên khi chúng tôi liên hệ từ các vụ ly hôn, ly thân đến các vụ án thanh, thiếu niên phạm tội. Rõ ràng có mối quan hệ nhân quả ở đó khi mà hầu hết các vụ trẻ em phạm pháp đều có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, bố mẹ mất sớm, bố mẹ ly hôn hoặc ly thân… Tôi cho rằng cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, khi tổ ấm gia đình họ bên bờ vực thẳm.
Luật sư Nguyễn Thị Xuân Thu (ĐLS Hà Nội):
Cần bổ sung chế định về ly thân!
Xã hội càng phát triển thì con người càng có ý thức hơn, càng đề cao vấn đề mưu cầu hạnh phúc và giá trị hạnh phúc trong hôn nhân. Cùng với tình trạng ly hôn gia tăng, các vụ ly thân cũng diễn ra nhiều hơn và có xu hướng phụ nữ chính là người khơi mào, khởi xướng. Khi mà người vợ đã đặt vấn đề ly thân hoặc ly hôn, tôi nhận thấy rằng tình trạng cuộc hôn nhân đó rất trầm trọng, khó cứu vãn- chứng tỏ đã quá với sức chịu đựng vốn kiên trì, bền bỉ của phái nữ.
Pháp luật hiện chưa có quy định điều chỉnh vấn đề ly thân, đương nhiên Luật Hôn nhân gia đình chưa có chế định ly thân. Từ đây nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp còn “bỏ ngỏ”, đơn cử như quan hệ ngoài vợ ngoài chồng khi đã ly thân có phạm pháp hay không; giữa vợ/chồng có phát sinh các nghĩa vụ về ly thân cấp dưỡng, chăm sóc trong thời gian ly thân hay không; hoặc trường hợp bị vợ/chồng cưỡng bức tình dục giải quyết thế nào? Tôi cho rằng, xuất phát từ những bất cập phát sinh trong thực tế, chế định ly thân cần được bổ sung vào Luật Hôn nhân và gia đình tới đây để theo kịp với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Quỳnh Anh (ghi)