Giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc
Đó là một căn nhà gỗ 3 gian, 2 chái, nằm trong khuôn viên vườn rộng hơn 4 ha. Toàn bộ ngôi nhà và vườn nằm gọn trên một sườn đồi cao hơn những căn nhà xung quanh khoảng 50m, hướng ra cánh đồng lúa. Phía trước ngôi nhà có bể cá và vườn cây cảnh. Con ngõ hẹp từ phía chân đồi dẫn vào nhà được dựng bờ đá và trồng cây chè tàu 2 bên trông rất đẹp và thơ mộng.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoan - chủ nhân ngôi nhà cho biết, ông là đời thứ tư làm chủ căn nhà này. Chủ nhân đầu tiên là cụ cố của ông Hoan, cụ Nguyễn Đình Hoằng, từng giữ chức Cửu phẩm bá hộ thời phong kiến. Ngôi nhà rộng hơn 100 mét vuông, làm hoàn toàn bằng lõi gỗ mít rừng với khối lượng gỗ lên đến hàng trăm mét khối, được gom từ nhiều nơi.
Thời ấy, cụ Hoằng đã thuê các nghệ nhân giỏi từ làng mộc Văn Hà (nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) lên làm ròng rã trong suốt 3 năm mới hoàn thành. Đến nay đã gần 200 năm, căn nhà vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả vật dụng bên trong như bàn ghế, sập vẫn còn chắc chắn.
Ngôi nhà này được nhiều nhà nghiên cứu và giới sưu tầm khẳng định là độc nhất vô nhị về kiến trúc, họa tiết, có kiến trúc nhà rường Quảng Nam. Nhà gồm 36 cây cột chính, trong đó 8 cây cột nhất nguyên cây gỗ mít ròng, chu vi cột bằng một vòng tay người ôm. Ngoài ra có 16 cây cột nhì, 12 cây cột chái.
Các đầu vì kèo, xuyên, trính, pa-nô, mặt trám đầu hồi... đều được chạm trổ công phu. Các đầu kèo, đuôi kèo được trang trí hình con dao và lá cúc cách điệu. Phần bụng kèo là hình nổi chim trĩ, tùng lộc, nho - sóc, hoa lan, hoa mai, hoa cúc, quả điệp... tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Ông Nguyễn Đình Hoan, chủ nhân ngôi nhà. |
Hai phía đầu hồi gần nóc nhà được được chạm trổ hình cuốn thư khiến nhiều người kinh ngạc về trình độ điêu khắc mộc ngày xưa; hình bát quái được điêu khắc đặt tại gian giữa để trừ tà; bộ ấp quả với hình ảnh quả bí ngay tại gian giữa để cầu mong gia đình có cuộc sống đủ đầy. Các vật dụng trong nhà như án thờ, bàn thờ, liễn thờ, câu đối, bàn khách, bàn xoay bằng gỗ cũng được chạm trổ công phu với những đường nét tinh xảo, đẹp mắt.
Không chỉ có kiến trúc, họa tiết độc đáo, ngôi nhà này còn được dựng trên khu đất có vị thế đắc địa về phong thủy. Đứng từ xa, ngôi nhà tựa lưng vào núi Gò Tròn, phía trước nhà là dãy núi Hòn Ngang làm bình phong che chắn. Bước qua ngõ đá rêu phong là vũng Trâu Lội - nơi gặp nhau giữa hai con suối nhỏ. Lên từng bậc cấp của ngõ vào nhà, một bên hàng chè tàu cắt tỉa thẳng tắp, một bên xếp đá, qua thời gian đã phủ rêu xanh ngắt, trông rất đẹp. Xung quanh khu vườn có nhiều cây xanh cổ thụ rợp bóng mát.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, trong số gần 10 ngôi nhà cổ được bảo tồn tại làng Lộc Yên, căn nhà của ông Hoan là đẹp nhất, nó đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. "Ngôi nhà quá đẹp về nhiều phương diện, cần được bảo tồn chặt chẽ".
Vua cũng không thể mua được
Theo lời kể của chủ nhân ngôi nhà và những vị cao niên làng Lộc Yên, căn nhà của cụ Hoằng không chỉ nổi tiếng vì đẹp, mà còn vì có một giai thoại gắn liền với nó. Ấy là, người đứng đầu nhà nước thời bấy giờ là tổng thống Ngô Đình Diệm thấy ngôi nhà đẹp tìm mọi cách để mua nhưng chủ nhân nhất quyết không bán.
Chuyện kể rằng, năm 1939, lúc đó ông Ngô Đình Diệm là thượng thư, vào thăm anh trai Ngô Đình Khôi đang làm Tổng đốc Nam Ngãi (nay là 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi), nghe tiếng ngôi nhà này đẹp đã tìm đến xem và thương lượng mua cho bằng được.
Ông Hoan được cha mình là ông Nguyễn Huỳnh Anh kể lại rằng: Vào một buổi trưa, cả làng Lộc Yên nhốn nháo khi Tri huyện Tiên Phước Phạm Xuân Chánh dẫn đầu đoàn người ngựa đi trước, phía sau là Thượng thư Ngô Đình Diệm. Vào đến nhà, ông Chánh nói thẳng: “Cụ thượng thư muốn mua lại căn nhà, bao nhiêu tiền cũng trả!”.
Ông Anh dứt khoát từ chối rồi chỉ lên câu đối treo trên cột nhà và đọc to, đại ý rằng căn nhà do ông cố để lại, được dựng lên từ phước đức ông bà không thể bán được. Sau một buổi thuyết phục nhưng không được chủ nhân, trưa hôm đó ông Ngô Đình Diệm nghỉ ngay trên bộ phản để trong nhà, đem thức ăn tự mang theo ra ăn rồi về. Đến năm 1960, khi đã làm tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa, Ngô Đình Diệm một lần nữa nhờ quận trưởng Tiên Phước đến mua nhưng cũng bị ông Anh từ chối thẳng thừng.
Đến năm 1962, ông Diệm nhờ người mặc cả một lần nữa. Lần này ông Diệm ra giá rất cao để đổi lấy căn nhà đẹp. Ông Diệm hứa sẽ xây nhà cửa cho ông Anh, ở bất cứ nơi đâu, nhà to cỡ nào tùy thích và được bù thêm một khoản tiền lớn. Thế nhưng ông Anh vẫn cương quyết chối từ.
“Không mua được nhà cho tổng thống, quận trưởng nhiều lần chèn ép ba tôi rất ghê. Khi thì gọi xuống huyện để nói chuyện, khi thì dọa nếu không bán nhà thì gia đình sẽ không được yên ổn. Quận trưởng còn nói, nếu không chịu bán nhà sẽ đày con cái đi lính xa, thu hồi đất đai ruộng vườn. Mặc cho quận trưởng hù dọa, ba tôi vẫn quyết giữ ngôi nhà”, ông Hoan nói.
Chuyện lão nông "cứng đầu" không chịu bán nhà cho tổng thống nhanh chóng lan khắp vùng. Nhiều người từ xa nghe tiếng ùn ùn kéo đến xem căn nhà. Ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Tiên Phước cho biết, ông đã được nghe kể rất nhiều chuyện về nhà cổ của ông Hoan. Chuyện Ngô Đình Diệm nhiều lần tìm cách mua nhưng chủ nhân không bán là câu chuyện có thật chứ không chỉ là giai thoại. Trong hồ sơ để công nhận di tích đối với ngôi nhà cũng có đề cập chuyện này.
Trải qua hàng trăm năm, những giá trị kiến trúc, điêu khắc của ngôi nhà này vẫn được bảo tồn, chỉ hư hỏng vài chi tiết nhỏ, còn các cột chính, xà gồ không hư hỏng. Càng để lâu, gỗ mít chuyển sang vàng đỏ, trơn bóng trông rất đẹp. “Nó là báu vật của cha ông để lại cho tôi. Cách đây 8 năm, ba tôi qua đời, trước lúc nhắm xuôi tay ông gọi con cháu đến và căn dặn kỹ càng: Sau này có nghèo đói, nhà xuống cấp, không có tiền tu sửa thì để đó cho nó sập. Có tiền tỷ, gánh vàng cũng không được bán.”.
Mới đây, được Nhà nước hỗ trợ, gia đình đã sửa lại một số chi tiết nhỏ bị mối mọt. Để giữ vẻ đẹp nguyên bản của nó, ông Hoan không dùng sơn. Ngoài ngôi nhà, các vật dụng trong gia đình vẫn còn giữ nguyên vẹn, từ bộ bàn ghế, bộ phản đều làm bằng gỗ mít, trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều đồ vật quý giá như bàn gỗ xoay, giường tủ…
Nói về hoàn cảnh gia đình, ông Hoàn chia sẻ: Cuộc sống gia đình tôi ở mức trung bình, làm vừa đủ ăn. Vợ làm giáo viên dạy cấp 1, còn tôi bám lấy khu vườn rộng 2 ha trồng cây ăn quả và một ít diện tích trồng keo tràm, nuôi 3 người con ăn học.
Nhiều lúc cuộc sống khó khăn nhưng chưa một lần nào ông Hoan nghĩ đến việc bán nhà. Từ ngày thừa kế ngôi nhà, có nhiều đại gia săn lùng nhà cổ tìm về đây ngã giá tiền tỷ nhưng ông Hoan không bán. Dù có nghèo khó thì ngôi nhà là kỷ vật của cha ông để lại, nên ông quyết giữ.
“Sau này tôi qua đời thì con cháu tôi tiếp tục gìn giữ nó, ngôi nhà sẽ được truyền tay nhau để trông coi bảo vệ hết sức cẩn thận vì đó là nơi thờ phụng tổ tiên gia đình”, chủ nhân của ngôi nhà chia sẻ.