Sau sóng gió lớn nhất của một gia đình là phiên tòa ly hôn, thì rất có thể, những câu chuyện liên quan đến cuộc đời, quyền lợi của những đứa con lại kéo đôi bên vào cuộc chiến pháp lý mới…
Hình minh họa |
Đổi họ để khỏi xa con
Trong một lần trò chuyện với cán bộ tư pháp phường P. ở thành phố Hải Phòng, người viết bài này đã được nghe câu chuyện có thật 100% dưới đây về một người phụ nữ khăng khăng đổi họ cho con về với họ mình vì sợ nhà chồng bắt mất con.
Sáng đó, còn sớm lắm, chỉ mới khoảng gần 7 giờ, vừa bước chân vào trụ sở phường, cán bộ tư pháp đã nhìn thấy hai mẹ con người phụ nữ. Đứa con gái bé bỏng, xinh xắn, tuổi khoảng chừng chuẩn bị vào lớp 1, còn người mẹ, không già, không trẻ nhưng nét mặt buồn bã với đôi mắt đậm quầng thâm. Họ là người đầu tiên cán bộ tư pháp tiếp trong buổi sáng đó. Người mẹ xin làm thủ tục đổi họ cho con gái từ họ bố về họ mẹ. Nhưng trong hồ sơ của chị lại không có giấy tờ thể hiện sự đồng ý của người bố. Cán bộ tư pháp giải thích rằng, theo quy định pháp luật tôn trọng việc bố mẹ thỏa thuận để quyết định lấy họ mẹ hay họ bố khi khai sinh. Nhưng ở đây, bé đã khai sinh 6 năm nay theo họ bố nay muốn đổi họ mẹ thì bố mẹ phải thỏa thuận và có sự chứng minh thỏa thuận đó, nhất là trong trường hợp này bởi hai người đã ly hôn.
Chưa nghe dứt lời, người phụ nữ đã đỏ mặt to tiếng với cán bộ tư pháp rằng cô có quyền gì mà cấm tôi. Con tôi sinh ra tôi muốn đặt họ nào là quyền của tôi chứ. Tôi với lão ấy ly hôn rồi thì cớ gì tôi phải đi xin phép lão. Tòa cho tôi quyền nuôi con cơ mà. Nổi nóng chán, người phụ nữ lại òa khóc kể lể: “Cô biết không, đời tôi khổ lắm. Lấy phải ông con trai độc đinh của một dòng họ vô cùng phong kiến, khắc nghiệt. Ngày tôi mang thai con bé này, biết thai nhi là gái hết gia đình chồng, họ hàng chồng rủa xả tôi là không biết kiêng cữ, ăn uống, bấm giờ để sinh con trai.
Rồi họ đi xem bói, thầy bói phán vợ chồng tôi tuổi tý – mùi lấy nhau chỉ rặt con gái mà thôi. Thế là nhà chồng ép chồng tôi bỏ vợ, chồng tôi cũng nhẫn tâm nghe theo. Chúng tôi ra tòa khi con bé này mới chín tháng tuổi. Bao năm nay tôi vất vả khổ sở nuôi con. Giờ con bé sắp vào lớp một thì đánh đùng một cái bà nội nó lại tìm đến đòi nuôi để cho cháu học trường tốt gần nhà. Nhưng tôi biết sự thực là lão chồng tôi cũ lấy vợ mới uống thuốc lang trọc để sinh con trai thế nào mà giờ không còn khả năng có con nữa nên họ bắt con tôi. Tôi phải đổi họ cho con về họ mẹ để ngăn chặn họ làm thế”.
Đợi người phụ nữ bình tĩnh lại, cán bộ tư pháp đã giải thích trong quy định pháp luật chuyện thay tên đổi họ là điều có thể, không quá khó khăn nếu có lý do chính đáng (mà ở trường hợp này là thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại theo quy định tại Điều 29, Bộ luật Dân sự). Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm e Mục 1 Phần II của Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì khi đăng ký khai sinh, họ của con được xác định theo họ của người cha hoặc họ của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Do vậy, người mẹ nói trên có thể lấy họ của con theo họ của mình nếu chị ta và người chồng cũ thỏa thuận được với nhau. Vấn đề mấu chốt ở đây là cần có sự thỏa thuận của hai bên cha, mẹ. Nếu như một bên không đồng ý thì việc đổi họ sẽ khó thực hiện được.
Sau đó, cán bộ tư pháp không thấy người phụ nữ ấy quay lại nữa. Hẳn chị đã tìm ra cách giải quyết của riêng mình để bảo vệ con gái trước âm mưu của nhà chồng cũ thay vì chỉ là chuyện đổi họ đơn thuần.
Bố xấu – có cấm được gặp con?
Mới đây, Tòa án nhân dân quận H. thành phố Hà Nội tiếp nhận lá đơn của một người phụ nữ đề nghị Tòa can thiệp để hạn chế chồng cũ của chị tiếp xúc với cậu con trai 7 tuổi vì lý do lo sợ nhân cách xấu của người bố sẽ ảnh hưởng đến con.
Tìm gặp chị Nguyễn Minh V. ở khu tập thể NCT, Hà Nội, người gửi lá đơn nói trên, được biết chị và chồng cũ ngày trước ở cùng một khu phố. Trong khi chị được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng tốt nghiệp trung cấp kế toán thì anh là thành phần lêu lổng phá làng phá xóm nhưng được cái mã đẹp trai, dẻo miệng. Họ nên duyên chồng vợ cũng nhờ những điều ấy. Nhưng học vấn chênh nhau, công việc cũng lệch (chị kế toán của một công ty nhà nước, anh xe ôm) nên cuộc hôn nhân tan vỡ. Ngày ra Tòa con trai anh chị mới hơn 2 tuổi. Tòa án xử cho chị nuôi con. Biết anh kiếm tiền bấp bênh nên chị cũng không yêu cầu chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Tòa án ghi trong trích lục là tạm hoãn phụ cấp nuôi con của anh đến khi nào chị có yêu cầu, anh có quyền đến thăm con.
Thời gian gần đây, mỗi lần đến thăm con, chồng cũ của chị hay cho con đi chơi. Mỗi lần về trông mặt mũi thằng bé phấn khích chị đoán nó được đi chơi vườn thú, công viên là những chỗ nó thích. Nào ngờ một hôm cô giáo gọi chị đến trường gặp. Cô cho biết, trong lớp con gái chị dạo này hay bá vai bá cổ bạn gái và thơm lên má bạn. Hỏi con thì con trả lời bắt chước bố làm thế ở trong quán, hỏi chồng cũ quán gì thì có câu trả lời: “À thằng bé thích hát nên tiện đi với lũ bạn anh dẫn nó vào quán karake ôm ấy mà”. Chị chết đứng. Trong lá đơn gửi ra Tòa thậm chí không chỉ hạn chế mà chị còn bày tỏ nguyện vọng vì chị đã không yêu cầu anh cấp dưỡng nên chị cũng không muốn anh đến thăm con nữa, con như cắt đứt hẳn.
Câu chuyện của chị V. không phải là hiếm gặp trong “tàng thư” các tình huống về hôn nhân gia đình. Theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 thì sau khi ly hôn, tuy chồng cũ chị V là người không trực tiếp nuôi con nhưng anh ta vẫn có quyền thăm nom con và quyền đó không bị cản trở bởi bất kỳ ai, điều gì. Tuy nhiên, trong trường hợp nói trên, chồng cũ chị V. đã lạm dụng việc thăm nom gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con của chị V. thì chị V. – là người trực tiếp nuôi con - có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng cũ.
Như vậy, mong muốn của chị V. là cắt đứt hẳn chuyện thăm nom của chồng cũ với con trai là chuyện không thể. Tòa án, trước những chứng cứ xác đáng của chị V. chứng minh việc chồng cũ thăm nom gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc con, chỉ có thể hạn chế quyền thăm nom con của anh ta mà thôi.
Linh Thụy