Nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá sốt ruột vì CK thế giới đã tăng điểm 20 - 40% trong thời gian qua, trong khi đó VN-Index lại diễn biến quá tẻ nhạt.
Tuy nhiên, sự tăng điểm của chứng khoán thế giới, đặc biệt là Mỹ có nguyên nhân chính không phải do tình hình kinh doanh khả quan và thất nghiệp giảm mà do chính sách bơm thêm tiền của Mỹ vào hệ thống.
Điều này đã làm cho các NĐT không muốn giữ tiền mặt mà chuyển sang đầu tư vào vàng, chứng khoán và các hàng hóa khác. Thế giới vẫn còn nhiều yếu tố có khả năng gây bất ổn kinh tế phía trước, hồi phục kinh tế chưa thể nhanh chóng.
Trong khi đó, nhiều NĐT cho rằng, chứng khoán tại thị trường Việt Nam đã trở nên quá rẻ, do vậy mới có hiện tượng các nhà NĐT ngoài mua ròng liên tục. Tuy nhiên vẫn không thấy các tổ chức và NĐT trong nước mặn mà với chứng khoán Việt Nam trong thời điểm này. Đâu là nguyên nhân?
Chứng khoán Việt Nam đắt hay rẻ?
Nếu đầu tư chứng khoán xét về mặt giá trị, nhà đầu tư chứng khoán giả sử mua cổ phiếu của một công ty niêm yết trên sàn với giá 1.0, cổ tức chia ít nhất phải là 20% thì mới đáng đầu tư hơn là họ đi gửi tiết kiệm, vì khi đầu tư chứng khoán còn phải chịu thuế chứng khoán, phí giao dịch. Một công ty muốn chia được lợi nhuận cho cổ đông là 20% thì lợi nhuận trước thuế của họ ít nhất phải đạt 30% (vì phải trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, phân bổ các quỹ).
Trong điều kiện kinh doanh bình thường, số lượng các DN đạt mức lợi nhuận nêu trên là không nhiều, chưa nói tới việc năm nay có nhiều DN kinh doanh gặp khó khăn hơn năm 2009.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của các DN năm 2009 như các yếu tố làm tăng đột biến về lợi nhuận không có nhiều như năm ngoái, hỗ trợ lãi suất không còn, lạm phát tăng cao hơn làm cho chi phí đầu vào của DN tăng, trong khi giá bán đầu ra khó tăng và thị trường xuất khẩu cũng chưa thể mở rộng.
Ngành tài chính và bất động sản, vốn là hai ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên TTCK, năm 2010 bị nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của hai ngành này.
Yếu tố vĩ mô khó lường!
Cuối năm thường là thời điểm nhiều yếu tố vĩ mô biến động khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, tỷ giá VND/USD khó giảm và vẫn còn những cơn sóng ngầm có thể dẫn tới tăng giá USD. Nhu cầu về ngoại tệ cho thanh toán mua hàng hóa nhập khẩu, trả nợ vay USD tăng cao, hơn nữa giá vàng tăng cũng làm cho một số lượng ngoại tệ nhất định dùng để nhập khẩu vàng.
Thứ hai, lạm phát không dễ kiềm chế. Giá cả của nhiều hàng hóa cuối năm thường tăng cao do nhu cầu tiêu thụ lớn, trong khi giá USD trên thế giới giảm mạnh so với đồng tiền các nước khác, nhưng không giảm so với VND. Điều này làm cho nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá, điển hình là xăng dầu và các hàng hóa thiết yếu khác phục vụ đời sống nhập từ Trung Quốc.
Thứ ba, lãi suất cho vay khó giảm. Để đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, mặc dù đã có nỗ lực rất lớn từ phía các ngân hàng, như với những quy định chặt chẽ hơn, lãi suất huy động đầu vào khó giảm.
Cùng với nhu cầu buộc phải tăng vốn điều lệ trong năm 2010, các NHTM Việt Nam khó có thể giảm mạnh được lãi suất vào những tháng cuối năm. Thông thường hàng năm lãi suất cho vay thường tăng lên do căng thẳng tiền tệ và chính sách siết chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Thứ tư, dòng tiền bị hạn chế. Ngoài điểm nhấn duy nhất là nỗ lực mua ròng của khối NĐT nước ngoài, thì dòng tiền mới từ các NĐT hầu như không có. Các tổ chức lớn và NĐT lớn cũng tương đối dè dặt trong việc giải ngân vào thời điểm này khi thị trường chưa có những yếu tố rõ ràng hỗ trợ cho sự tăng điểm.
Dòng tiền vào chứng khoán vẫn tiếp tục bị hạn chế bởi những quy định về siết chặt cho vay kinh doanh chứng khoán. Nguồn tiền của ngân hàng ưu tiên cho vay DN sản xuất kinh doanh. Sự tăng giá của vàng cũng là một kênh thu hút NĐT.
Trong khi đó, số lượng cổ phiếu lên sàn vào thời điểm cuối năm vẫn tiếp tục tăng, các quy định của Thông tư 19/2010/TT-NHNN sẽ có hiệu lực và có tác động thực sự tới thị trường vào những tháng cuối năm.
Theo Nguyễn Hồng Hải
Nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank
ĐTCK