Chuẩn bị chu đáo là bước khởi đầu quyết định tạo sức bật trong huấn luyện của đơn vị. Mỗi năm, Lữ đoàn trích vốn tự có hàng chục triệu đồng và huy động hàng nghìn ngày công bộ đội củng cố mô hình học cụ, thao trường, bãi tập, đồ dùng huấn luyện; quản lý sử dụng chặt chẽ ngân sách, xăng dầu cho huấn luyện, kiểm tra quy tắc an toàn trong sử dụng vật liệu nổ và các trang bị, phương tiện xe máy...
Đột phá vào công tác cán bộ, Lữ đoàn kịp thời điều chỉnh bổ sung sắp xếp, ổn định tổ chức biên chế, bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị có đủ số lượng cán bộ và năng lực thực hiện nhiệm vụ. 5 năm qua, Lữ đoàn đã tổ chức 18 lớp tập huấn các cấp cho hơn 750 lượt cán bộ, chú trọng đi sâu vào bồi dưỡng trình độ tổ chức và phương pháp huấn luyện, nhất là đối với cán bộ cấp phân đội.
Công tác giáo dục chính trị từng bước được đổi mới. Đến nay 100% cán bộ giảng dạy chính trị đều thực hành giảng bài bằng phương pháp truyền thống (viết bảng) kết hợp với trình chiếu power point. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng phong phú cả về nội dung và hình thức. Kết quả kiểm tra chính trị hàng năm cho các đối tượng tỉ lệ khá, giỏi đạt từ 79,2% trở lên, trong đó kiểm tra chính trị các lớp đối tượng Đảng, đảng viên mới đều đạt 100% khá, giỏi. Qua các đợt kiểm tra của Tổng cục Chính trị và Quân khu 5 về nhận thức của bộ đội, có 100% đạt yêu cầu, trong đó 79% trở lên đạt khá, giỏi. Đồng thời Lữ đoàn thực hiện có nền nếp các chế độ đọc báo, nghe đài, thông báo thời sự-chính trị, duy trì “Mỗi tuần học một điều luật”, “Ngày pháp luật”, “Ngày chính trị và văn hóa tinh thần”; thường xuyên nắm, dự báo, giải quyết có hiệu quả tư tưởng bộ đội.
Để huấn luyện sát thực tế chiến đấu, Lữ đoàn coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, tập trung huấn luyện các chuyên ngành vượt sông, cầu đường, thi công công trình, trận địa, sở chỉ huy và huấn luyện chiến sĩ mới; gắn lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính, tăng cường huấn luyện đêm và huấn luyện trong điều kiện phức tạp, rèn cho quân nhân thể lực bền bỉ, bản lĩnh, kỹ năng tác nghiệp vững vàng ở nhiều địa hình, thời tiết khác nhau.
Thiếu tá Đào Sỹ Thịnh - Chính trị viên Tiểu đoàn Vượt sông 25 - cho biết: “Các sự cố cần cứu hộ cứu nạn có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Bởi vậy, mục tiêu huấn luyện của đơn vị là làm cho cán bộ, chiến sĩ biết vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng và trang bị kỹ thuật vào từng công việc cụ thể để đem lại hiệu quả cao.
Đầu tháng 6/2016, nhận được mệnh lệnh của Quân khu về tham gia tìm kiếm, cứu nạn vụ lật tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng), Tiểu đoàn đã khẩn trương hành quân trong đêm vượt chặng đường 70 cây số, vừa đến nơi là triển khai ngay lực lượng lên các ca nô, phối hợp với ngư dân quận Sơn Trà chia hai mũi dàn hàng dọc lặn tìm xung quanh khu vực tàu chìm. Trong đợt tác nghiệp này, 1 tập thể và 2 cá nhân của đơn vị đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng Bằng khen”.
Với Trung tá Hà Duyên Long - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cầu đường 1- thì không thể xem nhẹ việc kết hợp giữa huấn luyện chuyên ngành với tổ chức các hội thi, hội thao nhằm nâng cao trình độ, phương pháp huấn luyện, tác phong của quân nhân. Nhờ vậy, tham gia Hội thao Công binh toàn quân năm 2016, Lữ đoàn đã đóng góp quan trọng để đội tuyển Quân khu 5 đạt giải Nhì khối Quân khu; tham gia diễn tập DT - 16, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn.
Cùng với chăm lo cho công tác huấn luyện, Lữ đoàn duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, các chế độ sinh hoạt, học tập, công tác trong ngày, trong tuần; tạo chuyển biến tiến bộ rõ nét về lễ tiết tác phong quân nhân, thực hiện nền nếp đi báo cáo, về báo công…
Thi đua huấn luyện giỏi, rèn luyện kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, Lữ đoàn Công binh 270 quyết tâm hoàn thành tốt vai trò là lực lượng chủ công của Quân khu 5 trong bắc cầu, làm đường, xây dựng công trình phòng thủ và ứng cứu khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng đơn vị ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...