Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường hôm qua có buổi làm việc liên quan đến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013.
Không được “bỏ qua” thống kê
Sau khi nghe Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (đơn vị được giao chủ trì soạn thảo) báo cáo, một vấn đề quan trọng được nhiều ý kiến quan tâm là phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định này liên quan đến trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Theo chuyên gia cao cấp Dương Thị Thanh Mai, cùng với Dự thảo Nghị định về xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thì đây là một trong ba Nghị định hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính mà Bộ Tư pháp được giao soạn thảo.
Tuy nhiên, bà Mai không thấy Dự thảo Nghị định quy định chi tiết này đề cập đến công tác thống kê, lưu trữ. “Vì muốn làm tốt công tác báo cáo hay kiểm tra, thanh tra thì phải bắt đầu từ công tác lưu trữ của nơi xử phạt, chẳng hạn như cấp xã có chế độ lưu trữ ra sao, chuyển lưu trữ như thế nào”, bà Mai phân tích.
Tán thành với bà Mai, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Đặng Thanh Sơn chia sẻ, công tác kiểm tra, thanh tra là quan trọng nhưng phải có công tác thống kê. “Không nhất thiết phải có ngay cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính vì chả lẽ không có cơ sở dữ liệu thì không làm thống kê”, ông Sơn nêu vấn đề.
Một số ý kiến khác cho rằng, Dự thảo Nghị định cũng cần quy định trách nhiệm báo cáo được tiến hành từng bước một cùng với việc thiết lập hệ thống thông tin hay phải quy định công tác kiểm tra như thế nào cho khả thi để cơ quan quản lý “thoát khỏi tình trạng báo cáo giấy tờ và nắm được thực tiễn”.
Kết luận về vấn đề trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đặc biệt lưu ý trong quá trình xây dựng Nghị định về cơ sở dữ liệu không được quy định công tác thống kê mà phải cụ thể hóa trong Nghị định quy định chi tiết này. “Tất nhiên, không tham vọng quy định cả một hệ thống thống kê vào đây”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu phải làm sâu sắc hơn nội dung quản lý Nhà nước để bảo đảm phân cấp mạnh cũng như rõ ràng hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương.
Lúng túng giao đối tượng cho cơ sở bảo trợ xã hội
Theo quy định của Luật, một số đối tượng như người chưa thành niên có hành vi vi phạm bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (như người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi hai lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; người ốm yếu không còn khả năng lao động) mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành hoặc sau khi hết hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính.
Quy định trên hết sức nhân văn nhưng đặt ra bài toán nan giải khi tới đây triển khai trong thực tế như đánh giá của đại diện Văn phòng Chính phủ bởi “đụng đến công an mà đối tượng còn bỏ chạy được, nữa là XLHC”. Còn theo nhận định của đại diện Văn phòng Quốc hội, vấn đề này nhỏ nhưng rất phức tạp.
“Đã ở cơ sở bảo trợ xã hội thì phải nuôi ăn, nuôi ở, chăm sóc ốm đau, rồi nếu chết thì giải quyết làm sao hay áp giải đối tượng như thế nào. Nên chăng học kinh nghiệm của Đà Nẵng là chuyển ngay sang Trung tâm lưu giữ”, vị đại diện này đề xuất.
Đối với nội dung trên, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính bàn bạc, thống nhất với các đơn vị liên quan của Bộ LĐ-TB&XH khi đây tuy là biện pháp hạn chế nhưng người bị xử lý không mất tự do theo kiểu “cưỡng bức”.
Thục Quyên