Căng thẳng do phụ huynh chọn trường?
Tại các nhà trường, thường khoảng tháng đầu tiên sau khai giảng, rải rác vẫn có học sinh đi học muộn hoặc có trạng thái uể oải khi vào tiết 1. Tình trạng này tập trung nhiều ở học sinh khối lớp 6 và Tiểu học nếu các em học ca sáng. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này gần như tất cả học sinh đều bắt nhịp được và không còn tình trạng trễ học.
Theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, do cách thiết kế năm học của ngành giáo dục Việt Nam gồm 9 tháng, hay 35 tuần, hay 175 ngày học. Con số này có thể ít hơn các trường phương Tây là 10 tháng, hay 40-42 tuần, hay 180-200 ngày học. Bằng cách tăng số ngày học trong năm lên 20 ngày, chúng ta có thể rút ngắn ngày học xuống khoảng một giờ mà không ảnh hưởng tới tổng số giờ học trong năm.
“Bên cạnh đó còn do giờ hoạt động của trường học được thiết kế theo giờ cha mẹ đi làm: Cách thiết kế này có ưu điểm hỗ trợ cho đại đa số cha mẹ tiện sắp xếp việc đưa đón con. Nhưng nhược điểm lại là trẻ phải đến trường trước cả giờ cha mẹ bắt đầu làm việc. Do đó các đô thị rất cần phát triển hệ thống xe bus miễn phí/ưu đãi phí dành cho học sinh. Hiện rất nhiều xe bus vắng khách, nhưng lại không có xe bus “công lập” dành cho học sinh tới trường”, ông Nguyên bày tỏ.
Tuy nhiên, nhìn nhận chương trình phổ thông 2018 của Việt Nam hiện quy định số tiết học trung bình của học sinh tiểu học là 25-30 tiết/tuần (mỗi tiết 35 phút), với trung học là 30 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút). Nếu áp dụng mức trung bình này, thì thời gian thực học của học sinh tiểu học là 3-4 giờ/ngày, học sinh trung học là 4,5 giờ/ngày. Con số đó không hề cao. Nhưng ngày học của học sinh kéo dài như hiện nay vì lý do gì?
Như vậy, việc các trường học kéo dài ngày học của học sinh cho các hoạt động khác, bao gồm cả việc học thêm. Nếu thời gian kéo dài thêm ở trường, học sinh được hưởng một giờ mỗi ngày cho vận động, thể dục, thể thao và một giờ nữa cho các câu lạc bộ nghệ thuật, ngoại khóa, giải trí khác thì quá tốt. Nhưng nếu việc kéo dài ngày của trẻ chỉ để dạy thêm trong trường là điều hoàn toàn không tốt.
Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên cho rằng, đối với giờ học của con trẻ, lựa chọn nằm trong tay chúng ta. Chúng ta muốn một thế hệ thanh niên mụ mị vì học nhiều, chơi ít, hay muốn một thế hệ học sinh năng động, khỏe mạnh, sáng tạo, làm việc hiệu quả và cạnh tranh tốt. Học nhiều giờ mỗi ngày không hoàn toàn đồng nghĩa với chăm học và càng không đồng nghĩa với học tập hiệu quả. Do đó, việc thiết kế ngày học cho học sinh phải bắt đầu từ lợi ích của chính học sinh.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, lời giải có thể nằm ngay ở việc lựa chọn trường học cho con em các phụ huynh. Lâu nay, phân tuyến cấp THCS trở xuống nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu, như cân đối học sinh trong mỗi lớp, mỗi trường không vượt quá mức và quan trọng nữa sẽ đảm bảo khoảng cách di chuyển đến trường của các em không quá xa.
Tuy nhiên, thực tế, số học sinh trái tuyến đã và đang chiếm lực lượng không nhỏ do lựa chọn trường của cha mẹ, lựa chọn có thể bởi trường tốt hay trường gần nơi làm việc của phụ huynh. Điều đó dẫn đến trẻ mất rất nhiều thời gian di chuyển, cũng đồng nghĩa việc phải dậy sớm hơn, giấc ngủ bị thiếu thốn.
Một phụ huynh chia sẻ, khi con đầu của chị đang học tiểu học, do phải chuyển nơi ở sang quận khác nên quãng đường từ nhà đến trường là xa. Vì vậy, dù giờ vào học của con là 7 giờ 30 phút nhưng phải thức dậy từ 6 giờ sáng để con kịp đến trường, mẹ còn đi làm. Giờ vào học của con muộn nhưng nhà xa trường, ngược với nơi làm của mẹ nên đành phải chấp nhận đi học sớm.
Do đó, khi chọn trường, phụ huynh cũng nên cân nhắc thêm về thời gian di chuyển trên đường cũng như tuyến đường đi làm của bố mẹ. Bởi trẻ mất đến 5 năm học tiểu học, 4 năm học THCS, nếu ngày nào cũng phải di chuyển xa, thường xuyên phải dậy sớm rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển.
Lùi thời gian vào học, chỉ là giải quyết phần ngọn?
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục. Thầy giáo tiếng Anh Jesse Peterson chia sẻ, lúc mới sang Việt Nam, thầy làm quản lý một trung tâm tiếng Anh dành cho người Hàn Quốc. Học sinh Hàn Quốc học suốt ngày, rồi tiếp tục đi học tại các trung tâm tiếng Anh, toán học, văn học… rồi về làm bài tập. Tụi nhỏ chỉ ngủ từ bốn đến sáu tiếng mỗi ngày.
“Tại sao cha mẹ Hàn Quốc muốn điều tốt nhất cho con cái mình, sẵn sàng chi trả mọi giá để con được hưởng nền giáo dục tiên tiến nhất mà lại không cho tụi nhỏ ngủ đủ thời gian? Tôi thấy điều này không tốt chút nào. Hồi nhỏ ở Canada, tôi vào học lúc 9 giờ sáng và tan trường lúc 3 giờ rưỡi chiều, rồi có thể làm bài tập về nhà”, theo thầy Jesse Peterson.
Và trong khi nối bước Hàn Quốc trở thành “con rồng châu Á” mới, xã hội Việt Nam cũng lại đang tạo ra tình trạng này. Năm 2016, một bác sĩ nhi khoa khẳng định 40% trẻ em Việt Nam đang thiếu ngủ do học quá nhiều. Nghiên cứu của các em học sinh phổ thông đầu năm nay còn đáng sợ hơn: cứ 5 em học sinh thì có 4 em khó tập trung trên lớp vì thiếu ngủ.
Theo hầu hết các nghiên cứu uy tín đã từng được thực hiện, mỗi ngày con người phải ngủ ít nhất là tám tiếng để não có đủ thời gian “ôn” lại những gì đã học hôm trước. Thế nhưng, thầy Jesse Peterson nhận thấy, ở nhiều gia đình, việc bọn trẻ đi ngủ muộn vẫn đang được khuyến khích như một chìa khóa cho sự thành đạt.
Tuy nhiên, trên thực tế, thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết, “ở Việt Nam, tôi có rất nhiều học trò thường xuyên thức khuya tới 1-2 giờ sáng. Lý do thì có rất nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng là học. Số trẻ say sưa với việc học đến mức “thức khuya dậy sớm” là rất ít. Thường thì bọn trẻ sẽ chỉ thức khuya để học trước mỗi kỳ thi. Còn những ngày khác trong năm chúng có thể thức khuya vì mải chơi game trên điện thoại hoặc máy tính, thức khuya vì mải cày 1 bộ phim truyền hình Hàn Quốc dài tập nào đó, thức khuya vì mải chat buôn chuyện, “nấu cháo” ở facebook/điện thoại với bạn…Vấn đề của bọn trẻ có lẽ nằm ở tính kỷ luật và khả năng sắp xếp, quản lý thời gian”.
Theo TS Nguyễn Hằng Phương, Giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thì trẻ em với khả năng thích ứng cao, trẻ con ở đâu cũng nhanh chóng hòa nhập và điều mà các trẻ mong đợi nhất là được sống trong tình thương yêu của cha mẹ, sự quan tâm của thầy cô. Chỉ từng đấy thôi đủ giúp các em đáp ứng được nhiều yêu cầu trong cuộc sống và học tập.
Bất kỳ một thay đổi nào đều tác động trước nhất đến người lớn chứ chưa phải là trẻ nhỏ. Và thường khi người lớn bị ảnh hưởng sẽ nghĩ rằng trẻ con cũng liên đới theo. Vì vậy, đôi khi áp lực chuyển giờ học hoặc giữ nguyên giờ học lại xuất phát từ mong muốn của người lớn nhiều hơn là nghĩ cho trẻ. Việc thay đổi hay giữ nguyên giờ học, phải căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện tổ chức dạy học của từng trường, địa phương.
Với những trường tổ chức dạy - học 2 buổi/ngày, việc điều chỉnh giờ vào học muộn hơn sẽ không có xáo trộn nhiều. Nhưng nếu chỉ có thể dạy - học 1 buổi/ngày thì vào học muộn hơn cũng đồng nghĩa với giờ ra về muộn hơn. Sự mệt mỏi của học sinh lúc đấy chuyển từ thời điểm này sang thời điểm khác trong ngày mà thôi.
TS Hằng Phương cho rằng, người lớn có nhiều mục tiêu để hướng tới, từ con cái, gia đình cho tới công việc và luôn nỗ lực làm sao để đáp ứng tất cả mong cầu đó nên vô tình làm cho mình trở nên căng thẳng hơn. Sự căng thẳng của cha mẹ vô hình trung tác động đến tâm lý của trẻ. Trong trường hợp bất khả kháng, phụ huynh nên chấp nhận với một tâm trạng vui vẻ, thoải mái để thích ứng thì năng lượng tích cực đó sẽ tạo nên sự hứng thú cho bản thân và con cái khi khởi động một ngày mới.
Như vậy, lùi thời gian học không hoàn toàn là câu chuyện giảm căng thẳng, áp lực cho học sinh. Mà vấn đề cốt lõi ở chương trình học, lịch học của một học sinh từ Tiểu học đã luôn kín mít từ sáng tới khuya, bởi học ở trường, ở các lớp, trung tâm học thêm cho một mục tiêu trường điểm, trường chuyên lớp chọn và kỳ thi vào ĐH hoặc du học phía trước...
Các địa phương có thể điều chỉnh giờ học phù hợp
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, tất cả mọi người đều thấy một việc tưởng chừng là nhỏ, đó là việc điều chỉnh giờ học của học sinh nhưng nó có tác động rất lớn. Chúng ta đều biết, số giờ ngủ của học sinh là rất quan trọng đối với việc học tập và điều này đã có nghiên cứu rất kỹ. Theo Thứ trưởng, hiện nay không chỉ học sinh Việt Nam mà ở nhiều nước, theo nhiều nghiên cứu thì có xu hướng ngủ muộn. Như vậy việc học sớm sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập.
Tuy nhiên, việc này còn tùy theo từng địa phương, theo mùa, thời tiết theo mùa. Ví dụ như ở châu Âu học sinh học rất muộn, kể cả sinh viên. Ở Việt Nam cũng vậy, giữa thời tiết mùa Đông và mùa Hè khác hẳn nhau. Ngoài ra còn liên quan tới giờ làm của cha mẹ, giờ hành chính của các địa phương.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu rõ, theo quy định phân cấp của Nhà nước thì việc quyết định giờ học là của địa phương. Cơ bản trong thời gian qua, các địa phương cũng đã quy định tương đối phù hợp. Vừa rồi cũng có nhiều ý kiến, đặc biệt từ ý kiến của phụ huynh khu vực TP HCM. Ông Sơn cho biết vừa rồi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã quyết định điều chỉnh khung thời gian vào học.
Tùy theo từng địa phương, tình hình giao thông như Hà Nội và nông thôn cũng rất khác. Vì vậy các địa phương cũng nên có khảo sát đánh giá kỹ. Trong trường hợp liên quan đến giao thông như ở Hà Nội thì nên ưu tiên giờ của học sinh trước, từ đó có thể tính toán điều chỉnh giờ làm việc của công chức, viên chức. Cái này chúng ta nên ưu tiên cho học sinh, nó là chuyện nhỏ nhưng lại tác động rất lớn đến kết quả học tập, sức khỏe của học sinh.