Hiện nay, nhiều người quan niệm rằng luật sư chỉ tích cực đối với án mời, còn án chỉ định thì làm “trả nợ”. Quan niệm này là một sự định kiến, sai lầm và thiếu công bằng đối với giới luật sư chúng tôi. Mặc dù đây đó vẫn còn một số ít trường hợp, luật sư chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với những vụ án do các cơ quan tố tụng trưng cầu, nhưng không mang tính đại diện.
Bởi lẽ, với chúng tôi, mỗi một vụ án, không phân biệt án do đương sự mời hay do cơ quan tố tụng trưng cầu, thì đó là một cơ hội để những người làm nghề, yêu nghề có điều kiện nghiên cứu pháp luật, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trong số những vụ án tôi từng tham gia tranh tụng tại các cấp tòa, có vụ án bào chữa chỉ định cho một bị cáo vị thành niên bị buộc tội “Trộm cắp tài sản” làm tôi nhớ mãi.
Khi nhận được văn bản phân công của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Phước yêu cầu tôi bào chữa chỉ định cho bị can N.V.D, khi phạm tội vừa mới qua 16 tuổi. Trong lúc tham gia hỏi cung bị can tại Cơ quan CSĐT công an một huyện thuộc tỉnh Bình Phước, tôi chú ý đến một chi tiết: Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị can bỏ trốn khỏi địa phương một thời gian.
Khi được gia đình động viên, bị can được người quen làm dân quân tự vệ ở địa phương dẫn đến cơ quan công an nơi bị can cư trú đầu thú. Thay vì khi tiếp nhận đối tượng đầu thú, cơ quan công an địa phương phải lập biên bản tiếp nhận đối tượng đầu thú trước khi chuyển đến Cơ quan CSĐT có thẩm quyền, đằng này công an địa phương dẫn luôn đối tượng đến cơ quan CSĐT bàn giao mà không làm thủ tục gì.
Khi ký vào biên bản hỏi cung, tôi ghi chú vào “đề nghị Cơ quan CSĐT kiểm tra lại thủ tục tiếp nhận người ra đầu thú cho bị can để làm tình tiết giảm nhẹ sau này”.
Thế nhưng, khi hồ sơ sang đến tòa, lời đề nghị của luật sư vẫn không được làm rõ. Khi chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án kiểm tra hồ sơ mà không thấy biên bản tiếp nhận người ra đầu thú nên điện hỏi tôi.
Tôi trình bày sự việc và đề nghị thẩm phán quan tâm đặc biệt đến tình tiết này. Nếu thủ tục tiếp nhận người đầu thú có thiếu sót thì đó là lỗi của cơ quan nhà nước, không phải lỗi của đối tượng và cần phải áp dụng tình tiết này làm tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 điều 46 BLHS. Tình tiết này, tại phiên tòa, trong phần tranh luận giữa vị đại diện VKS với luật sư diễn ra khá căng thẳng. Tôi vận dụng tất cả các quy định pháp luật, cuối cùng HĐXX chấp nhận quan điểm của luật sư.
Trong vụ án này, còn một tình tiết nữa mang tính quyết định đến việc áp dụng hình phạt đối với bị cáo, đó là có tiền sự hay không? Tôi đề nghị tòa áp dụng án treo, còn VKS đề nghị tù giam. Tình tiết này như sau: Năm 12 tuổi, do nghiện game và hay trộm vặt nên N. V. D bị gia đình xin cho đi trường giáo dưỡng.
Theo VKS, việc bị cáo đi trường giáo dưỡng phải bị xem là có tiền sự. Theo quy định, một trong những điều kiện để được hưởng án treo là bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Ngược lại, tôi viện dẫn quy định, dưới 16 tuổi không được tính tiền án, tiền sự nên trong trường hợp cụ thể này phải xem bị cáo là chưa có tiền án tiền sự và cần phải áp dụng án treo.
Đồng thời, chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích, chỉ trong trường hợp hết sức cần thiết mới áp dụng hình phạt tù. Cuối cùng, vị đại diện VKS không viện dẫn được văn bản nào quy định tính tiền sự đối với người dưới 16 tuổi nên đành rút lại tình tiết này.
HĐXX chăm chú lắng nghe quan điểm của hai bên và cuối cùng chấp nhận toàn bộ quan điểm của luật sư, tuyên bị cáo mức hình phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Qua vụ án này cho thấy, khi luật sư không phân biệt đối xử án mời hay án chỉ định thì mọi bị can, bị cáo đều có cơ hội được hưởng chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư như nhau. Nếu mọi luật sư đều có cùng quan niệm như vậy, sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao của “những con bệnh pháp lý”.
P.V (Ghi theo lời kể của luật sư Nguyễn Văn Đức – Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông)