Lượng hồ sơ chờ xét tuyển vào học các khóa đào tạo luật sư năm 2013 của Học viện Tư pháp - Cơ sở tại Tp. HCM tăng đột biến. Phải chăng các luật sư tương lai đang cố gắng "nước rút" trước khi Luật Luật sư có hiệu lực với quy định tăng thời gian đào tạo.
Chưa bao giờ nghề luật sư lại hấp dẫn như hiện nay. Nghề luật sư “hot” bởi nhiều lẽ, dễ thấy nhất là hoạt động khá độc lập, thu nhập cao, dễ làm giàu. Kể cả trong hoàn cảnh các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thu nhập nhiều người dân bị sụt giảm… thì nhu cầu tư vấn pháp luật và bảo vệ quyền lợi thân chủ trong các vụ tranh chấp, kiện tụng, đặc biệt là tranh chấp dân sự, vẫn không ngừng gia tăng. Vì thế học luật sư ra không phải lo sợ bị thất nghiệp.
Nghề luật sư “hot” bởi nhiều lẽ. Ảnh minh họa. |
Bỏ thi tuyển đầu vào, học viên tăng nhanh
Ông Nguyễn Trường Thiệp, Trưởng cơ sở tại Tp. HCM của Học viện Tư pháp cho biết, trước năm 2006, trường thực hiện đầu vào theo chế độ thi tuyển (khi có bằng cử nhân Luật rồi phải thi tuyển). Sàng lọc kỹ nên tỷ lệ ra trường tương đối cao.
Đến khi Luật Luật sư năm 2006 quy định bỏ thi tuyển, mở rộng đầu vào, chỉ xét tuyển theo tiêu chí chấm điểm, tạo điều kiện cho mọi đối tượng học, nên số lượng học viên đăng ký học tăng nhanh chóng. Vì vậy, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề luật sư khi ra trường phải hết sức chặt chẽ. Mỗi khóa ra trường khoảng 50%. Con số này khá ổn định từ 5 năm lại đây.
Nguồn học viên hết sức đa dạng. Mới tốt nghiệp cử nhân luật có, đã tốt nghiệp và đã đi làm từ lâu cũng có, gồm nhân viên các văn phòng luật sư, công ty luật, công chức, viên chức, nhân viên pháp chế của doanh nghiệp… có cả những người học chỉ để tăng hiểu biết. “Xã hội hiện nay rất coi trọng pháp luật để giải quyết những tình huống, những vụ việc cụ thể. Chứ nếu muốn am hiểu pháp luật thì chỉ cần học đại học luật là đủ rồi. Đó là sức hấp dẫn của nghề luật sư”, ông Thiệp nói.
Đỉnh điểm là cuối năm 2012, đầu năm 2013, lượng hồ sơ đăng ký học nghề luật sư tại Tp. HCM tăng đột biến. Có lúc học viên phải chen nhau mua hồ sơ để nộp. Lý giải về “cơn sốt” học nghề này, ông Thiệp cho rằng có nhiều khả năng các học viên đăng ký học để “chạy” Luật Luật sư năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, theo đó thời gian đào tạo từ 6 tháng tăng lên 12 tháng, thời gian tập sự từ 18 tháng giảm xuống còn 12 tháng).
Trường đã nhanh chóng có biện pháp xử lý nên nạn khan hiếm hồ sơ đã được giải tỏa. Ngoài tổ chức lớp buổi tối, trường còn mở thêm các lớp thứ Bảy, Chủ nhật và cả ban ngày. Chỉ riêng phía Nam, năm 2012 trường đã có gần gần 2,5 ngàn học viên đăng ký học nghề. Học phí là 9,6 triệu đồng/khóa 6 tháng.
Luật sư phải “đọc” được sự việc
Khác với học đại học luật, các học viên học nghề luật sư được Học viện Tư pháp áp dụng chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành, chú trọng vận dụng pháp luật để xử lý tình huống. Trước ngày 1/7/2013, học viên vẫn học khóa đào tạo 6 tháng (theo Luật Luật sư 2006) gồm học phần về những vấn đề chung của luật sư (nghề, quy tắc đạo đức nghề), kỹ năng của nghề (nghe, nói, đọc, viết, tranh luận).
Bốn học phần tương ứng với kỹ năng hành nghề: Kỹ năng trong hình sự, dân sự, hành chính, tư vấn pháp luật và hợp đồng. Cả 5 học phần đều có phần lý thuyết chiếm khoảng 15% - 20%, còn lại 80% -85% là giảng về kỹ năng. Khi giảng, nguyên lý là dạy trên hồ sơ tình huống (vụ án, vụ việc cụ thể, học viên đóng vai), có một phần đặc biệt là diễn án dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Học viên còn được đi kiến tập tại tòa, văn phòng luật sư, công ty luật.
Do yêu cầu của chương trình, nguồn giảng viên của trường cũng hết sức đa dạng, gồm giảng viên cơ hữu của trường, giảng viên Đại học Luật Tp. HCM, Đại học Luật Hà Nội, một số cán bộ các cơ quan tố tụng (thẩm phán, kiểm sát viên), cán bộ của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp… Nhưng nhiều nhất là luật sư, hiện có khoảng 50 - 60 luật sư có tên tuổi, trình độ, cùng tham gia giảng dạy.
Kỳ thi của Học viện Tư pháp cũng hết sức khác biệt. Quan điểm của trường, thi là vận dụng pháp luật để giải quyết các tình huống. Đề thi “mở”, cho sử dụng tất cả tài liệu, kể cả giáo trình của Học viện. Ông Thiệp nhận xét: “Anh vận dụng văn bản pháp luật và kinh nghiệm sống để giải quyết các tình huống đó. Không phải là hiểu pháp luật giống như cử nhân luật nữa. Qua các kỳ thi, tôi đánh giá học viên cử nhân luật còn yếu nhất là vận dụng pháp luật để giải quyết tình huống”.
Học viện Tư pháp đang liên kết với các đoàn luật sư, Sở Tư pháp các tỉnh thành để mở lớp đào tạo theo chương trình phát triển luật sư đến năm 2040 của Chính phủ và đã mở ở Cần Thơ 5 khóa, Đồng Nai 4 khóa, Bà Rịa - Vũng Tàu 2 khóa, đang mở ở An Giang, Cà Mau và sắp mở ở Bến Tre.
Lê Đình