Chào bạn!
Trước hết, mong bạn hiểu việc đăng ký khai sinh cho con có ý nghĩa vô cùng quan trọng như ghi nhận tên gọi, độ tuổi, giới tính, quan hệ cha mẹ của con và những thông tin này sẽ theo suốt cuộc đời con bạn. Từ những giá trị đó, mong bạn hãy vượt qua mặc cảm cá nhân, sớm thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con.
Về thẩm quyền, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã), nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.
Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”.
Như vậy, nếu bạn không muốn về quê đăng ký khai sinh cho con theo địa chỉ thường trú của mình, bạn có thể chứng minh thực tế sinh sống, làm việc ổn định ở nơi tạm trú để đăng ký khai sinh cho con tại đây. Pháp luật không quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về việc chứng minh thực tế sinh sống, làm việc “ổn định” tại nơi tạm trú nhưng có thể hiểu đó là nơi bạn đã đăng ký tạm trú có thời hạn, có xác nhận của Công an khu vực nơi bạn tạm trú đính kèm theo Hồ sơ đăng ký khai sinh.
Khi đi khai sinh cho con, bạn cần nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
Về việc khai sinh cho con ngoài giá thú (khi cha mẹ không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn): Trường hợp khi đăng ký khai sinh cho trẻ, đồng thời có người đứng ra nhận đứa trẻ là con thì UBND cấp xã sẽ kết hợp giải quyết đồng thời hai việc: đăng ký khai sinh cho trẻ và đăng ký việc nhận con. Quy định này tạo điều kiện cho người nhận con có thể ghi tên luôn vào phần khai về người cha trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của người con, có thể đặt họ cho con theo họ của cha ngay từ khi đăng ký khai sinh.
Như vậy, nếu bố đứa bé đồng tình, bạn hoàn toàn có thể cùng anh ấy đi khai sinh cho con, đặt tên con theo họ bố với thủ tục rất đơn giản. Trường hợp người cha không đồng ý, bạn hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho con với duy nhất tên bạn trong cột “Họ và tên mẹ” và con bạn được lấy họ theo họ mẹ.
Bạn cũng cần lưu ý rằng cho đến thời điểm hiện tại, bạn đi đăng ký khai sinh cho con đã quá thời hạn. Pháp luật quy định thời hạn đăng ký khai sinh không quá 60 ngày kể từ khi trẻ được sinh ra. Tùy vào thực tế áp dụng pháp luật tại nơi bạn đăng ký khai sinh cho con, bạn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người có trách nhiệm phải đăng ký khai sinh cho trẻ em không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật quy định.
Luật sư, Thạc sỹ Luật họcTrần Thị Ngân
Trưởng Phòng Tư vấn Luật
Văn Phòng Luật sư Phidenson (Việt Nam)