Vụ tranh chấp tài khoản chứng được dư luận đặc biệt quan tâm bởi đây là một dạng hậu quả của cơn bão chứng khoán. Ngay từ khi vụ án bị khởi tố, các luật sư đã cảnh báo về một vụ án oan. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Việt Hùng, luật sư Lê Văn Kiên về vụ án này:
Thưa luật sư Lê Văn Kiên, khi một người mượn tên người khác để mở tài khoản chứng khoán thì tài khoản được mở thuộc sở hữu của ai?
Theo quy định của pháp luật, không được phép làm như vậy. Vì thế, các công ty chứng khoán sẽ không mở tài khoản cho người này nhưng lại mang tên người khác.
Ls Lê Văn Kiên
Đối với trường hợp các công ty chứng khoán không biết việc mở tài khoản theo thỏa thuận “mượn tên” thì hợp đồng mở tài khoản là vô hiệu do hợp đồng có yếu tố gian dối, không trung thực. Người ký hợp đồng đã không sử dụng đúng tên mình mà sử dụng tên người khác. Về cơ bản, hợp đồng này là trái pháp luật và không trung thực. Như vậy, tài khoản sẽ phải hủy bỏ.
Nhưng, khi mở tài khoản, sẽ có nhiều tiền và chứng khoán trong tài khoản đó. Vậy, tài sản đó thuộc về ai, thưa ông?
Đây là vấn đề phức tạp và pháp luật về vấn đề này cũng chưa rõ ràng. Nhưng, theo Bộ Luật dân sự, hợp đồng vô hiệu sẽ phải hoàn nguyên, tức là đóng tài khoản lại và trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Việc xác định chủ sở hữu sẽ phải căn cứ vào người thực sự sử dụng tài khoản, là người ký hợp đồng chứ không phải là người mang danh trong hợp đồng.
Nếu hợp đồng trái pháp luật và có yếu tố không trung thực thì việc cơ quan điều tra khởi tố đối với người ký hợp đồng là ông Trần Minh Anh là đúng pháp luật?
Hoàn toàn không phải vậy. Việc ký hợp đồng không đúng pháp luật, không trung thực chỉ phát sinh trách nhiệm dân sự, không phải là tội phạm.
Trong trường hợp này, trách nhiệm duy nhất là hủy hợp đồng, nếu phát sinh thiệt hại thì bên gây thiệt hại phải bồi thường. Không thể quy kết là lừa đảo được.
Thưa luật sư Trần Việt Hùng, ông đánh giá như thế nào về ý kiến của luật sư Lê Văn Kiên?
Tôi đồng ý với đánh giá trên. Đây là một trường hợp tranh chấp dân sự giữa các bên liên quan đến Công ty chứng khoán, người ký hợp đồng và người có tên trong bản hợp đồng. Các tranh chấp này phải được giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự.
Ls Trần Việt Hùng
Theo ông thì làm thế nào phân biệt giữa một tranh chấp dân sự và một hành vi phạm tội lừa đảo?
Lừa đảo là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, có sử dụng thủ đoạn gian dối với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Trong đó, chủ sở hữu của tài sản luôn được xác định rõ ràng.
Tranh chấp là trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu tài sản. Nghĩa là có nhiều bên tuyên bố quyền sở hữu đối với tài sản, có bằng chứng cho việc sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Vì thế, các trường hợp mà chưa xác định được quyền sở hữu, chủ sở hữu thì không thể quy kết ai chiếm đoạt của ai. Đó là tranh chấp dân sự.
Vậy, việc ông Trần Minh Anh và bà Bùi Thị Minh đều khẳng định tài khoản và tài sản trong tài khoản là của mình, có phải là tranh chấp không, thưa ông?
Đó chính là tranh chấp. Bùi Thị Minh có tên, ông Trần Minh Anh là người ký hợp đồng. Số tiền 3 tỷ 50 triệu trong tài khoản là tiền con ông Trần Minh Anh gửi cho bà Bùi Thị Minh. Hai bên đều cho rằng đó là tài sản của mình. Đây là một tranh chấp dân sự điển hình. Việc khởi tố vụ án và bị can là khởi tố oan, trái pháp luật vì chỉ có tòa án dân sự mới có quyền giải quyết việc này.
Xin cảm ơn các ông!