Trong khi nhiều người quan tâm tới các quy định về việc đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam sắp được ban hành trong một thông tư liên Bộ vì vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi và thắc mắc, thì giới luật sư lại nhìn thấy một khía cạnh tích cực hơn khi biện pháp này sẽ hạn chế thiệt hại đối với nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai.
Ảnh minh họa |
Đặt tiền thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam đã xuất hiện trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, tại Điều 93: Đặt tiền hoặc tài sản là một biện pháp ngăn chặn để thay thế biện tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.
Tuy được ban hành đã gần 10 năm, nhưng thực tế áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản thay thế biện pháp tạm giam rất ít được áp dụng trong thực tế. Theo Luật sư Trần Việt Hùng, thì rất hiếm thấy các cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Lý do thì có nhiều nhưng tựu chung lại vẫn là “thiếu hướng dẫn cụ thể” vì các cơ quan tố tụng nước ta vốn quen “cầm tay chỉ việc” theo cách hướng dẫn chi tiết bằng thông tư, thậm chí là bằng cả công văn hướng dẫn nghiệp vụ.
Có lẽ vì lý do này mà Bộ Tư pháp đã chủ trì dự thảo một thông tư liên tịch gồm các cơ quan tư pháp Trung ương, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, thống nhất quy định và hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam. Ngay lập tức, dự thảo thông tư này đã được quan tâm đặc biệt của công luận với nhiều ý kiến đồng tình và có cả ý kiến phản đối.
Nhưng, việc ban hành thông tư hướng dẫn quy định tại Điều 93 BLTTHS là điều bắt buộc phải làm, thậm chí phải làm thật khẩn trương để tránh cho một điều luật rất tiến bộ trong Luật khỏi bị “vô hiệu” do không được áp dụng trong thực tế. Hơn nữa, việc xây dựng các quy định chi tiết để áp dụng việc đặt tiền hoặc tài sản thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam đang được chờ đợi của gia đình các bị can, bị cáo và giới luật sư vì đây là một trong những giải pháp thao gỡ cho nhiều vụ án khó, điều tra lâu dài và có dấu hiệu oan sai.
Để làm rõ hơn lý do mà các luật sư lại mong ngóng thông tư liên tịch hướng dẫn quy định về biện pháp đặt tiền hoặc tài sản thay thế biện pháp tạm giam, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn và Luật sư Trần Việt Hùng về vấn đề này.
Thưa Luật sư Trần Việt Hùng, ông đánh giá như thế nào về vai trò của biện pháp ngăn chặn đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam?
- Trước tiên phải đề cập đến vai trò của các biện pháp ngăn chặn nói chung. Các biện pháp ngăn chặn mà BLTTHS quy định là nhằm đảm bảo việc điều tra, giải quyết các vụ án không gặp cản trở từ phía bị can, như: bị can không bỏ trốn, không cản trở điều tra, không xóa dấu vết phạm tội… Trong đó, biện pháp ngăn chặn tạm giam là biện pháp nghiêm khắc nhất, cách ly bị cáo khỏi xã hội để phục vụ điều tra.
Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp tạm giam cũng có nhiều hạn chế, đặc biệt là sự quá tải trong quản lý, giam giữ bị can và đặc biệt là đối với nhiều vụ án oan sai, nên đã để lại hậu quả lớn cho người bị tạm giam. Việc giam giữ một cách không cần thiết đối với một số bị can phạm tội ít nghiêm trọng cũng làm thiệt hại về lợi ích hợp pháp của bị can và gây áp lực tài chính đối với Nhà nước.
Biện pháp ngăn chặn đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam chính là giải pháp để khắc phục các hạn chế của biện pháp tạm giam hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, biện pháp đặt tiền thay thế tạm giam áp dụng hiện nay là chưa phù hợp, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, bây giờ chúng ta mới áp dụng biện pháp này là quá muộn mà lẽ ra phải áp dụng từ khi BLTTHS được ban hành. Việc lấy lý do chưa có quy định hướng dẫn chi tiết nên không áp dụng quy định này là không thỏa đáng. Vì quy định tại Điều 93, Bộ BLTTHS về biện pháp đặt tiền cũng đã khá rõ ràng. Theo quy định của pháp luật, tạm giam là biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên hiện nay đang được sử dụng như một biện pháp nghiệp vụ có hiệu quả của cơ quan điều tra.
Nhiều bị can đã phản ánh với luật sư là điều tra viên ra điều kiện “nhận tội” thì cho tại ngoại, nếu không nhận tội thì giam “mọt gông”. Thậm chí, tôi được biết, có bị can còn được đưa từ nơi giam có điều kiện tốt đến nơi giam có điều kiện tệ hơn để gây áp lực, nhằm có được lời “nhận tội” của bị can.
Thưa Luật sư Trần Văn Toàn, ông đánh giá như thế nào về mặt tích cực khi áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam?
- Tôi cho rằng, một trong những điểm cần quan tâm của biện pháp này là tránh những hậu quả không tốt cho công dân bị giam giữ trong những vụ án có dấu hiệu oan sai, tạo đường lùi cho cơ quan tiến hành tố tụng. Trong thực tế, có nhiều vụ án bị can bị khởi tố, bắt giam oan. Khi đối diện với việc bồi thường do đã giam oan, các cơ quan tố tụng đành phải giải quyết theo kiểu “đâm lao thì phải theo lao”, gán tội không phù hợp hoặc ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự không đúng pháp luật.
Đơn cử như vụ án Trần Minh Anh bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, bị can bị tạm giam hơn 40 tháng còn hồ sơ vụ án thì được “đá đi, đá lại” giữa các cơ quan tố tụng, kể cả việc trả hồ sơ điều tra quá số lần cho phép. Vụ án này có dấu hiệu quan sai nhưng vì đã tạm giam nên hiện nay các cơ quan tố tụng sẽ rất khó xử vì tuyên có tội thì khó và tuyên vô tội… càng khó. Tôi cho rằng, nếu như không áp dụng biện pháp tạm giam thì những vụ án như thế này sẽ dễ giải quyết hơn nhiều.
Xin cảm ơn các Luật sư.
Bình Minh