Bắt buộc phải có hai điều kiện là có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục 2 năm trở lên, đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định "phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng và được người cho thuê, mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản"...Quy định này cũng đang gây nhiều tranh cãi.
Công an Hà Nội đề nghị bổ sung quy định trẻ em mới sinh đăng ký thường trú về với cha mẹ hoặc cha, hoặc mẹ có hộ khẩu thường trú tại thành phố đó |
Chưa lường hết tình huống phát sinh
Theo Bộ Công an, quy định về điều kiện diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc TƯ sẽ khắc phục tình trạng một chỗ ở có nhiều hộ cùng đăng ký thường trú nhưng thực tế họ không ở chỗ ở đó vì quá chật hẹp. Từ đó chính quyền địa phương xác định được chính xác số người đang cơ trú tại chỗ ở nơi họ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, trên cơ sở đó đưa ra được các chính sách về kinh tế xã hội phù hợp, sát với thực tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định về diện tích tối thiểu là quá cứng nhắc và chưa dự liệu hết những tình huống trên thực tế. Đơn cử là trường hợp cả bố lẫn mẹ thuê được nhà ở hợp pháp, đủ điều kiện đăng ký thường trú khi đảm bảo diện tích nhà thuê tối thiểu, thỏa mãn điều kiện nhập khẩu theo quy định của Luật nhưng 2 đứa con thì tính sao? Chả lẽ cũng lại phải đủ diện tích theo quy định mới được nhập khẩu cùng cha mẹ?
Quá trình lấy ý kiến Dự án Luật, Công an Hà Nội cũng đề nghị bổ sung quy định trẻ em mới sinh đăng ký thường trú về với cha mẹ hoặc cha, hoặc mẹ có hộ khẩu thường trú tại thành phố đó.
Vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng cho rằng "việc quy định diện tích tối thiểu là cần thiết, tuy nhiên, đối với trường hợp người ở nhờ và cho ở nhờ có quan hệ họ hàng, ruột thịt...thì dù nhà ở có chật chội, không đủ diện tích tối thiểu thì vẫn phải cho ở nhờ.” Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc quy định về diện tích tối thiểu cho phù hợp với các trường hợp.
Việc quy định về diện tích tối thiểu nhiều ý kiến đồng tình với Bộ Tư pháp, nhưng việc quy định cụ thể bao nhiêu nên giao HĐND TP quyết định, vì điều kiện mỗi thành phố là khác nhau.
Xác nhận: Chỉ làm phát sinh tiêu cực
Ngoài quy định phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP , dự thảo Luật Cư trú sửa đổi còn quy định phải "có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng và được người cho thuê, mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản"….
Vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng đây là những quy định không cần thiết.
Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền cho rằng "đặt ra điều kiện về diện tích tối thiểu lại yêu cầu phải có xác nhận là chưa ổn, rất dễ sinh tiêu cực. Dân ra chính quyền xin cái xác nhận mấy m2, chả biết thực tế ra sao có khi họ cũng xác nhận luôn", vì thế ông Thuyền cho rằng " điều kiện này không cần thiết".
Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự T.Ư Trần Văn Độ cũng đặt câu hỏi: "Xác nhận cái gì? Công chứng cái gì? Nếu ví dụ xác nhận công chứng cái hợp đồng thuê nhà thì đó đã thể hiện ý chí của hai bên rồi thì sao lại còn phải có sự đồng ý bằng văn bản của người cho thuê nhà".
Sau khi phân tích, ông Độ cũng đúc rút: "Luật đặt ra nhiều điều kiện không cần thiết, không khả thi". Theo ông Độ, "Quản lý nhà nước nên theo dân để quản lý chứ không nên làm ngược lại là bắt dân theo. Luật sửa đổi không nên đi lùi lại Luật hiện hành. Để ban hành được Luật này thì những vấn đề gây tranh cãi phải được giải trình cho rõ".
Liên quan đến việc buộc phải xác nhận, nhiều ý kiến cho rằng đây là một thủ tục không có giá trị về mặt pháp lý và đặc biệt dễ làm phát sinh tiêu cực. Bởi lẽ với lượng công việc và biên chế cho chính quyền cơ sở hiện nay, rất khó để đến từng nhà để đo xem diện tích ở nhờ hay cho thuê đó có đảm bảo diện tích tối thiểu hay không. Vì không làm được nên rất dễ dẫn đến chuyện tiêu cực, nghĩa là cứ có yêu cầu dù không biết thực hư thế nào cũng cấp cho cái xác nhận.
Cùng với các điều kiện theo hướng siết chặt hơn như trên, Dự thảo Luật còn quy định "Nơi đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú". Nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là quy định thiếu tính khả thi vì rất nhiều trường hợp hộ khẩu một nơi nhưng thực tế người dân lại sống ở nơi khác, việc thay đổi chỗ ở diễn ra thường xuyên và muốn quản lý thì chỉ cần đăng ký tạm trú là đủ./.
Việt Hòa