Người dân được thêm quyền lựa chọn khi “chứng” bản sao
Theo quy định của Luật Công chứng sửa đổi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Công chứng viên (CCV) được thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này “bảo đảm thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công”. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Như vậy, nếu như với quy định của Luật Công chứng và Nghị định 79/CP về chứng thực hiện hành, một người dân khi có yêu cầu chuyển nhượng hợp đồng, giao dịch, ủy quyền hoặc các công việc khác thì họ phải đến UBND cấp xã thực hiện chứng thực sao y các giấy tờ liên quan (như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn…), rồi mới đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng thì từ 1/1/2015 tới đây, 2 loại việc này sẽ được giải quyết ngay tại tổ chức hành nghề công chứng.
Theo Bộ Tư pháp, với phạm vi công chứng được mở rộng, bên cạnh nhiệm vụ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, Luật Công chứng (sửa đổi) giao lại cho CCV quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại.
Bên cạnh đó, CCV cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực nhằm mở rộng sự lựa chọn của người dân và giảm tải công việc cho UBND cấp huyện, cấp xã.
An toàn hơn khi có cơ sở dữ liệu
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, Luật Công chứng (sửa đổi) quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn CCV, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức hành nghề công chứng có quyền cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước.
Nhiệm vụ quản lý được phân cấp cũng được quy định phù hợp cho địa phương, tăng cường trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc giúp UBND cấp tỉnh quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn. Quy định này góp phần giải quyết nhanh hơn các thủ tục về bổ nhiệm CCV, thành lập văn phòng công chứng.
Đặc biệt, quy định về Cơ sở dữ liệu công chứng do UBND cấp tỉnh xây dựng của địa phương mình, các tổ chức hành nghề công chứng chia sẻ thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng và được quyền khai thác cơ sở dữ liệu này.
Cơ sở dữ liệu công chứng này sẽ tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng hoạt động công chứng. Người dân sẽ không phải lo lắng khi thực hiện các hợp đồng giao dịch vì CCV đã giúp họ kiểm tra thông tin pháp lý của tài sản.