Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 26 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất 13.810 MW (tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than), mỗi năm thải ra hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ, thạch cao.
Dự kiến tới năm 2020, cả nước sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động (hiện đang trong quá trình xây dựng), qua đó nâng tổng công suất lên 24.370 MW và tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm.
Tuy nhiên, những con số báo cáo ấy chưa thể nào nói hết đường đi và mối nguy mà nhiệt điện than gây ra cho môi trường cũng như sức khỏe con người. Tại một buổi sinh hoạt về đề tài môi trường mới đây do Change (Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển) tổ chức, PGS. TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu – Viện Môi trường và Tài nguyên chia sẻ, một trong 4 nguyên nhân gây chết người nhiều nhất, sau tai nạn giao thông và một số nguyên nhân khác, là do các hạt bụi siêu mịn gây ra. Bụi siêu mịn có từ nhiệt điện than và các nhà máy sản xuất (nhỏ hơn tóc gấp 30 lần), mang theo chất ô nhiễm, phát tán trong không khí, có khả năng đi sâu vào cuống phổi con người, gây ra các bệnh mãn tính.
Theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc tổ chức Change, theo ước tính, trong năm 2010, bụi siêu nhỏ do nhiệt điện than đã gây ra cái chết của 50 nghìn người. Dự tính, tới năm 2013, con số này sẽ là trên 70 nghìn người. Hiện, nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc đã rút các kế hoạch nhiệt điện than ra khỏi đất nước vì các mối lo về môi trường. Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á lại nhập những nhà máy cũ của các nước đã ngừng kế hoạch nhiệt điện than về.
Hiện, khu vực Đông Nam, Đông Bắc Á là khu vực tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện than nhất thế giới, với xấp xỉ 400 nhà máy. Đáng nói là bụi siêu nhỏ của nhiệt điện than có khả năng gây ô nhiễm, nhiễm độc không khí không chỉ cho khu vực có nhà máy hoạt động, mà hạt bụi có thể bay rất xa, tới các vùng, các nước láng giềng. Điều này biến Đông Nam và Đông Bắc Á trở thành vùng đất có khả năng ô nhiễm và mang các mối nguy cao về môi trường trong những năm tới.
Trong khi đó, có vẻ như nhiều tổ chức về y tế, sức khoẻ vẫn tập trung đo đếm mức nguy hại của nhiệt điện than đến môi trường và sức khoẻ ở các khu vực như Trung Quốc, còn khu Đông Nam Á, Đông Bắc Á hiện vẫn chưa có một số liệu chính xác và cụ thể, điều này “gây khó” cho các nhà hoạt động môi trường trong các nỗ lực truyền thông về nguy hại của nhiệt điện than lên môi trường và sức khoẻ, tính mạng người.
Việt Nam sẽ trở thành một trong năm quốc gia đầu tư lớn nhất về nhiệt điện than trong thời gian tới. Một triển vọng về kinh tế có vẻ như đang mở ra. Nhưng, với những con số đã nêu trên, khó lòng có thể cho đó là tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam. Phát triển kinh tế, nếu không dựa trên nền tảng bảo đảm sự an toàn cho hệ sinh thái và sức khoẻ người dân thì đó là một sự đánh đổi quá lớn và đáng để cân nhắc, suy nghĩ lại.