Theo dòng chảy câu chuyện, để tìm hiểu tình trạng này có phải do quy định xử phạt của pháp luật là còn quá nhẹ hay nguyên nhân nào khác, nhóm phóng viên có dịp trò chuyện với Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú.
Luật sư Trương Anh Tú tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc khai thác đá trái phép. |
PV: Luật sư có thể cho biết hành vi khai thác đá trái phép sẽ bị xử lý ra sao theo quy định hiện nay?
Luật sư Trương Anh Tú: Sự việc khai thác đá trái phép, công khai như trên là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tài nguyên quốc gia và hủy hoại môi trường, hệ sinh thái. Có thể nói, báo chí dùng từ “nạn đá tặc” cũng không quá. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép vẫn thường xảy ra tại một số địa phương mặc dù pháp luật của chúng ta đã có quy định về lĩnh vực này.
Tôi xin dẫn chiếu điều luật để Quý vị tham khảo, tại khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản năm 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định về Nguyên tắc hoạt động khoáng sản: Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; Và các tổ chức chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Như vậy, việc tự ý khai thác đá mà chưa được cấp phép của các “chủ mỏ tự xưng” tại huyện Đức Cơ là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật khoáng sản và phải đối mặt với những hậu quả pháp lý nhất định, tùy từng mức độ vi phạm và thiệt hại xảy ra trên thực tế.
Hiện nay, pháp luật quy định hai hình thức xử lý là xử phạt hành chính và xử lý hình sự đối với hành vi này. Ví dụ, trường hợp hoạt động khai thác đá trái phép có dùng vật liệu nổ sẽ rơi vào Khoản 2 Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Theo khung chế tài đó, với hành vi khai thác đá trái phép thông thường, có sử dụng vật liệu nổ sẽ chịu phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị tịch thu toàn bộ tang vật là đá hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng đá đã tiêu thụ, tịch thu phương tiện sử dụng để khai thác đá trái phép.
Bên cạnh đó, còn phải thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. Ngoài ra, mới đây Chính phủ ban hành nghị định 36/2020/NĐ-CP mới, thay thế Nghị định 33/2017/NĐ-CP, với xu hướng nâng cao chế tài phạt đối với hành vi nêu trên là từ 70.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/5/2020.
Trường hợp nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với hình thức phạt tiền hoặc phạt tù.
Bãi tập kết đá khai thác trái phép tại huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai). |
PV: Thưa luật sư, việc cơ quan chức năng, cụ thể là Chi cục Thuế huyện Đức Cơ vẫn thu thuế khai thác mỏ đối với hành vi khai thác đá trái phép đúng hay sai? Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 152/2015/TT-BTC: “Đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản thì người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.” Như vậy rõ ràng, nhóm cá nhân nêu trên không thuộc nhóm đối tượng người nộp thuế nên việc thu thuế của chi cục thuế là không phù hợp với quy định pháp luật.
Chúng ta thấy, khai thác khoáng sản là lĩnh vực có tính lợi nhuận cao, do đó thường có sự cạnh tranh phức tạp và dễ xảy ra sai phạm. Chúng ta đã không xa lạ với nhiều câu chuyện khai thác cát trái phép diễn ra tinh vi, trở thành vấn nạn. Đến nay, hoạt động khai thác đá trái phép cũng không phải ngoại lệ.
Đặc biệt tại các địa bàn giáp biên giới, nơi được ví như cánh tay kéo dài từ cấp TW và có thể có trình độ dân trí, hiểu biết pháp lý không đồng đều, tỉnh Gia Lai là một ví dụ. Chính vì vậy, ngày 30/3/2015, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định.
Bi hài chuyện khai thác đá trái phép nhưng vẫn nộp thuế cho Chi cục thuế tại huyện Đức Cơ (Gia Lai) |
Tôi cho rằng, vụ việc xảy ra tại huyện Đức Cơ có nhiều dấu hiệu “lạ” bởi, sự việc khai thác đá trái phép không phải do tự phát mà đã tiếp diễn qua nhiều năm, nhóm đá tặc hoạt động ngang nhiên giữa ban ngày, thậm chí theo dân chúng phản ánh các chủ mỏ tự xưng này đã từng bị xử phạt hành chính mà vẫn tái phạm, không có thái độ sợ sệt, dè chừng.
Phải chăng, nguyên nhân để sai phạm kéo dài một phần do có biểu hiện buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương, thậm chí có thể có hiện tượng dung túng,“bảo kê” cho hoạt động này?.
Do đó, tôi cho rằng rất cần sự vào cuộc, xử lý, ngăn chặn quyết liệt, kịp thời của cơ quan Nhà nước đối với các cá nhân khai thác đá trái phép, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cán bộ, viên chức Nhà nước, các đường dây tiếp tay cho vấn nạn này (nếu có) để xử lý nghiêm.
Có như vậy mới hạn chế sự “chảy máu” tài nguyên quốc gia, đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Bên cạnh đó, giúp duy trì môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở nước ta.
PV: Xin trân trọng cảm ơn LS!
Khoản 2 Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản:
“2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này, cụ thể như sau:
Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản:
a) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;
b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; khai thác than bùn;
c) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các loại khoáng sản khác.