Với tư cách là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Hoàng Khương, luật sư Phan Trung Hoài vừa gửi bản kiến nghị luật sư ký ngày 20-3-2012 đến các cơ quan tiến hành tố tụng
Bản kiến nghị đề nghị đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với nhà báo Hoàng Khương.
Luật sư Phan Trung Hoài - Ảnh: Thuận Thắng |
Thưa luật sư, ông có thể cho biết tiến độ điều tra vụ án kể từ ngày nhà báo Hoàng Khương bị bắt tạm giam (2-1-2012) đến nay? Liệu vụ án có thể kết thúc điều tra trong tháng 3-2012 như thiếu tướng Phan Anh Minh (phó giám đốc Công an TP.HCM) nêu trong cuộc gặp báo chí ngày 9-2-2012?
Nhà báo Hoàng Khương đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam được 2 tháng 18 ngày. Tôi có thể gọi như vậy vì đến nay ông Nguyễn Văn Khương vẫn còn tư cách nhà báo. Thật sự đây là những tháng ngày khó khăn nhất đối với gia đình nhà báo Hoàng Khương.
Cơ quan điều tra và điều tra viên đã tạo điều kiện cho tôi tham gia tố tụng, được dự tất cả các buổi hỏi cung và một số hoạt động điều tra khác. Đến nay tôi không có thông tin nào về thời điểm có thể kết thúc điều tra, nhưng tôi thấy cơ quan điều tra đã gặp mặt báo chí cung cấp nhiều thông tin về quá trình điều tra vụ án.
Trước khi có bản kiến nghị này, tôi đã có Kiến nghị luật sư số 01 về việc đề nghị cho nhà báo Hoàng Khương tại ngoại vì lý do đang mắc một số bệnh, hiện phải điều trị trong trại tạm giam và lúc đó vợ sắp đến ngày sinh.
Cơ sở nào để ông kiến nghị đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với nhà báo Hoàng Khương?
Cho đến thời điểm hiện nay, tôi chưa có điều kiện tiếp cận một cách toàn diện kết quả điều tra, nhưng với những thông tin, tài liệu mà tôi có được từ Hoàng Khương và báo Tuổi Trẻ, tôi nhận thấy việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án, bị can, bắt tạm giam nhà báo Hoàng Khương là chưa đảm bảo căn cứ về mặt pháp lý.
Hành vi của nhà báo Hoàng Khương có sai sót về hoạt động tác nghiệp báo chí, cần được đặt ra xem xét về trách nhiệm đối với xã hội và đạo đức nhà báo, nhưng về bản chất hành vi đó không hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự như quyết định khởi tố bị can đã nêu.
Tôi nghĩ ngay cả trong trường hợp về mặt khách quan, nếu hành vi đó bị coi là có dấu hiệu tội phạm thì nhà báo Hoàng Khương cũng có thể được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 6 điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm 4 điều 4 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005. Bởi lẽ tuy không chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, nhưng thực tế nhà báo Hoàng Khương đã viết bài, đưa công khai hành vi tiêu cực của một cá nhân cảnh sát giao thông trên báo Tuổi Trẻ.
Về bản chất pháp lý, cần coi đây là một kênh thông tin tố giác tội phạm, vì chính dựa vào hai bài báo của Hoàng Khương, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại đội cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thạnh. Tôi nhận thức nhà báo Hoàng Khương đã phát hiện và tố giác hành vi tiêu cực trên mặt báo vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội.
Thưa luật sư, vì sao ông cho rằng về mặt pháp lý, hành vi tác nghiệp của phóng viên Hoàng Khương không đủ căn cứ quy buộc phạm vào tội “đưa hối lộ”?
Sở dĩ tôi cho rằng hành vi của nhà báo Hoàng Khương không hội đủ các dấu hiệu đặc trưng cấu thành tội “đưa hối lộ” theo quy định tại điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, Hoàng Khương đã thực hiện một số hành vi tác nghiệp báo chí, thông qua các nguồn tin và cách thức tiếp cận các đối tượng liên quan, đã viết hai bài báo đề cập đến hiện tượng tiêu cực xảy ra tại đội cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thạnh và được ban biên tập báo Tuổi Trẻ duyệt đăng.
Đây là hai bài báo nằm trong tuyến bài “Chặn đứng thảm họa giao thông” được thực hiện theo chủ trương của ban biên tập báo Tuổi Trẻ, có xây dựng đề cương triển khai thành một chiến dịch truyền thông nhằm hưởng ứng nghị quyết của Chính phủ về kéo giảm tai nạn giao thông.
Sau khi thâm nhập thực tế, tìm kiếm tư liệu và hình ảnh, Hoàng Khương đã nộp bài viết theo đúng quy trình biên tập. Trước khi duyệt đăng bài thứ hai “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép”, để có thông tin nhiều chiều, tòa soạn còn yêu cầu phóng viên Hoàng Khương bổ sung phần ý kiến của đội cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thạnh liên quan vụ việc nói trên. Điều này cho thấy hành vi của Hoàng Khương về bản chất là hành vi tác nghiệp của một nhà báo, thực hiện các bài báo theo chủ trương của ban biên tập.
Thứ hai, với mục đích nhằm tiếp xúc, tìm hiểu các thông tin liên quan việc xử lý đua xe trái phép, nhà báo Hoàng Khương đã mượn biên bản vi phạm được lập về hành vi đua xe của Trần Minh Hòa để tiếp cận ông Huỳnh Minh Đức thông qua đầu mối là ông Tôn Thất Hòa.
Các buổi tiếp xúc, trao đổi với những người liên quan nhằm tìm kiếm các bằng chứng tiêu cực luôn được nhà báo Hoàng Khương thực hiện với các phương tiện nghiệp vụ báo chí như máy ghi âm, máy chụp ảnh. Ngay cả trước khi đưa tiền và biên bản vi phạm cho ông Tôn Thất Hòa để đưa cho ông Huỳnh Minh Đức vào trưa 25-6-2011, nhà báo Hoàng Khương đã đưa máy ghi âm cho ông Tôn Thất Hòa để ghi lại nội dung cuộc trao đổi giữa các bên.
Các nội dung còn lưu lại trong các băng ghi âm mà cơ quan điều tra thu giữ, việc sử dụng tên giả đóng vai tài xế khi tiếp xúc với ông Huỳnh Minh Đức... đã chứng minh hành vi tác nghiệp báo chí của Hoàng Khương, thể hiện quá trình dấn thân và tìm kiếm thông tin thông qua các câu hỏi mang tính gợi ý, tìm hiểu, thu thập bằng chứng về tiêu cực trong quá trình xử lý xe đua.
Thứ ba, tôi nghĩ Hoàng Khương vì hoạt động tác nghiệp báo chí đã tự đặt mình vào trong tình trạng có thể nguy hiểm đến tính mạng, uy tín cá nhân và sự an nguy của bản thân, vợ con và người thân trong gia đình... Nếu động cơ của nhà báo Hoàng Khương là để trục lợi cá nhân, nhằm có lợi cho Trần Minh Hòa hoặc có những mục đích không chính đáng khác thì sau đó Hoàng Khương đã không viết bài để đăng báo công khai. Đây là vấn đề mấu chốt cần xác định khách quan, chính xác trong vụ án này, bởi thực tế bài báo “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép” được viết và đăng tải không xuất phát từ động cơ cá nhân.
Hơn nữa, bản thân số tiền đưa cũng phần lớn là tiền đóng phạt do các lỗi vi phạm của đối tượng. Tôi cho rằng chưa có căn cứ thuyết phục để cho rằng Hoàng Khương lợi dụng cương vị của mình là nhà báo để viết bài đăng báo nhằm mục đích ép ông Huỳnh Minh Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật.
Ông suy nghĩ gì khi đánh giá về sai sót của nhà báo Hoàng Khương trong quá trình tác nghiệp?
Nhìn lại vụ án này, tôi nghĩ cần đặt trong tổng thể chủ trương và tuyến bài của báo Tuổi Trẻ, đánh giá toàn diện cả những bài báo tâm huyết mà Hoàng Khương đã viết về những tấm gương, điển hình trong ngành công an mà tôi hiện có trong tay.
Tuy nhiên, trong vụ án này, bản thân nhà báo Hoàng Khương đã nghiêm khắc nhận khuyết điểm, thừa nhận có sai sót trong quá trình tác nghiệp và đã bị báo Tuổi Trẻ xử lý kỷ luật hành chính.
Theo Tuổi Trẻ