Với người dân vùng sâu huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú, tỉnh ĐồngNai, những chiếc xe công nông được trang bị hệ thống xay xát gạo long nhong ngoài đường đã giúp hạt gạo trong bữa cơm gia đình họ thêm dẻo thơm. Còn các ông chủ “nhà máy xay xát” này thì không bị thất nghiệp lúc nông nhàn.
Nhà máy 4 bánh
Mới 7h, chị Thắm (ấp Thái An, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) đã sai thằng Nghĩa ra trước cổng nhà chờ xe xay xát dạo chạy tới thì báo cho chị hay. Chị Thắm bày tỏ, nhà chị có máy rào đất trồng lúa. Lúa trồng ra không bán mà dành để ăn. Hơn nữa, bao năm nay gia đình chị đã quen ăn hạt gạo từ chính tay mình trồng, không bao giờ mua gạo bên ngoài.
“Mỗi lần nhà hết gạo là tui ra ngoài đường chờ xe xay xát đi ngang thì ngoắc vào”- chỉ tay về phía hai bao lúa đang dựng nơi góc nhà, chị Thắm cho biết.
|
Được thiết kế đơn giản nhưng "nhà máy xay xát" dạo của nông dân Bắc bộ rất linh hoạt và tiện lợi khi phục vụ bà con nông dân ở huyện Vĩnh Cửu. |
Chễm chệ trên vô lăng điều khiển “nhà máy xay xát” bon bon trên đường DT 768, anh Tuấn nhanh chóng tấp vào lề đường sau cái ngoắc tay của chị Thắm. Chiếc xe vừa tắt máy, Tuấn lập tức tháo dây cu roa (đang nối với động cơ xe) chuyển vào hệ thống xay xát. Như thói quen, anh đi thẳng vào nhà chị Thắm khệ nệ vác lúa ra sân, đổ vào những chiếc thau nhôm rồi khởi động máy.
10 phút sau, lúa đã được xay thành gạo, Tuấn tháo dây cu roa (đang nối vào hệ thống xay xát) lắp trở lại vào động cơ và khởi động máy lao nhanh trên đường.
Tuấn tiếp tục tấp xe vào sân nhà chị Son (ấp Bình Chánh, xã Tân An) sau cái ngoắc tay và bận rộn công việc của người xay xát dạo. Anh vội đến mức chỉ kịp trao đổi với chúng tôi vài ý: “Xe này của bác ruột; tôi chỉ là người làm công; giá một bao lúa là 5 ngàn đồng; ngày nhiều thì thu nhập được 200 ngàn đồng, ngày ế chỉ đủ tiền dầu và tiền trà nước”.
Liền lúc đó, một “nhà máy xay xát” khác vụt qua, Tuấn chỉ tay nói: “Xe đó của cậu mợ tôi. Có gì các anh hỏi họ sẽ rõ”.
Chúng tôi đuổi theo xe của cậu mợ Tuấn. Đến ấp Bình Chánh, họ rẽ vào một con đường đất và tấp vào một nhà dân, nơi có cả 10 bao lúa đang dựng đứng, vài người đàn bà trò chuyện. “Nghề này được chúng tôi mang ở quê vào. Quê tôi ở Thái Bình, ở đó người dân đã quen với hạt gạo do mình làm ra, ít mua gạo chợ như trong Nam”, người đàn ông tự xưng là Thanh nói.
Theo anh Thanh, người dân sinh sống dọc theo tuyến DT 768 quen gọi chiếc xe của anh là “nhà máy xay xát 4 bánh”. Họ gọi như vậy vì cả giàn xay xát được anh thiết kế gọn gàn như một chiếc công nông và đường lầy lội cỡ nào xe của anh cũng mò đến. “Giá mỗi chiếc xe 10 triệu đồng. Ngoài xay gạo tôi xay được bắp, đậu và trộn thức ăn gia súc”- anh giới Thanh giới thiệu sự tiện ích và linh hoạt của “nhà máy xay xát 4 bánh” của anh.
“Do nhà máy xay xát 4 bánh thuộc loại phương tiện bị cấm lưu thông. Vì vậy, mỗi lần di chuyển ra đường DT 768 tôi luôn để mắt đến cảnh sát giao thông. Tuy vậy, từ ngày bị cấm đến nay, tôi chưa bị hoặc hay tin chuyện “nhà máy xay xát” nào bị công an phạt, tịch thu phương tiện”- Tuấn cho biết. |
Nhờ chiếc xe công nông này, vợ chồng anh Thanh nuôi được hai con ăn học, xây được nhà và nhất là cả hai không bị thất nghiệp. Chị Hải (vợ anh Thanh) bộc bạch, thấy vợ chồng anh chị làm ăn khấm khá, không ít người cùng quê đua nhau sắm xe để hành nghề.
“Trên tuyến đường này, hiện có trên 6 chiếc chuyên đi xay xát dạo như gia đình tôi. Nay ruộng đồng bị thu hẹp nên công việc xay xát của gia đình tôi ế ẩm hơn trước đôi phần”, chị Hải túc tắc giọng bày tỏ, khi đổ xong thau lúa vào cối xay.
Hạt gạo quê
Dọc theo các tuyến đường Phú An- Nam Cát Tiên- Tài Lài (huyện Tân Phú)…trên 10 “nhà máy xay xát 4 bánh” của bà con phía Bắc vẫn hàng ngày bon bon trên đường hành nghề xay xát dạo. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Kỉnh (ấp 4, xã Phú An) cho biết, xe của anh có thể đậu cố định ở nhà xay hàng tấn lúa, bắp hoặc long nhong ngoài đường xay xát dạo.
Anh Kỉnh nói: “Nghề này đòi hỏi sự siêng năng và chiếc xe được thiết kế càng nhiều công năng càng tốt. Vào dịp cận tết, mùa thu hoạch lúa đậu…công việc của chúng tôi luôn tất bật”.
Trong tiếng ồn của chiếc máy xay xát, chị Hai Tùng bày tỏ, nhà chị có 3 sào ruộng lúa, do sinh sống ở vùng nông thôn nên chị không bao giờ mua gạo chợ. Đó cũng là lý do chị ngoắc xe của ông Kỉnh vào xát cho chị mấy bao lúa khi nhà gần hết gạo ăn. Còn chị Thúy thì sởi lởi nói: “Được ăn chính hạt gạo mình làm ra và nó càng dẻo, thơm hơn khi gạo vừa xát xong đem nấu và hạt cơm thêm thơm, nóng hổi”.
Là người có trên 10 năm long nhong “nhà máy xay xát 4 bánh” phục vụ người dân nông thôn trồng lúa ở xã Nam Cát Tiên, Phú An (huyện Tân Phú) anh Trần Nghĩa cho hay, do nhà máy di động, thiết kế đơn giản nên hạt gạo xay ra không đẹp bằng các nhà máy cố định. Bù lại, nó tiện lợi, phục vụ tận nhà và giá lại rẻ. anh Nghĩa nói: “Vài chục ký lúa tôi cũng xát. Tiền công được họ trả bằng gạo, cám tôi cũng nhận. Chính điều này mà chúng tôi không bị thất nghiệp”.
Nhìn những hạt gạo trắng tuôn ra từ chiếc máng, được anh Nghĩa hứng bằng chiếc thau nhôm móp méo đổ vào bao cho chị Cúc. Chúng tôi thấy vẫn còn vài hạt thóc sót lại nên khẽ khàng hỏi anh: “Liệu bà con có phàn nàn khi chất lượng xay xát kém?”.
Anh Nghĩa thủng thẳng giải thích: “Phải chịu thôi anh à. Do mình thiết kế máy nhỏ, bỏ bớt các khâu sàng phức tạp nên xót thóc, sạn là thường. Tuy vậy, bà con cũng thông cảm. Họ chỉ trách mình khi làm ăn gian dối như: Chỉnh máy ăn bớt gạo, lấy tiền công cao, nhà hết gạo gọi hoặc chờ lâu mà không thấy xe tới”.
Vân vê hạt gạo vừa xát xong, chị Cúc khệ nệ nách vào nhà chuẩn bị bữa cơm cho chồng đi đồng về. Chị Cúc thỏ thẻ giọng Thái Bình, ông xã chị rất khó tính trong chuyện ăn uống. Bù lại, anh luôn dễ dãi khi bát cơm vướng sạn khi xay xát từ xe của anh Nghĩa.
“Ông xã bảo đó là nếp quê của ổng không thể bỏ được. Gạo dù sạn nhưng đó là gạo nhà, do đồng hương xát ổng vẫn quý. Ông xã tôi luôn cho rằng, được ăn những bữa cơm như vậy, giúp ổng bớt nhớ quê, nhớ cố hương”, chị Cúc tâm sự.
Đoàn Phú