Đáng chú ý hơn cả là số phận của 13 thông tư liên tịch đang nằm trong danh sách nợ sẽ khá nan giải nếu không kịp ban hành trước ngày 1/7 tới đây.
Nợ chồng nợ
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản. Theo đó, đã tham mưu và thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, chậm nhất đến ngày 30/5/2016 phải trình ban hành; tổ chức các cuộc họp hoặc làm việc với từng bộ, cơ quan ngang bộ để xác định rõ nhiệm vụ, đôn đốc việc thực hiện, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau khi xây dựng, chỉnh lý văn bản...
Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ưu tiên thời gian, nguồn lực để phối hợp chặt chẽ với bộ, cơ quan ngang bộ trong xây dựng, ban hành văn bản; cử cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình soạn thảo, chỉnh lý văn bản nhằm đảm bảo chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời hạn thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Đặc biệt là tổ chức thẩm định trong thời hạn 7 ngày đối với các văn bản cần ban hành trước ngày 1/7/2016.
Tuy nhiên, với hàng chục luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và sẽ có hiệu lực sau ngày 1/7/2016 thì số lượng văn bản quy định chi tiết là rất lớn. Qua thống kê cho thấy, cần xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tới 230 văn bản (bao gồm cả 32 văn bản nợ ban hành). Có điều, tính đến hết ngày 31/5/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới ban hành được 6/230 văn bản, đạt 2,6%. Như vậy, còn 224 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành, chiếm 97,4%.
Trong số 224 văn bản chưa được ban hành, có 37 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phải ban hành trước ngày 1/7/2016. Trong số này, có 9 văn bản dự tính có thể ban hành trước thời điểm trên; 10 văn bản nếu đẩy nhanh tiến độ thì mới có thể ban hành trước hạn, còn lại 18 văn bản đang soạn thảo, khó có thể ban hành trước mốc thời gian yêu cầu.
Để khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo, trình các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, kể cả nghị định của Chính phủ.
Không những thế, cần cương quyết không thông qua các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định khi: chưa làm rõ chính sách pháp luật, nội dung chính sách ủy quyền quy định chi tiết; chưa rà soát, xác định văn bản sẽ hết hiệu lực khi dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định được thông qua và có hiệu lực; không trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm trình văn bản quy định chi tiết, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa. |
13 thông tư liên tịch đang ở đâu?
Như chúng tôi vừa nêu, một vấn đề đáng quan tâm là trong danh sách 224 văn bản chưa được ban hành, có 7 thông tư liên tịch mà nếu không được ban hành trước ngày 1/7/2016 thì sẽ không được ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Cụ thể là Thông tư liên tịch hướng dẫn thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (hướng dẫn Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Thông tư liên tịch này đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ngày 12/4/2016, đang chờ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký liên tịch.
Hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) có 2 thông tư liên tịch giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Bộ Tài chính gồm Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thuộc Bộ Quốc phòng quản lý và thân nhân quân nhân tại ngũ và Thông tư liên tịch hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Quốc phòng ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thông tư đầu mới đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo 2, được lý giải rằng phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế. Thông tư sau đã gửi liên Bộ thẩm định từ ngày 19/8/2015 và hiện nay đang tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định.
Thông tư liên tịch giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không (hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) cũng đang trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị có liên quan.
Một đạo luật khá “sát sườn” với người là Luật Hộ tịch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) thì nợ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch, việc cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp cho biết, nguyên nhân là do Bộ Ngoại giao chậm xây dựng (mới đang soạn thảo dự thảo 1, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thiện dự thảo), cho dù Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực thuộc Bộ Tư pháp đã nhiều lần đôn đốc.
Cũng có hiệu lực từ đầu năm 2016 còn có Luật Nghĩa vụ quân sự. Luật này nợ Thông tư liên tịch giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm do mới đang xây dựng dự thảo 2.
Mặc dù từ ngày 1/7/2016, Luật Khí tượng thủy văn mới có hiệu lực nhưng đến thời điểm hiện tại, một thông tư liên tịch giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình thẩm định. Đó là Thông tư liên tịch quy định trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn giữa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ quốc phòng với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
7 thông tư liên tịch trên đây chắc chắn sẽ không được ban hành nếu không “chạy nước rút” trước ngày 1/7/2016. Bởi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực vào chính thời điểm 1/7/2016) quy định, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không còn hình thức văn bản là thông tư liên tịch giữa các bộ và thông tư liên tịch giữa các bộ được ban hành trước ngày 1/7/2016 sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, có 6 thông tư liên tịch nhằm hướng dẫn Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Bộ luật Tố tụng Hình sự (cùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) nằm trong diện có nguy cơ nợ khá cao vì đều chỉ đang trong quá trình soạn thảo.
Cụ thể là Thông tư liên tịch quy định mối quan hệ phối hợp giữa Cơ sở giam giữ với các Cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (hướng dẫn Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam) và 5 thông tư liên tịch hướng dẫn Bộ luật Tố tụng Hình sự gồm Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến bào chữa.
Trong đó, Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm; Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội; Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Các thông tư liên tịch này nếu muốn ban hành phải được đích thân cấp trưởng ký, chứ không để cấp phó ký thay như hiện nay theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đó là chỉ có hình thức thông tư liên tịch giữa Chánh án TANDTC với Viện trưởng VKSNDTC; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC.
Đối với 7 thông tư liên tịch giữa các bộ, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị các bộ phải khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để ban hành trong tháng 6/2016. Trường hợp không kịp ban hành thông tư liên tịch trước ngày 1/7/2016, các bộ cần chủ động đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ để quy định các nội dung được giao liên tịch trong luật hoặc ban hành thông tư theo thẩm quyền của bộ quản lý trên cơ sở có ý kiến thống nhất của các bộ liên quan.