Theo đó, NĐ này quy định về lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL, đánh giá tác động của chính sách, soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo Văn bản QPPL; thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản QPPL, trừ văn bản QPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Công báo và niêm yết văn bản QPPL; dịch văn bản QPPL ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL; bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản QPPL.
Theo NĐ 34, quyết định của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản QPPL trong các trường hợp sau: Phê duyệt chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch; giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội chơ cơ quan, đơn vị; thành lập trường đại học, thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng, ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định; khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức; các quyết định khác không có nội dung quy định tại Điều 20 của Luật.
NĐ cũng quy định rõ, nghị quyết do HĐND và quyết định do UBND ban hành không phải là văn bản QPPL trong các trường hợp sau: Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu HĐND và các chức vụ khác; Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu HĐND và bầu các chức vụ khác; Nghị quyết giải tán HĐND; Nghị quyết phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Nghị quyết thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND; quyết định thành lập các ban, ban chỉ đạo, hội đồng, ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định; Nghị quyết tổng biên chế ở địa phương; Nghị quyết dự toán, quyết toán ngân sách địa phương…
Theo NĐ 34, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định đề nghị xây dựng văn bản QPPL, tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội do Chính phủ trình, NĐ của Chính phủ đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng; tổ chức các hội thảo, tọa đàm về đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội, NĐ của Chính phủ.
Trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức họp tư vấn thẩm định hoặc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ,TB & XH, Văn phòng Chính phủ và cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
NĐ 34 còn quy định chi tiết về thủ tục kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật. Theo đó, thủ tục do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiến hành, khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, người đứng đầu tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ kết luận kiểm tra, gửi cơ quan, người đã ban hành văn bản để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp thủ tục do Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành, khi kiểm tra, phát hiện văn bản trái pháp luật, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL kết luận kiểm tra, gửi cơ quan, người đã ban hành văn bản để xem xét, xử lý. Đối với nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ trong thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC thì sau khi nhận được kết luận kiểm tra, các cơ quan đã ban hành thông tư liên tịch phải phối hợp để xem xét, xử lý theo quy định.
Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật không xử lý hoặc Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL không nhất trí với kết quả xử lý thì Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 118 và Điều 119 của NĐ này.