QTV - Với lợi thế hàng nghìn ha mặt nước biển được quy hoạch đưa vào nuôi thủy sản trên biển, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đang phát huy thế mạnh của một huyện đảo với nhiều lợi thế nuôi các loài nhuyễn thể như: hầu, tu hài, trai lấy ngọc…
Tuy nhiên, hiện nay những sản phẩm này vẫn mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường trong nước và chưa tạo được sản phẩm chủ lực để xuất khẩu, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn xuất phát từ việc chưa có cơ cở chủ động sản xuất con giống trên địa bàn, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế kéo theo đó hạ tầng vùng nuôi còn manh mún, chưa tập trung… Điều này cho thấy sự cần thiết trong việc đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống và nuôi nhuyễn thể trên địa bàn huyện đảo.
Vân Đồn có nhiều lợi thế để nuôi nhuyễn thể |
Hàng năm, bà con ngư dân Vân Đồn đã đánh bắt và khai thác các nguồn lợi tự nhiên này và tạo được thương hiệu riêng cho Vân Đồn. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, những khó khăn về điều kiện tự nhiên cũng như nhân tố khách quan đã tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế rõ nét ở Vân Đồn. Số lượng tàu đánh bắt cá trên địa bàn huyện có xu hướng giảm, thay vào đó, người dân tập trung vốn vào nuôi trồng các loài nhuyễn thể.
Từ năm 2005, ngành thủy sản đã thử nghiệm một số mô hình nuôi nhuyễn thể ở huyện Vân Đồn như ngọc trai, tu hài, ốc hương…bước đầu đã cho hiệu quả rõ rệt. Đến nay, nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn huyện đã phát triển cả về quy mô và diện tích. Tu hài và hàu biển Thái Bình Dương là 2 đối tượng nuôi mang lại kinh tế cao, được người dân huyện đảo Vân Đồn quan tâm nhiều nhất.
Nhờ nuôi tu hài, nhiều hộ dân ở các xã tuyến đảo như Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, thời gian gần đây, loài nhuyễn thể đang đuợc các hộ dân ở huyện Vân Đồn đầu tư nuôi nhiều là hàu Thái Bình Dương.
Năm 2008, tổng giá trị thu về từ nghề nuôi hàu trên địa bàn huyện đạt hơn 20 tỷ đồng. Đến năm 2010, con số này lên đến con số trên 100 tỷ đồng. Những kết quả này cho thấy, việc nuôi các loài nhuyễn thể tại huyện đảo Vân Đồn đang từng bước khẳng định thế mạnh, là ngành mũi nhọn của huyện đảo.
Đối với người dân, điều quan trọng đặt ra khi nuôi các loài nhuyễn thể này là Vân Đồn chưa có trung tâm giống để đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng của các loài nhuyễn thể trên địa bàn. Các cơ sở sản xuất giống thủy sản, chủ yếu là giống nhuyễn thể và cá biển trên địa bàn huyện chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng thủy sản, người nuôi phải đi khai thác tự nhiên và nhập từ ngoài tỉnh. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm tra giống cũng như quá trình nuôi của các hộ dân.
Chuyển dịch từ khai thác thủy sản ven bờ kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi nhuyễn thể là một xu thế tất yếu trên lộ trình phát triển kinh tế của huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế của Vân Đồn vẫn phải giữ được sự cân bằng giữa đánh bắt thủy sản từ nguồn lợi tự nhiên và nuôi nhuyễn thể để góp phần phát huy được tiềm năng vốn có của huyện đảo; nhất là việc giúp cho nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trong khu vực được phục hồi từ việc bổ sung nguồn giống một cách ngẫu nhiên trong quá trình nuôi nhân tạo.
Đinh Hằng