Mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa bao giờ vấn đề quản lý quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ ở nước ta lại trở thành vấn đề “nóng” như hiện nay. Lời giải nào cho bài toán cán bộ không chỉ là câu hỏi nhức nhối đối với các nhà quản lý mà còn là sự quan tâm của toàn xã hội…
Các thí sinh làm bài thi tuyển công chức vào Bộ Nội vụ. Ảnh minh họa: Anh Sơn |
Sâu sắc lời Bác dạy
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ. Người nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; vì vậy, vấn đề cán bộ là vấn đề trọng yếu và rất cần thiết. Trong tiêu chuẩn chọn lựa cán bộ, Bác cũng nói rõ: Chọn những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn...; những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Người cũng thẳng thắn phê phán sai sót trong công tác cán bộ: Ham dùng người bà con quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh dùng những người tính tình không hợp với mình...
Thực tế công tác cán bộ hiện nay như thế nào; cơ chế sử dụng người tài vận hành ra sao?. Có thể thấy rằng, công tác công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ ở nước ta đã được quan tâm nhưng cũng phải thấy rằng vấn đề này hiện cũng đang tồn tại nhiều bất cập, trở thành một nguy cơ không nhỏ.
Chẳng thế mà tại Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch cán bộ do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại TP.HCM ngày 20/8/2012, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đã thừa nhận: “Nhìn chung, quy hoạch cán bộ còn chưa có sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa địa phương với trung ương, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác với nhau dẫn đến có sự cắt khúc trong công tác quy hoạch. Nơi thiếu cán bộ thì vẫn thiếu, mà nơi thừa thì vẫn cứ thừa. Bên cạnh đó, chúng ta chưa quyết tâm xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, dẫn đến có sự cắt khúc trong công tác quy hoạch”.
Theo ông Tô Huy Rứa, chính vì những yếu kém trên nên khi bầu cử hoặc thay thế cán bộ, không ít nơi rơi vào tình trạng bị động, lúng túng trong khâu nhân sự. Nhiệm kỳ tới đây, cả thường trực 16 tỉnh ủy, thành ủy dự kiến sẽ không đủ tuổi tái cử; 28 tỉnh, TP chỉ có một người trong thường trực còn đủ tuổi; hơn một nửa số ủy viên thường vụ cấp ủy của hơn 50 tỉnh, TP dự kiến sẽ không đủ tuổi tham gia cấp ủy khóa tới…
Nếu bảo nhìn vào chất lượng các chính sách ban hành và sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công để đánh giá chất lượng cán bộ thì càng đáng lo. Từ quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, xử phạt hành vi sử dụng điện thoại ở cây xăng, quản lý chó mèo, phạt hành vi đổ rác không đúng nơi quy định cho đến những đề xuất kiểu phạt người đi xe không “chính chủ”… mà nói như Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh là kiểu “ngồi trên trời làm chính sách” cho thấy một sự xộc xệch và yếu kém đáng báo động của một bộ phận đội ngũ cán bộ của các Bộ, ngành trung ương – một lực lượng mà trong đó có không ít cán bộ sẽ là nguồn dự bị quan trọng trong công tác quy hoạch nhân sự.
Mới đây, dư luận tá hỏa trước những thông tin như chạy công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng, rồi ở Nghệ An có nơi “quan” nhiều hơn “lính”…với những con số đáng để giật mình với quá nhiều điều để rút ra.
Chúng ta cứ nói nhiều về quy chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, cứ hô hào tinh giản biên chế nhưng bộ máy cán bộ ở các ngành, các địa phương mỗi ngày cứ phình ra và chất lượng cán bộ, đạo đức công vụ vẫn tiếp tục là thách thức với nền hành chính. Vì vậy, hãy một lần nữa nhìn thẳng thực trạng để cải cách một cách triệt để, căn cơ và khoa học. Hãy mạnh dạn đột phá trong cơ chế. Lấy thực tài để trọng dụng và lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân làm tiêu chí trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Mà đâu phải chúng ta chưa có tiền lệ. Đó là thi tuyển để chọn cán bộ ở Đà Nẵng, Quảng Ninh; Đó là để cho người dân chấm điểm cán bộ công chức ở quận 1, TPHCM. Hãy học tập và nhân rộng những mô hình, cách làm ưu việt ấy. Có như vậy dân mới được nhờ, nước mới mạnh hơn.
Cần cái tâm, cái tầm của người làm công tác cán bộ
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu lên 3 vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay; Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rọi lại tư tưởng của Bác về công tác cán bộ, đặt ra nhiều vấn đề để chúng ta mổ xẻ, phân tích sâu sắc hơn nữa về những yếu kém trong công tác cán bộ đã qua để chúng ta có đủ điều kiện thực hiện tốt hơn những vấn đề trong công tác cán bộ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang quan tâm.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch cán bộ nói trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Việc quy hoạch cán bộ dứt khoát phải được điều chỉnh và làm tốt hơn vì đây là một nhiệm vụ không thể không làm. Cán bộ là hạt nhân nòng cốt của tổ chức, là người lãnh đạo dẫn dắt quần chúng, tổ chức điều hành công việc. Bởi vậy ở bất cứ lĩnh vực nào cán bộ cũng là cái gốc của công việc, có vai trò quyết định”.
Tổng Bí thư cho rằng, trong công tác đánh giá cán bộ quan trọng là tâm, tầm của người đánh giá. Người đánh giá bao gồm cả thủ trưởng chịu trách nhiệm và cơ quan tham mưu phải trong sáng, khách quan, công tâm, đầy kinh nghiệm, phải có con mắt tinh đời, có tầm nhìn. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh bố trí cán bộ là một vấn đề cực kỳ hệ trọng, bố trí sai một ly thì sẽ đi một dặm, rất nguy hiểm. Do đó, việc quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ phải cẩn trọng, vừa chặt chẽ, vừa tỉnh táo lại vừa cần tính hợp lý nếu không sẽ dẫn đến hậu quả không ngờ là vô tình tạo nên nhóm lợi ích. Bên cạnh đó phải có chính sách trọng dụng nhân tài của đất nước.
Xem ra, hơn 500 năm trôi qua, nhưng tinh thần của câu nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia” vẫn còn giữ nguyên tính thời sự và cấp bách, là lựa chọn không thể khác trong tiến trình phát triển của dân tộc. Chúng ta tự tin với trí tuệ Việt Nam, một niềm tin đã được thử thách qua hơn 4000 năm lịch sử. Một trí tuệ đã đưa dân tộc ta vượt bao thách thức, chiến thắng bao kẻ thù hùng mạnh. Vậy tại sao cũng trí tuệ ấy không thể được phát huy trọn vẹn trong bối cảnh hôm nay, để đưa đất nước bay lên, hóa rồng hùng mạnh hiên ngang sánh vai với các dân tộc khác trong cuộc đua tranh vì sự ấm no, giàu mạnh của nhân dân Việt Nam và sự hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới?
Lời giải có lẽ nằm ở sự đồng sức, đồng lòng của tòa đảng, toàn dân và đặc biệt là cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo, người làm công tác tổ chức cán bộ.
Quang Dục