Loay hoay sống cạnh... ‘‘Thần chết”

Mặc dù các vụ án liên tiếp xảy ra, hung thủ là những người tâm thần không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng vấn đề quản lý những “thần chết” này vẫn loay hoay như “gà mắc tóc”…
Mặc dù các vụ án liên tiếp xảy ra, hung thủ là những người tâm thần không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng vấn đề quản lý những “thần chết” này vẫn loay hoay như “gà mắc tóc”…
Người tâm thần gây án, đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng, bức xúc và ám ảnh trong dư luận xã hội. Gần 50% số người bệnh tâm thần của cả nước vẫn sống chung với cộng đồng, đe dọa đến sự an toàn xã hội. 
ảnh minh họa
Ảnh minh họa
54 % số người bệnh được quản lý
Thực trạng cho thấy, có quá nhiều các vụ giết người do người tâm thần gây án. Người ta không còn thấy xa lạ với những câu chuyện cha con giết hại nhau, vợ giết chồng, hay anh em lấy mạng nhau do những người tâm thần gây ra. Đây là loại án không mới nhưng cho đến nay vẫn không giải quyết được, thậm chí không thể đề phòng được. 
Không ai, kể cả các thầy thuốc có thể biết được bao giờ nhười bệnh tâm thần lên cơn hung dữ, bao giờ cái con người lúc nào cũng cười mủm mỉm hiền lành như cục đất kia lại đùng đùng cầm dao chém loạn xà ngầu, giết người không ghê tay. Vậy mà họ đang chung sống cùng chúng ta, chúng ta có thể gặp họ bất kỳ đâu trong xã hội, có thể dưới hình thức một người lang thang, đầu bù tóc rối bẩn thỉu, lại cũng có thể là một người ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ…
Phiền một nỗi có thể họ có tiền sử tâm thần, mà tiền sử này cũng chỉ gia đình họ biết, nhưng cũng có thể họ chưa bao giờ đi khám bệnh tâm thần, và lần đầu tiên phát bệnh, có khi là đột ngột, họ đã cầm hung khí gây án.
Ngày 14/4 vừa qua, cả gia đình chị Nguyễn Thị H (SN 1980, ở thôn Hoàng Dương, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), và hàng xóm chết lặng khi chồng chị H, là Nguyễn Văn Hưởng (SN 1970), có tiền sử bệnh tâm thần, từng được gia đình đưa đi điều trị 9 tháng tại bệnh viện tâm thần Hà Nội vào năm 1997, đã ra tay bóp cổ hại chết con gái mới 12 ngày tuổi của chính anh ta.
Mới đây, dư luận cũng đã xôn xao về vụ chị Đặng Thị Ngát cùng hai con là Nguyễn Mạnh Dũng (SN 2007) và Nguyễn Phú Minh (SN 2009) ở Miêng Hạ, Ứng Hòa bị giết chết trên giường ngủ ngày 21/9/2011. Kẻ đang tâm giết hại 3 mẹ con họ được nhanh chóng làm rõ, không phải ai khác chính là người chồng, người cha của các nạn nhân, Nguyễn Văn Mạnh, bệnh nhân tâm thần đang điều trị ngoại trú, đêm hôm đó trong một cơn hoang tưởng bị hại đã xuống tay giết hại vợ con.
Đó chỉ là một, hai trong vô số những vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra. Tuy nhiên, hiện nay cả nước mới chỉ có khoảng 54 % số người bệnh tâm thần được quản lý, điều trị. Số còn lại vẫn chưa được cách ly, tiềm ẩn những tai họa hết sức nguy hiểm cho cộng đồng.
Hiện nay, ở nước ta có khoảng 12 triệu người mắc và có dấu hiệu liên quan đến bệnh tâm thần. Khảo sát cho thấy khoảng 14,9 % dân số hay mắc phải 10 bệnh tâm thần thường gặp. Theo Bác sĩ La Đức Cương, giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương, cả nước có khoảng 8.000 xã có thể quản lý điều trị người bệnh tại cộng đồng, còn 4.000 xã chưa quản lý được. Cụ thể, số bệnh nhân tâm thần cả nước khoảng 329.910 bệnh nhân, trong đó được quản lý là 177.357 bệnh nhân tức là mới chỉ có khoảng 54 % số bệnh nhân được quản lý, còn lại gần 150.000 người bệnh vẫn sống chung, tiềm ẩn nguy hiểm cho cộng đồng. 
Gọi là quản lý, nhưng người bệnh vẫn sống chung với gia đình, cộng đồng, đến kỳ khám bệnh thì lên trạm xá xã khám, lấy thuốc. Các gia đình cũng không được huấn luyện, hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân và hoàn toàn không được hướng dẫn về các biện pháp đề phòng bệnh nhân gây án. Nguy hiểm hơn là có một số không nhỏ bệnh nhân tâm thần hoặc trốn nhà hoặc gia đình từ bỏ hiện sống lang thang, có thể gây án không chỉ vì cơn bệnh mà cả nhu cầu sống như do đói khát, thèm muốn…
Quản lý bệnh nhân tâm thần kém, do đâu?
PGS. TS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia cho rằng: Một trong số những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc quản lý, điều trị người bệnh tâm thần thiếu hiệu quả đó là tình trạng thiếu cán bộ chuyên khoa. GS Bình cho hay: Hầu hết các cơ sở xã, phường đều không có bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các y bác sĩ khác thì không có kiến thức chuyên môn. Năm 2011, cán bộ chuyên khoa trong cả nước là 4000 người, chỉ có 800 bác sĩ, tỷ lệ 1/100.000 dân. So với tỷ lệ trên thế giới (1 bác sĩ/30.000 dân) thì rõ ràng Việt Nam cần có thêm 1.500 bác sĩ tâm thần. Và cũng chỉ mới có 15 cán sự tâm lý và chưa có cán sự xã hội. Vì thế, việc điều trị, chẩn đoán, chăm sóc tại cơ sở cũng rất hạn chế.
Còn theo Bộ Y tế, một nguyên nhân nhức nhối khác là thiếu Bệnh viện và giường bệnh trầm trọng. Hiện cả nước mới chỉ có 33 bệnh viện tâm thần tại 30 tỉnh, thành phố. Tính riêng Hà Nội có 3 bệnh viện mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh thực tế. Còn lại các tỉnh thành khác cũng có chuyên khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa nhưng ở tình trạng thiếu cán bộ chuyên khoa. Bình quân toàn quốc có 12 giường bệnh/100.000 dân cho bệnh nhân tâm thần.
Nếu tính cả số giường bệnh dành cho bệnh nhân tâm thần đã được điều trị ổn định, cần duy trì quản lý tại các trung tâm của ngành lao động - thương binh và xã hội thì tổng số có trên 19 giường/100.000 dân, trong khi yêu cầu tối thiểu phải có 30 giường bệnh/100.000 dân cho bệnh nhân tâm thần.
Mặt khác, ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương thì cho rằng chính sách thu hút đối với cán bộ chuyên khoa tâm thần còn thấp. Thu nhập vài ba triệu đồng một tháng, lại phải làm việc vất vả, cường độ và áp lực công việc cao do thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần “nguy hiểm”, nên việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tâm thần hàng năm là rất khó khăn, đặc biệt là ở tuyến tỉnh.
Thực trạng “khát” bác sĩ tâm thần đang diễn ra phổ biến. Ông Cương nhận định, muốn nâng tỷ lệ bác sĩ tâm thần lên 2/100.000 dân với điều kiện hiện tại, đang thiếu khoảng 700 – 800 bác sĩ và nếu bù đắp thì cần phải ít nhất 14 năm nữa mới đạt được chỉ tiêu này, vì hiện tại mỗi năm mới đào tạo được khoảng 100 bác sĩ chuyên khoa, và như thế phải cần tới 8 năm, cộng với 6 năm đào tạo trong trường.
Cũng theo ông Cương, tâm thần là bệnh mãn tính kéo dài, vì thế hiệu quả điều trị đối với bệnh nhân chưa thể nhìn thấy ngay. Những hiểu biết của cộng đồng xã hội về bệnh tâm thần đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Nhắc đến tâm thần, nhiều người còn hiểu sai, đồng nghĩa tâm thần với điên, tỏ thái độ kỳ thị, xa lánh. Ngay cả người nhà bệnh nhân cũng không có kiến thức về người bệnh và nhiều lúc còn sợ không dám đến gần, chưa quan tâm đúng mức đến người bệnh.
Điển hình là trường hợp của Hà Văn Pẩu. Cuối năm 2011, cả xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đều ăn ngủ không yên trong nỗi hoang mang bởi kẻ tâm thần từng giết hại và ăn thịt trẻ con năm 2008 là Hà Văn Pẩu được khỏi bệnh trả về “tái nhập cộng đồng”. Mặc dù sau 3 năm điều trị cho Hà Văn Pẩu, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương cho rằng bệnh tình của Pẩu đã ổn định. Nhưng khi đề nghị người nhà tiếp nhận, cả hai người anh em của Pẩu lại chối đây đẩy vì lý do họ lam lũ cả ngày ngoài đồng ruộng, không thể trông giữ anh.
Gia đình từ chối, dân làng hoang mang, lo sợ “thần chết” trở về, cuối cùng giải pháp tạm thời là chính quyền phối hợp với gia đình đưa Pẩu... trả lại bệnh viện. Tuy nhiên, Bệnh viện Tâm thần lại gặp vấn đề không biết lấy kinh phí ở đâu để nuôi và tiếp tục điều trị bệnh cho anh Pẩu. Phải bàn mãi, cuối cùng UBND tỉnh can thiệp, anh Pẩu mới được đưa trở lại bênh viện. 
Sự lo lắng của nhân dân trước các bệnh nhân tâm thần là dễ hiểu. Không có bác sĩ tâm thần nào dám khẳng định bệnh nhân tâm thần đã khỏi bệnh hẳn. Trên thực tế bệnh nhân tâm thần thường chỉ khỏi bệnh một thời gian và sau đó lại tái phát, vấn đề ở chỗ không ai biết bao giờ bệnh tái phát và mức độ bệnh, hoặc tình trạng bệnh như thế nào. Và nếu bệnh nhân tâm thần phát bệnh cũng chưa thể đưa bệnh nhân vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc được bởi những vấn đề về pháp lý.
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp luật, một  luật sư của Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự bày tỏ quan điểm: “Tháng 7-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Tuy nhiên, việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Mà người tâm thần thì có tới 99% là không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, không thấy văn bản pháp luật nào khác quy định người nào, cơ quan nào... có trách nhiệm đưa người mắc bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị, cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp nhận người mắc bệnh hay cơ quan có thẩm quyền bắt buộc người mắc bệnh tâm thần phải điều trị để ngăn ngừa người mắc bệnh tâm thần có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Nói một cách khác là vấn đề trách nhiệm xã hội ở đây còn hời hợt, chưa sâu sát, hiệu quả”. Nghĩa là chỉ khi nào người tâm thần gây án, các cơ quan bảo vệ pháp luật mới có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Như vậy bệnh nhân tâm thần mặc dù nguy cơ gây án cao nhưng cũng chưa có các biện pháp phòng ngừa cụ thể và hiệu quả. Rõ ràng cần sớm có công cụ pháp lý để điều chỉnh các hoạt động đối với bệnh nhân tâm thần nhằm ngăn ngừa các thảm họa do họ gây ra.
Ngoài các nhóm nguyên nhân trên, vấn đề quản lý người tâm thần nói chung, người tâm thần gây án nói riêng còn gặp không ít khó khăn trong việc sàng lọc, xét duyệt diện đối tượng bệnh nhân tâm thần theo các quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh tâm thần. Nguyên nhân chính vì có nhiều gia đình hám lợi trước mức trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, tìm mọi cách biến con em mình chưa rõ có bị tâm thần hay không trở thành “con bệnh trên giấy tờ”.
Ông Trần Quốc Quảng - cán bộ xã Nông Trường, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho biết: “Hiện nay, toàn xã Nông Trường có 158 người bị bệnh tâm thần xin xác nhận để hưởng trợ cấp tiền hàng tháng theo NĐ 67/CP và NĐ 13/CP. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 83 hồ sơ được UBND huyện duyệt để hưởng trợ cấp. Số hồ sơ chưa được xét duyệt đang chờ cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu do có nghi ngờ tính xác thực của hồ sơ bệnh nhân tâm thần mới phát sinh”.
Những giải pháp cần thiết
Để giải quyết được vấn đề về người tâm thần, theo PGS.TS Trần Văn Cường, phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho rằng, cần phải hiểu đúng đắn về bệnh tâm thần.
Theo đó, có hơn 300 loại rối loạn tâm thần với những mức độ khác nhau. Có loại rối loạn đến mức không kiểm soát được hành vi trong tất cả thời gian sống, có loại chỉ rối loạn nhân cách ở một vài mặt trong đời sống. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả cuốn “Bệnh tâm thần” đã kể một chuyện có thật ở một trường trung học tỉnh Phú Thọ về một trường hợp mắc bệnh tâm thần dạng thái đa nhân cách. Có một thầy giáo dạy Toán rất giỏi. Học sinh của thầy thường được đi thi học sinh giỏi các cấp.
Bỗng nhiên một hôm đang dạy học, thầy xin lỗi học sinh, ra đứng ở ngay hàng hiên lớp học, vạch quần tiểu tiện ngay trước mắt học sinh trong lớp. Tiểu tiện xong thầy vào dạy bình thường, thao thao bất tuyệt, không có dấu hiệu rối loạn tư duy. Ba tháng sau thầy phải đi bệnh viện tâm thần vì thầy thích cả... đại tiện trên giường.
Lại có một chuyện, một ông họa sĩ tờ báo nọ ở Hà Nội nuôi một mẹ già 80 tuổi. Không hiểu tại sao bà cụ già suốt ngày ra vòi nước rửa tay, rửa suốt ngày. Bực mình ông cấm bà cụ ra vòi nước. Không ngờ có một đêm nghe bà cụ hét lên, ông chạy bổ xuống bếp thấy bà già đang cầm dao cố chặt tay mình. Thì ra bà cụ mắc một dạng tâm thần phân liệt, dạng hoang tưởng bị bẩn.
Có hai nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần. Một là do tổn thương não và các tổ chức thần kinh Trung ương do tai nạn, nhiễm trùng thần kinh (viêm não, giang mai thần kinh...), nhiễm độc thần kinh: nghiện rượu, ma tuý, nhiễm độc thực phẩm, nhiễm độc hóa chất công nghiệp, nông nghiệp…
Nguyên nhân thứ hai khiến bệnh phát sinh do các nguyên nhân tâm lý: áp lực công việc, trầm cảm, môi trường càng ô nhiễm, tiếng ồn càng nhiều, cuộc sống càng căng thẳng thì bệnh càng tăng. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành mối nguy hiểm, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì thế, theo ông Cường, Nhà nước cần xây dựng thêm các bệnh viện tâm thần, đầu tư đào tạo, thu hút thêm đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Đồng thời phía các gia đình bệnh nhân cũng cần có sự hiểu biết đúng đắn về căn bệnh này, không kỳ thị, xa lánh bệnh nhân mà quan tâm, theo dõi sát sao hơn, phối hợp cùng các cơ sở y tế để tránh các hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ La Đức Cương cho rằng: Nên xây dựng Luật sức khỏe tâm thần. Và cần phải thay đổi môi trường sống cải thiện theo hướng tích cực. Vì cứ đà áp lực cuộc sống tăng lên chóng mặt, nhất là stress đang là thảm họa đối với đời sống hiện đại, dự đoán năm 2020, có tới 20% dân số nước ta mắc các bệnh lý về tâm thần là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ý kiến của vị luật sư nọ, việc cần làm ngay là lấp đầy kẽ hở pháp lý. Cần có công cụ để giám sát, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, phòng ngừa bệnh nhân tâm thần gây án. Theo vị này, tuy người tâm thần không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng  cần phải xem xét đến trách nhiệm của gia đình và xã hội. Đồng thời phải quy trách nhiệm liên đới nếu các cơ sở y tế khám chữa bệnh tâm thần, không đáp ứng quy định phải có số giường bệnh tối thiểu và từ chối tiếp nhận người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh đó phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra.
Thêm một kiến nghị nữa, cần sớm tăng cường công tác truyền thông trong chương trình phòng chống bệnh tâm thần. Không chỉ tuyên truyền về các biện pháp chăm sóc bệnh nhân, hạn chế nguy hiểm do bệnh nhân gây ra, mà còn phải tuyên truyền để mỗi người tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình.
Xin nhắc lại định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức y tế thế giới:  Sức khỏe là trạng thái tốt nhất về thể chất và tâm thần của con người.
Theo An ninh Thủ đô

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.