Khoảng 25 lao động thuộc Cty TNHH PBNC (là DN cho thuê lại lao động, trụ sở tại tỉnh Đồng Nai) những ngày qua liên tục tụ tập trước cổng Cty CX Tech, Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, quận 7, TP.HCM (là DN thuê lại lao động) để đòi lương. Trước đó, hàng loạt Cty kinh doanh dịch vụ bảo vệ tại TP.HCM cũng chậm lương, không ký hợp đồng lao động cho công nhân (CN), trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)… Hiện tượng này đang đặt ra câu hỏi lớn về pháp luật cho thuê lại lao động hiện hành.
Công nhân của Cty PBNC kéo lên Cty CX Tech đòi lương. |
Kinh doanh như ở… chợ
Cty PBNC có trụ sở chính tại tỉnh Đồng Nai, chuyên kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động. Cách đây hơn một tháng, Cty này huy động khoảng 25 lao động tự do đến từ nhiều tỉnh, thành, sau đó thỏa thuận miệng với số CN này lên TP.HCM làm việc tại Cty CX Tech theo hình thức “cho thuê lại lao động”. Công việc là kiểm tra, phân loại, đóng gói các sản phẩm bằng sắt bị lỗi, ngày làm 10 tiếng đồng hồ từ 8h sáng đến 6h tối, trong vòng 1 tháng. Cty PBNC sẽ chịu trách nhiệm trả lương mỗi CN là 140.000 đồng/ngày…
Thế nhưng sau khi kết thúc công việc, các CN chỉ được ông Phạm Văn Tuân – Giám đốc Cty PBNC trả 85% lương, tính ra mỗi CN bị trừ mất khoảng 1 triệu đồng?. Giải thích với báo chí, ông Tuân nói lỗi là do phía Cty CX Tech đã trừ tiền công của PBNC khoảng 15%. Chính vì thế PBNC phải trừ ngược lại phía CN?.
Trong khi đó, làm việc với phóng viên (PV) về các vấn đề liên quan đến việc trả lương thiếu cho CN và thực hiện hợp đồng dịch vụ với đối tác, đại diện Cty CX Tech lại cho rằng đã thực hiện đúng toàn bộ các cam kết theo hợp đồng.
Trước đó, Cty CX Tech đã thỏa thuận lại với ông Tuân về việc thực hiện hợp đồng, cách trả công theo sản phẩm, sau đó đến ngày thanh lý hợp đồng chính ông Tuân đã ký nhận, đóng dấu Cty vào biên bản cam kết và nhận đủ hơn 119 triệu đồng, vậy việc trả lương thiếu cho CN là lỗi của Cty PBNC.
Rốt cuộc, trong khi cả hai phía đổ lỗi cho nhau thì đến giờ này 25 CN vẫn chưa nhận đủ phần lương của mình. Đáng nói, toàn bộ số CN này cũng không hề được phía Cty PBNC ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ), không đóng BHXH như những lời ‘rao” hoa mỹ trên trang web?.
Câu chuyện bát nháo về loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động “nóng” nhất hiện nay là ở các Cty bảo vệ. Liên tục thời gian gần đây PV PLVN nhận được rất nhiều yêu cầu của các nhân viên bảo vệ phản ánh họ bị nợ lương, không được ký HĐLĐ, đóng BHXH… Hàng loạt bảo vệ là người của Cty dịch vụ bảo vệ Thắng Lợi, quận Bình Thạnh, TP.HCM liên tục thời gian gần đây vào tháng 7, tháng 8, tháng 9 cứ mỗi lần đến kỳ nhận lương lại phải… đình công, trầy trật mãi mới đòi được ít tiền.
Trước đó, bên “thuê lại lao động” là Ban quản lý tòa nhà SunRise City, quận 7 đã trả tiền công cho phía “cho thuê lại lao động” là Cty Thắng Lợi. Thế nhưng, Cty này lại không chịu trả lương cho các bảo vệ. Bà Hồ Thanh Lý – Giám đốc BHXH quận Phú Nhuận cho biết, Cty này tham gia BHXH cho 68 lao động, do trốn đóng nên cuối năm 2012 đã bị khởi kiện ra tòa, hiện cơ quan thi hành án đang xúc tiến làm việc.
Trong khi đó, hàng loạt lao động ở các Cty bảo vệ khác tố cáo với PV việc bị chậm lương, không ký HĐLĐ, không đóng BHXH tại các DN kiểu này diễn ra như cơm bữa, lao động ai thích thì vào, không thích thì nghỉ, cứ như một cái… chợ?.
Luật chưa đi vào thực tiễn?
Liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động, tại Điều 54 Bộ luật Lao động có hiệu lực từ tháng 5/2013 đã quy định rất cụ thể, sau đó Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 55/2013/NĐ-CP hướng dẫn một cách chi tiết.
Để được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, DN phải đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe, như: có đăng kí ngành nghề cho thuê lại lao động, đã thực hiện kí quỹ 2 tỉ đồng, địa điểm đặt trụ sở phải ổn định và có thời hạn ít nhất từ 2 năm trở lên, người đứng đầu DN phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 3 năm trở lên…
Thế nhưng, có vẻ như chừng đó là chưa đủ chi tiết?. Chính vì thế hoạt động này hiện đang diễn ra một cách khá bát nháo, đặc biệt là tại các Cty dịch vụ bảo vệ, các DN cho thuê lại lao động nhỏ lẻ, và việc ký quỹ 2 tỉ đồng thì hầu như chưa có DN nào thực hiện... Rốt cuộc, đến khi xảy ra sự cố chỉ có người lao động là chịu thiệt.
Đáng nói, theo quy định pháp luật, hoạt động cho thuê lại lao động chỉ được thực hiện nhằm mục đích: Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực, thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân, hoặc giảm bớt thời giờ làm việc… thế nhưng, hiện nay hầu như các DN đang hoạt động theo kiểu “thích gì làm nấy”.
Chính vì thế khi trả lời PV, vị đại diện Cty CX Tech đã không ngần ngại nói thẳng đây là lần đầu tiên Cty áp dụng hình thức “thuê lại lao động” vì cần giao hàng gấp. Tuy nhiên, Cty cũng không hiểu gì về đối tác mà chỉ “sợt” thông tin trên mạng.
Đặc biệt, phía Cty CX Tech thuê lại lao động từ phía Cty PBNC để làm không thuộc một trong 17 ngành nghề được cho phép theo danh mục của Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định. Thế nhưng, DN thuê lại thì không nắm rõ điều này, còn phía nhà cung cấp lao động thì vẫn cứ “hồn nhiên” đáp ứng, trong khi cơ quan quản lý cũng chẳng hay?.
Liên quan đến vấn đề này, một số DN cho biết, mặc dù Luật, Nghị định đã có nhưng đến giờ họ vẫn chưa thấy có thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện, nên cứ “nghĩ gì làm nấy”?.
Lam Sơn