(ĐNĐT) - Thị trường chứng khoán thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng giữa lúc các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ nần Hy Lạp sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu do lo sợ cuộc khủng hoàng Hy Lạp sẽ lan rộng sang các nước khác. |
Sự chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu xảy ra một ngày sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua kế hoạch cắt giảm chi tiêu nhằm đổi lấy gói cứu trợ của Quỹ tiền tệ Quốc tế trị giá 110 tỷ euro.
Các lãnh đạo EU đang nhóm họp tại Brussels để hoàn tất về chi tiết của khoản cho vay này. Trong khi đó, các bộ trưởng nhóm G7 cũng đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Hy Lạp và hậu quả của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.
Andrew Balls, người đứng đầu chi nhánh tại châu Âu của Pimco, một công ty đầu tư nợ lớn nhất thế giới, nói rằng: “Chúng ta đang gặp phải một vấn đề, nó xuất phát từ Hy Lạp và nó sẽ lan rộng ra nữa”.
Cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã có mức thâm hụt ngân sách cao và đều bị tụt hạng theo bảng đánh giá chỉ số tín nhiệm Standard & Poor.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Thượng Hải (Trung Quốc), Hồng Kông, Đài Loan, Singapore... cũng suy giảm.
Trước tình hình trên, Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết sẽ bơm thêm 20 tỷ USD dưới dạng các khoản cho vay ngắn hạn vào các ngân hàng nhằm đẩy mạnh tính thanh khoản.
Ngày 8-5, lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã kêu gọi một cơ chế ổn định với hy vọng làm giảm bớt căng thẳng của thị trường bởi cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp trước khi các phiên giao dịch trên toàn thế giới mở cửa lại vào ngày 10-5.
Sau cuộc hội đàm với Ngân hàng trung ương châu Âu, lãnh đạo 16 nước sử dụng đồng tiền chung cho rằng họ sẽ thực hiện bất kỳ bước đi nào cần thiết để bảo vệ tính ổn định của khu vực châu Âu.
Cả Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi và Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy đã hủy bỏ chuyến đi Moscow để đánh dấu kỷ niệm chiến thắng phát xít, để tiếp tục tham vấn về cuộc khủng hoảng.
Chủ tịch EU, Herman Vann Rompuy cho rằng: “Để đối phó với tình hình khác thường này, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất một cơ chế nhằm bảo vệ sự ổn định tài chính tại châu Âu”. Đề xuất sẽ được đệ trình để được thông qua tại một cuộc họp khẩn cấp Ủy ban tài chính và kinh tế EU vào ngày 9-5.
Thủ tướng Phần Lan, Matti Vanhanen cho rằng, nếu hiệu ứng domino bắt đầu, sẽ không có nền kinh tế nào bình an vô sự.
Tổng thống Pháp, Nicholas Sarkozy cho biết, Ủy ban Châu Âu sẽ ra tay một cách không khoan nhượng đối với nạn đầu cơ bằng cách điều tiết thị trường tài chính. Ông cho rằng: “Chúng ta nhất quyết chống nạn đầu cơ bằng việc bắt buộc tuân thủ các nguyên tắc tài chính.”
Một nhà kinh tế học tại trường Kinh tế tại Madrid và là cựu Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, ông Luis de Guindos, cho rằng: “Đây là một cuộc khủng hoảng sâu nhất và sâu sắc nhất mà chúng ta gặp phải trong năm thập niên qua”.
Tại Washington, Tổng thống Obama cho biết, ông đã làm việc với Thủ tướng Đức Angela Merkel để xem xét tình hình phát triển kinh tế và tài chính tại châu Âu. Mỹ và Đức đã đồng ý về tầm quan trọng của một chính sách phản ứng mạnh của những nước bị ảnh hưởng cũng như một phản ứng tài chính mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Mỹ ủng hộ các nỗ lực đó và sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền châu Âu và IMF trong giai đoạn khó khăn này.
Quang Hiển (Theo CNN, BBC, Reuters)