Tình hình ở Syria đã trở nên căng thẳng hơn sau khi khoảng 100 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, hôm 6/6 lại bị giết hại trong một vụ thảm sát đẫm máu mới xảy ra tại khu vực Hama, miền Trung Syria. Hội đồng Dân tộc Syria cho biết như vậy, đồng thời cáo buộc lực lượng của chính quyền gây ra tội ác này. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) Kofi Annan đã bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng “không thể kiểm soát được” ở Syria.
Đám tang của một nạn nhân thiệt mạng trong một vụ đụng độ giữa lực lượng của Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy. Ảnh: AFP |
Trách nhiệm của ai?
Liên minh đối lập chính ở Syria đã kêu gọi để quốc tang và tăng cường các cuộc biểu tình vào ngày hôm qua (7/6) và hôm nay (7/6) để phản đối vụ thảm sát mới. Phát ngôn viên của Hội đồng Dân tộc Syria Mohammed Sermini tuyên bố: “Chúng tôi tính có khoảng 100 người chết tại al-Qubair, trong số họ có khoảng 20 phụ nữ và 20 trẻ em”, đồng thời cáo buộc lực lượng của chính phủ đứng đằng sau “vụ thảm sát” này.
Tuy nhiên, Chính phủ Syria hôm qua đã phủ nhận không có vụ thảm sát nào xảy ra, đồng thời cáo buộc “một nhóm khủng bố” đã gây tội ác trong khu vực Hama khiến 9 người thiệt mạng. “Thông tin mà một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải về sự việc xảy ra ở al-Qubair, thuộc khu vực Hama, là hoàn toàn sai”, chính phủ Syria tuyên bố trong một bản thông cáo gửi tới đài truyền hình quốc gia.
Truyền hình quốc gia Syria cũng đưa tin rằng, các binh sĩ chính phủ đã tìm thấy các thi thể sau khi tiêu diệt các “phần tử khủng bố”. Đài này cũng dẫn một nguồn tin chính thức nói các lực lượng an ninh đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào “hang ổ của các phần tử khủng bố có vũ trang” tại Qubair, sau khi nhận được những lời yêu gọi trợ giúp từ các dân thường.
Về phần mình, giám đốc tổ chức Quan sát nhân quyền Syria Rami Abdel Rahmane cũng nói tới một “vụ thảm sát” làm 87 người chết, đồng thời nhấn mạnh con số này vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Theo ông Rami Abdel Rahmane, vụ thảm sát xảy ra sau nhiều đợt không kích và một toán dân quân sau đó đã xông vào ngôi làng al-Qubair rồi giết hại dân thường bằng súng và dao.
Hôm 25/5, vụ thảm sát đẫm máu khiến ít nhất 108 người thiệt mạng, trong đó có 49 trẻ em và 34 phụ nữ, tại Houla thuộc tỉnh Homs cũng đã gây ra sự phản ứng gay gắt trong cộng đồng quốc tế. Lực lượng nổi dậy và chính quyền Syria đều phủ nhận trách nhiệm về vụ việc này, trong khi đó một quan chức cấp cao của LHQ nói rằng có những “nghi ngờ” về lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ.
Đặc phái viên LHQ Kofi Annan cảnh báo về tình hình "không thể kiểm soát được" ở Syria. Ảnh: AFP |
Nguy cơ “diệt chủng”?
Bất chất bạo lực tiếp tục leo thang và hàng ngày có thêm hàng chục người chết ở Syria, cho tới nay cộng đồng quốc tế vẫn không vượt qua được những bất đồng về hồ sơ Syria. Nga và Trung Quốc bác bỏ mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. “Nga và Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi mưu toan giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng biện pháp can thiệp quân sự của nước ngoài, cũng như áp đặt sự thay đổi chính quyền ở nước này”, Nga và Trung Quốc khẳng định trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẵn sàng ủng hộ một hành động cứng rắn của LHQ chống lại Syria trong khuôn khổ chương VII của Hiến chương LHQ giống như đề xuất của Liên đoàn Ả rập. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tối 6/6 đã kêu gọi một cuộc chuyển giao toàn diện quyền lực tại Syria cho chính phủ chuyển tiếp, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cùng thời gian này, 16 quốc gia, trong đó có Mỹ, nhiều nước châu Âu và Ả rập tối 6/6 đã nhóm họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận về những biện pháp chấm dứt bạo lực ở Syria và buộc Tổng thống Bachar al-Assad rời khỏi quyền lực.
Theo nguồn tin ngoại giao, đặc phái viên quốc tế Kofi Annan về phần mình sẽ đề xuất các nước phương Tây, Nga và Trung Quốc, thậm chí có thể cả Iran và nhiều nước Ả rập, thành lập một nhóm liên lạc mới để thuyết phục Damascus cam kết một cuộc đối thoại chính trị với phe đối lập hoặc tìm ra một “kế hoạch B” cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, tại cuộc họp ở Istanbul, Paris, Washington và London đã dứt khoát từ chối hợp tác với Iran tại các cuộc hội nghị về Syria.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm qua, ông Annan tuyên bố, những kẻ có trách nhiệm về vụ thảm sát mới sẽ “bị trừng phạt”. Ông Annan cũng cảnh báo trước Hội đồng Bảo an rằng, cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ trở nên “không thể kiểm soát được” nếu như sức ép quốc tế lên Damascus không nhanh chóng đạt được kết quả, các nhà ngoại giao cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Giulio cho rằng, hiện đang tồn tại nguy cơ “diệt chủng” ở Syria nếu như cộng đồng quốc tế không can thiệp nhanh chóng. Theo thống kê của tổ chức Quan sát nhân quyền Syria, hơn 13.400 người, trong đó đa số là dân thường, đã thiệt mạng tại Syria trong vòng 15 tháng lực lượng nổi dậy bị trấn áp trong vũng máu.
Phúc Lợi (Theo AFP, BBC)