Thực trạng thu thuế chuyển nhượng trong các giao dịch M&A
Năm 2015, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt 5,2 tỷ USD. Hết 7 tháng đầu năm 2016, ước tính hoạt động M&A tại Việt Nam đã lên tới gần 3,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD.
Điều dễ nhận thấy là các DN, cá nhân trong các giao dịch chuyển nhượng vốn của các thương vụ M&A luôn tìm “sơ đồ” để đóng thuế thu nhập một cách ít nhất, thậm chí không đóng.
Từ phía DN, có ý kiến cho rằng, thuế là một “cuộc chơi” giữa cơ quan thuế (CQT) và DN, việc DN tìm cách có lợi nhất trong việc đóng thuế thu nhập là một hoạt động nghiệp vụ bình thường. Trong hoạt động chuyển nhượng vốn, thuế suất là 20% thu nhập chuyển nhượng (chênh lệch giữa giá mua và giá bán). Với thuế suất cao như vậy, không ít DN tìm cách “lách thuế”, “né thuế” khiến CQT phải vất vả “truy lùng”, truy thu.
Từ góc độ quản lý nhà nước, có thể thấy, nếu không quyết liệt, ngành Thuế sẽ khó khăn trong việc thu thuế chuyển nhượng vốn, nếu ông chủ các DN đang hoạt động tại Việt Nam nhưng thực hiện việc chuyển nhượng vốn bên ngoài Việt Nam và sử dụng nhiều “chiêu” lách thuế, né thuế.
Trong giao dịch M&A đình đám gần đây, Tập đoàn Casino (Pháp) chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan) với giá trị lên đến 1,05 tỷ USD thông qua chuyển nhượng Cavi Retail Ltd HongKong - công ty liên kết có trụ sở ở Hongkong (Casino sở hữu thương hiệu Big C trên toàn cầu, đầu tư vào hệ thống Big C Việt Nam thông qua Cavi Retail). Mặc dù quản lý thuế đối với các thương vụ M&A rất phức tạp ví dụ như vụ việc nêu trên, nhưng CQT vẫn thu được thuế cho Nhà nước.
Theo thông tin Bộ Tài chính công bố ngày 31/8/2016, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã nộp toàn bộ 2.034 tỷ đồng tiền thuế chuyển nhượng vốn khi mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp). Số tiền trên bao gồm tiền thuế chuyển nhượng khi mua lại Big C là 1.914 tỷ đồng, và 120 tỷ đồng tiền thuế phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2008. Đây là số tiền thuế cao nhất từ trước đến nay Nhà nước thu được từ hoạt động chuyển nhượng vốn.
Đặc biệt, vấn đề thất thu thuế chuyển nhượng thường xuất hiện nhiều và phổ biến ở các DN FDI, tạo nên một điều nghịch lý trong khi DN FDI là khối DN đã nhân được nguồn vốn đầu tư rất lớn và trực tiếp từ nước ngoài. Tính đến tháng 1 năm 2016, cả nước có khoảng trên 15.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106 tỷ USD. Tuy nhận được đầu tư khổng lồ nhưng khu vực FDI lại bộc lộ một số ảnh hưởng tiêu cực trong vấn đề chuyển, giá, trốn thuế hiện nay.
Theo thống kê từ bảng xếp hạng V1000 năm 2016 do Vietnam Report thực hiện, số liệu cho thấy khối FDI có số lượng DN đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, nhưng có tỷ lệ đóng góp vào tổng số thuế thu nhập DN của toàn bảng chỉ dừng ở mức 16%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ đóng góp của khối DN nhà nước.
Biện pháp để hạn chế thất thu thuế từ chuyển nhượng vốn
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thất thu thuế từ chuyển nhượng vốn là do cơ sở pháp lý về lĩnh vực này chưa hoàn thiện và chế tài đối với hành vi cố tình không thực hiện nghĩa vụ thuế chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế, đất đai và cấp giấy chứng nhận đăng ký DN chưa chặt chẽ đã tạo ra kẽ hở để các DN lợi dụng lách thuế.
Để ngăn chặn tình trạng lách thuế chuyển nhượng vốn, cần quy định chặt chẽ về việc DN chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán và phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán, CQT có quyền ấn định giá chuyển nhượng và giá vốn chuyển nhượng. Trường hợp chuyển nhượng vốn không có hóa đơn (đối với tổ chức), chứng từ chứng minh (với cá nhân) đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, DN nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân chuyển nhượng vốn.
Tiếp đến, cần có quy định về cơ chế phối hợp giữa CQT và cơ quan đăng ký kinh doanh, thể hiện dưới hình thức cung cấp và trao đổi thông tin để CQT xử lý những trường hợp trốn thuế, né thuế. Đồng thời, bổ sung quy định DN chỉ được làm thủ tục thay đổi thành viên sở hữu cổ phần khi tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ thuế chuyển nhượng.