Nơi tuyến đầu biên cương xứ Nghệ in đậm hình ảnh người lính Biên phòng được dân tin, dân quý.
Giúp dân thay đổi cuộc sống
Những năm 1980, BĐBP Nghệ An phát hiện một tộc người lạ sinh sống giữa vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An). Các chiến sĩ khi đó rất sửng sốt khi nhóm cư dân này vẫn còn ăn uống, sinh hoạt kiểu hoang dã như buổi sơ khai của xã hội nguyên thủy. Một điều kỳ lạ là cứ thấy bóng người lạ họ lại lẩn vào rừng sâu. Rất khó khăn, BĐBP mới có thể tiếp cận được với nhóm người này. Đó là tộc người Đan Lai.
Khi ấy, cuộc sống người Đan Lai chủ yếu là săn bắt, hái lượm nơi rừng sâu, núi thẳm. Ban ngày xuống suối bắt cá hay vào rừng hái măng, bẫy thú, tối ngủ bên đống lửa cháy suốt đêm để tránh rét và sự tấn công của thú dữ. Việc tự trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm hay để chăm lo cho bữa ăn hàng ngày là câu chuyện xa lạ.
Cuộc sống chốn thâm sơn cách biệt cộng đồng, lại cộng thêm nhiều hủ tục lạc hậu đã làm cho tộc người này có nguy cơ suy thoái giống nòi vì đói nghèo và hôn nhân cận huyết. Cuộc sống của người dân dần thay đổi từ khi Đồn BP Môn Sơn và chính quyền địa phương thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; củng cố an ninh - quốc phòng ở các xã biên giới, hải đảo” và Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt cho biết, 100% số hộ dân hai bản Cò Phạt và bản Búng đều là hộ nghèo. Người Đan Lai nơi đây rất quý mến BĐBP. Người dân hiểu BĐBP đã làm tốt, làm được nhiều việc cho dân như khám chữa bệnh, rồi dạy bà con cái chữ, giúp 2 trẻ em đến trường, cứu sống 3 người ăn lá ngón tự tử và giúp dân phát triển kinh tế.
Tại hai bản này, cán bộ, chiến sỹ BĐBP và chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo trồng, mở rộng diện tích lúa nước, làm đường, làm nhà, xây dựng bản văn hóa…Người dân chúng tôi ở đây, có việc gì cũng ra trạm BP báo, nhờ giúp đỡ. Rồi ông chỉ cho chúng tôi xem cái máy thái cây chuối mà BĐBP vừa tặng cho gia đình ông.
Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhờ các dự án của Chính phủ, năm 2018, một bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống người dân Đan Lai khi họ bắt đầu có điện lưới, rồi sóng điện thoại.
Bản Cò Phạt có nhiều đổi mới căn bản. Bên cạnh trường lớp cho con em dân bản đi học, nhiều nhà đã sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy. Lần đầu tiên trong nhiều thế hệ, người Đan Lai được dùng những thiết bị quạt điện, ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh và điện thoại. Ti vi bắt sóng bằng chảo parabol giúp người dân nắm bắt tin tức.
Ông La Văn Long (62 tuổi) kể: “Người Đan Lai ngày trước sống biệt lập mỗi làng chỉ có 2-3 hộ nằm dọc con sông Giăng nên có nhiều hủ tục, trong đó đặc biệt nhất là tục kết hôn cận huyết thống, tảo hôn. BĐBP đã kiên trì vận động, giúp đỡ, đưa các hộ dân về hai bản Búng và Cò Phạt sinh sống rồi chỉ cho người dân cách trồng lúa nước, chăn nuôi... Sau một thời gian dài, các hủ tục mới dần được xóa bỏ”.
Người Đan Lai có tục ngủ ngồi và đẻ ngồi. Trước đây, phụ nữ sinh con ra liền đưa con nhúng vào nước lạnh sông Giăng để “thử” sức mạnh của người con đại ngàn. Sống thì lớn lên thích nghi với môi trường thiên nhiên, chết thì đó là theo ý trời. Nay các bản có Trạm quân dân y kết hợp của BĐBP, có giường đẻ hẳn hoi nên không còn ai ngồi đẻ ở nhà nữa.
Đoàn kết giữ vững biên giới
Tại 2 bản Búng và Cò Phạt có 2 trạm kiểm lâm và 2 trạm BP. Thôn có một phó thôn kiêm công an thôn. Vì vậy, mọi hoạt động của người dân liên quan đến đời sống, an ninh, trật tự xã hội, bà con đều lên trạm BP báo cáo.
Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới giáp nước bạn Lào dài 36,5 km, có 7 cột mốc với địa bàn rộng, địa hình đồi núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, Đồn BP Môn Sơn, BĐBP Nghệ An đã tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ, tuần tra đảm bảo trật tự an toàn vùng biên, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm đến chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, mua bán người, gian lận thương mại…
Cùng với đó, Đồn BP Môn Sơn còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thượng tá Đăng An Sơn, Đồn trưởng ĐBP Môn Sơn, BĐBP Nghệ An cho biết, Khoản 5, Điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định, “Công an nhân dân phối hợp với QĐND, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH ở KVBG theo quy định pháp luật”. Do đó, những năm qua, hai lực lượng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong bảo đảm an ninh, TTATXH ở khu vực biên giới.