Với mạng lưới các ĐH Đông Nam Á (AUN - gồm 21 ĐH hàng đầu của 10 nước Đông Nam Á, trong đó, có ĐHQG TP HCM), viễn cảnh sinh viên (SV) Việt Nam có thể chuyển tiếp đến một ĐH của Thái Lan hay Singapore không quá xa.
Dù vậy, do khác biệt về hệ thống giáo dục, việc chuyển đổi tín chỉ trong AUN đang đối diện với không ít khó khăn. Tại Hội nghị Chuyển đổi hệ thống tín chỉ ASEAN (ACTS) lần thứ 2, diễn ra tại ĐHQG TP HCM, ngày 19/1, GS Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành AUN cho biết, trong vòng hai năm tới, AUN sẽ hoàn chỉnh hệ thống chuyển đổi tín chỉ.
Hướng tới chuẩn đầu ra chung
PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP HCM cho biết, hoạt động chuyển đổi tín chỉ, SV đã tạo ra sự năng động và sức mạnh chung cho hệ thống giáo dục ĐH ở châu Âu, trong đó SV là đối tượng hưởng lợi lớn nhất do được tự do lựa chọn học tập tại các trường tốt nhất ở các quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu.
SV Việt Nam sắp tới có thể chọn học chuyển tiếp tại một ĐH của ASEAN. Ảnh: M.Luân |
Tuy nhiên, để hình thành hệ thống chuyển đổi hệ thống tín chỉ (ACTS), AUN đang vấp phải không ít khó khăn, nhất là sự khác biệt về chương trình giáo dục ĐH giữa các quốc gia Đông Nam Á.
PGS.TS Lê Quang Minh, Phó giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết, nền giáo dục của 10 nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của 3 hệ thống giáo dục khác nhau: Sigapore, Malaysia (ảnh hưởng từ hệ thống giáo dục Anh), Philippines (chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Mỹ), Việt Nam (chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp và Liên Xô cũ)… Đi vào từng chương trình cụ thể, từng ngành học cụ thể sẽ phát sinh thêm nhiều khác biệt.
Theo AUN, hơn 1 năm qua (kể từ Hội nghị Chuyển đổi hệ thống tín chỉ Asean ACTS lần thứ nhất tổ chức vào cuối tháng 3/2009 tại ĐH De La Salle - Phillippines), AUN luôn kêu gọi các trường trong mạng lưới đưa chương trình, ngành học, môn học vào hệ thống dữ liệu AUN để cùng tra cứu, tham khảo… Nhưng đến thời điểm này, số trường đưa chương trình vào hệ thống dự liệu của AUN vẫn còn hạn chế; thậm chí nhiều trường vẫn chưa hiểu rõ việc quy chuyển tín chỉ.
GS Nantana Gajaseni cho biết, thời gian tới, AUN sẽ thực hiện chuyển đổi tín chỉ ở một số môn học tự chọn giữa các ĐH.
“AUN sẽ hình thành chuẩn đầu ra cho từng môn học để làm cơ sở cho các trường ĐH trong mạng lưới”, PGS.TS Lê Quang Minh nói thêm.
Chuyển đổi tín chỉ - không quá khó
Nhiều ý kiến cũng lo ngại, việc chuyển đổi tín chỉ của các trường thành viên ĐHQG TP HCM đến giờ vẫn chưa có chuẩn, thì liệu việc ĐHQG TP HCM tham gia chuyển đổi tín chỉ với các ĐH của các nước Đông Nam Á có khả thi?
TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban Ban ĐH và sau ĐH ĐHQG TP HCM cho biết, trong năm 2010, ĐHQG TP HCM sẽ có quy chế chính thức về việc chuyển đổi tín chỉ của các trường thành viên.
“ĐHQG TP HCM vừa thành lập Trung tâm lý luận chính trị, SV có thể học, tích lũy, chuyển đổi tín chỉ môn học này trong các trường thành viên. Đây có thể xem là bước khởi đầu tốt cho việc chuyển đổi tín chỉ”, TS Trương Chí Hiền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết.
PGS.TS Dương Anh Đức, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, nhận định: Để tham gia AUN, ĐHQG TP HCM phải hoàn chỉnh chuyển đổi tín chỉ giữa các trường. Hiện nay, việc quy đổi tín chỉ của SV ĐH Bách Khoa và và ĐH Khoa học Tự nhiên cũng đã diễn ra khá nhiều. Ngay trong tháng 1, ĐH Khoa học tự nhiên sẽ kết hợp với Khoa Kinh tế (ĐHQG TP HCM) hoàn chỉnh chương trình đào tạo “lấy bằng kép” ngành Toán (ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM) và Kinh tế (của Khoa Kinh tế) cho SV.
Theo đó, thí sinh có thể thi vào một trong hai trường trên, học chuyển đổi tín chỉ cho nhau. Với cách này, sau khi kết thúc chương trình thứ 1 trong hai trường, SV chỉ mất mất thêm từ 1 - 1,5 năm để lấy bằng ĐH của trường còn lại (thay vì 2,5 năm văn bằng 2 như trước đây). “Vì vậy, vấn đề chuyển đổi tín chỉ ở các trường thuộc hệ thống ĐH QG TP HCM không quá khó, nếu có sự hợp tác chặt chẽ”, PGS.TS Dương Anh Đức nói.
Theo Đất việt