Chiều qua (9/9), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ đồng chủ trì buổi làm việc về phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng đề án, văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ Tài chính. Tham dự còn có các thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc 3 cơ quan.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ đồng chủ trì buổi làm việc |
“Phối hợp tốt thì hiệu quả tốt”
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính luôn cố gắng đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự thảo VBQPPL. Hai bộ đã phối hợp chặt chẽ không chỉ trong hoạt động xây dựng VBQPPL mà còn trong các lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế… và nhiều hoạt động khác.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính là bộ đa ngành nên công tác xây dựng VBQPPL luôn đóng vai trò quan trọng và số lượng công việc lớn. Trước yêu cầu ngày càng cao đối với công tác hoàn thiện thể chế, các bộ, ngành liên quan phải tăng cường trách nhiệm, phối hợp để chính sách kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn vì “phối hợp tốt thì hiệu quả tốt”.
Để tạo điều kiện giúp Bộ Tài chính hoàn thành dứt điểm các VBQPPL đã trình và tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng VBPL của năm 2013, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp thực hiện Nghị định 55/2011; tích cực tham gia ngay từ đầu quá trình soạn thảo để hỗ trợ Bộ Tài chính đối với từng dự án VBQPPL do Bộ Tài chính chủ trì.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ có giải pháp cùng Bộ Tài chính rút ngắn thời gian thẩm định trong phạm vi cho phép, hoàn tất hồ sơ và nâng cao chất lượng dự thảo VBQPPL trước khi trình ban hành, không để tồn đọng, nâng cao tỷ lệ hoàn thành các đề án VBQPPL của bộ.
Cho ý kiến về những kiến nghị cụ thể của Bộ Tài chính trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng VBQPPL, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cũng đánh giá cao sự phối hợp của hai Bộ Tư pháp và Tài chính trong công tác xây dựng thể chế trước sức ép để đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Đồng thời khẳng định, tổ chức pháp chế của Bộ Tài chính là một trong những tổ chức pháp chế mạnh, góp phần rất nhiều vào hiệu quả công tác xây dựng VBQPPL của Bộ.
Pháp chế tốt đảm bảo chất lượng xây dựng pháp luật
Cùng khẳng định về hiệu quả, tính chuyên nghiệp, quyết liệt của công tác pháp chế Bộ Tài chính vì “công tác pháp chế của Bộ, ngành tốt bao nhiêu thì càng công việc xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp càng tốt bấy nhiêu”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, Bộ Tài chính là một trong những bộ có số lượng công việc xây dựng thể chế, theo dõi thi hành pháp luật nhiều nhất, có tính chuyên sâu nên cần tiếp tục phát huy vai trò “gác cổng” của tổ chức pháp chế cả trong công tác xây dựng pháp luật và chú trọng đến việc theo dõi thi hành pháp luật.
“Nếu các phòng pháp chế ở 63 sở Tài chính sớm được kiện toàn thì càng tăng sức mạnh cho tổ chức pháp chế của ngành Tài chính và giúp nhiều cho Bộ và ngành Tư pháp” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý.
Cơ bản nhất trí với những kiến nghị của Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng đề án, VBQPPL của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh đến việc tăng cường giao ban giữa 3 cơ quan về công tác xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm thời gian gửi hồ sơ VBQPPL để thẩm định đúng qui định, quan tâm, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, nhất là xây dựng VBQPPL, theo dõi thi hành, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính…, bố trí, bảo đảm kinh phí đầu tư phát triển, bổ sung kinh phí cho các nhiệm vụ mới, các chương trình, đề án được giao cho Bộ Tư pháp.
Từ chức năng, nhiệm vụ của 3 cơ quan, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ cùng khẳng định, công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, địa phương nên mỗi Bộ phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác này. Đặc biệt, phải tăng cường giám sát, theo dõi thi hành pháp luật để không còn tình trạng “chính sách, pháp luật trên giấy”, gây khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hương Giang